Đắng miệng mua phải “đặc sản” lợn

Đắng miệng mua phải “đặc sản” lợn "cắp nách"... nhái

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Lợn "cắp nách" (lợn lửng) của vùng Tây Bắc được coi là đặc sản ẩm thực được nhiều du khách ưa chuộng. Nhiều người dân thành phố cất công lên hẳn các vùng núi Yên Bái, Phú Thọ để săn đặc sản về. Tuy nhiên nhiều người đã phải ngậm ngùi vì hương vị của lợn cắp nách mỗi nơi một kiểu.

Lên núi mua phải lợn lửng... nhái

Lợn cắp nách được nhiều người coi là "ăn thịt thú rừng" không phạm pháp. Loại lợn này được ra đời từ thói quen chăn nuôi lạc hậu của bà con các dân tộc vùng cao như người Dao, Mường...

Đây thực chất là giống lợn đặc trưng truyền thống chuyên thả rông chẳng phải nuôi dưỡng của đồng bào. Muốn có một đàn lợn cắp nách thì chỉ cần mua một đôi, gồm một con đực và một con cái, sau đó thả chúng vào khu rừng gần nhà mình. Đôi lợn đó sẽ luôn đi bên nhau, làm ổ trong rừng, tự kiếm ăn. Đến mùa sinh sản thì chúng giao phối và đẻ ra cả đàn lợn cả chục con.

Nghe có vẻ nuôi lợn cắp nách đơn giản nhưng thực tế dù dễ nuôi nhưng do chậm lớn nên rất ít hộ gia đình còn giống lợn này. Dọc các tuyến đường dẫn lên Yên Bái, Phú Thọ, các nhà hàng treo nhan nhản các biển hiệu đặc sản lợn cắp nách Tây Bắc. Tuy nhiên không ít thực khách ngậm ngùi và trăn trở với suy nghĩ sao lợn cắp nách mà ăn giống lợn hai bề ngày xưa.

Lợn "cắp nách" được bán tại một phiên chợ vùng cao

Anh Nguyễn Văn Xuân, giám đốc một công ty xây dựng tại Hà Nội cho biết: "Thi thoảng vào những dịp ngày nghỉ bạn bè cũng hay rủ nhau lên đường Láng Hòa Lạc ăn đặc sản lợn lửng của người Mường. Ăn thấy thịt thơm, đậm đà, da lợn giòn. Mặc dù nhiều lần ăn nhưng thực sự bản thân tôi và nhiều bạn bè cũng chưa được tận mắt chứng kiến con lợn lửng trông ra làm sao.

Chỉ thấy mọi người bảo lông lợn lửng dài, rậm. Chính vì thế dịp vừa rồi có dịp đi Mù Căng Chải chơi cùng bạn bè có đi qua vùng Thanh Sơn, Phú Thọ. Vùng được coi là "bản địa" của giống lợn cắp nách. Chúng tôi vào một quán ăn và nhờ chủ quán mua hộ một con mang về Hà Nội chiêu đãi bạn bè".

Mặc dù đã lót tay chủ quán 50.000 đồng tiền giới thiệu nhưng anh Xuân sau khi lễ mễ không quản ngại cho lợn cắp nách lên hẳn chiếc xe con về Thủ đô. Lúc mổ ra rồi chế biến lên ăn thịt chẳng bằng một nửa so với ăn ở trên quán vùng đó. Cả nhà anh cùng với bạn bè được buổi chưng hửng ăn lợn cắp nách mà giống lợn hai bề. "Miếng thịt mỡ kiểu như thịt ba chỉ. Con gái tôi còn không thèm động", anh Xuân than vãn.

Bác Nguyễn Văn Yên (xã Giáp Lai, Thanh Sơn, Phú Thọ) cho biết: "Hiện tại gia đình tôi đang nuôi vài chục con lợn lửng. Để nuôi được loại lợn này cần một diện tích chăn thả rất rộng. Thường các hộ gia đình ở miền núi, gần đồi có điều kiện để nuôi hơn. Kinh nghiệm chúng tôi để chúng không đi xa nhà thì lấy gai bồ kết rạch cho xước da chúng. Sau đó sát muối vào người chúng từ lúc bé, thỉnh thoảng lại bắt chúng ăn muối, chúng sẽ không bao giờ đi xa.

Loại lợn lửng thuần chủng và nuôi hoàn toàn tự nhiên thuộc loại siêu chậm lớn, mỗi năm chúng chỉ tăng tối đa là chỉ hơn 10kg, sau đó hầu như không tăng nữa. Chính vì ăn cỏ cây, lại chậm lớn nên thịt chúng rất thơm ngon, hầu như không có mỡ, miếng nào có một tý mỡ thì cũng không ngấy. Cũng nhiều trường hợp nhiều khách hàng mua phải lợn lửng nhái mà nghĩ đó là lợn lửng". Có một đặc điểm khá thú vị là lợn lửng không thể nuôi được bằng cám tăng trọng. Chúng ăn vào sẽ bị chết sau đó.

Phù phép lợn đen thành... lợn cắp nách

Theo anh Dương Văn Tiến, một người nhiều năm kinh doanh các sản phẩm lợn lửng tại Thanh Sơn, Phú Thọ cho biết: "Hiện tại ở Phú Thọ chỉ có rất ít khu vực nuôi loại lợn này với số lượng lớn. Bởi theo tôi biết mỗi gia đình có nuôi lợn lửng tối đa cũng chỉ 60 con. Hơn nữa giờ 1 kg lợn lửng hơi khoảng 140.000 đồng. Nuôi chúng phải chăn thả trên diện tích rộng. Một năm trọng lượng con tối đa cũng chỉ hơn 10kg. Trong khi đó lợn thường bây giờ giá cũng gần 50.000đồng/kg lợn hơi mà chỉ cần nuôi 2 đến 3 tháng. Tính kinh tế rõ ràng nuôi lợn thường nhanh thu nhập hơn".

Đàn lợn "cắp nách" thả nuôi trên vùng cao

Tôi lân la dò hỏi anh Đinh Văn M, một trong những người nuôi lợn lửng kiêm thương lái các sản phẩm từ lợn lửng mới thấy họ cũng lắm chiêu không kém những người dưới phố để biến lợn đen Lâm Thao, lợn hai bề thành lợn cắp nách.

Theo phân trần của anh M thì lợn lửng thuần chủng phải vào các vùng người dân tộc hẻo lánh để mua giống bố mẹ. Tuy nhiên vì là giống hoang dã nên mỗi lần lợn cắp nách đẻ số lượng cũng chỉ chục con. Chính vì thế con giống cũng không phải dồi dào. Tuy nhiên do khi nuôi lợn lửng trở thành phong trào thì nhiều người nuôi cũng có cách để làm cho loại lợn đen Lâm Thao giống như lợn lửng xịn. Nhiều hộ họ cho lai giống lợn cắp nách thuần chủng với bố hoặc mẹ là lợn thường để có thể tăng trọng lượng của chúng.

Ngoài ra nhiều người nuôi còn cất công mua lợn đen Lâm Thao, hoặc những con lợn hai bề còi cọc nuôi không lớn đem thả hoang để phù phép chúng thành lợn cắp nách. Để có lông dài, da xù xì thì người ta cho chúng ăn cây chuối với muối để lông chúng dài giống với lợn cắp nách xịn.

Thay vì chăn thả trong rừng, nhiều hộ cũng không có diện tích rộng họ thường quây lưới sắt B41 rồi nuôi nhốt lợn lửng trong đó. Một ngày họ có thể cho chúng ăn một bữa các bữa khác cho ăn rau, các loại củ. Những con lợn này thường được cho ăn cám bã vào giai đoạn đầu lúc mới sinh sau đó cho chúng ăn hoàn toàn rau, củ quả và sống hoàn toàn ngoài vườn.

Nếu có mối dẫn người mua họ thường nói là họ bắt lợn cắp nách từ vùng núi về nhưng thực ra là chính hộ này chăn nuôi luôn. Giá loại lợn này rẻ hơn vài chục nghìn một kg so với lợn cắp nách xịn, người bán biết, các chủ quán đều biết chỉ có người ăn vẫn nghĩ là ăn lợn cắp nách.

Theo như lời khuyên của những người nuôi lợn lửng thuần chủng thì nếu muốn mua được lợn lửng xịn nên chịu khó đi vào các khu vực hẻo lánh của vùng Thanh Sơn, hoặc Tân Sơn, Thu Cúc của tỉnh Phú Thọ. Ở đó diện tích trang trại họ rộng, điều kiện chăn thả hoang dã. Tốt nhất là nếu thực khách chưa từng nhìn thấy lợn cắp nách thì nên đặt mua tại các nhà hàng lớn, uy tín. Chứ không phải lên tới "lãnh địa" lợn lửng mà đã chắc mua được lợn xịn.

Hoàng Mai