Dư luận chưa đồng thuận phạt đánh người gây tai nạn giao thông

Dư luận chưa đồng thuận phạt đánh người gây tai nạn giao thông

Chủ nhật, 31/03/2013 | 20:26
0
Mới đây, bộ GTVT vừa công bố Dự thảo lần 3 nghị định mới, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, sẽ phạt từ 5 - 7 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người gây tai nạn giao thông.

Không phải là "cứu cánh" cho người gây tai nạn

Xử phạt hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người gây tại nạn là một trong những nội dung mới của Dự thảo lần 3, Nghị định mới của bộ GTVT lần này. Bên cạnh đó, hành vi lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông cũng bị xử lý số tiền tương tự. Thực tế cho thấy, những vụ tai nạn nghiêm trọng, hoặc do người cầm lái vô trách nhiệm dẫn đến tai nạn rất dễ khiến người dân bức xúc, và có những hành vi đe dọa, tấn công tài sản và sức khỏe của người gây tai nạn. Không ít người sau khi gây tai nạn đã bị người nhà của nạn nhân hành hung, hoặc bị người dân truy đuổi, bắt trói và đánh đập đến phải nhập viện.

Xã hội - Dư luận chưa đồng thuận phạt đánh người gây tai nạn giao thông

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông

Theo tinh thần của quy định mới này không đơn thuần là bảo vệ cho người gây tai nạn trước sự bức xúc nhất thời của gia đình nạn nhân, hay người dân mà trở thành người vi phạm pháp luật.  Quy định mới này ra đời còn tạo cơ hội cho người gây tai nạn không vì hoảng sợ mà bỏ chạy khỏi hiện trường, dẫn đến việc gây ra những tai nạn khác hoặc gây khó khăn cho công tác xử lý, điều tra sự việc của công an. Khi xảy ra tai nạn giao thông, hầu hết các tài xế, lái xe đều rời khỏi hiện trường, hoặc lái xe bỏ chạy vì sợ sẽ bị người nhà của nạn nhân, hoặc người dân hành hung. Cách đây hai tháng, tài xế Nguyễn Hữu Lộc (ngụ quận Bình Thạnh) sau khi gây tai nạn giao thông, do sợ người dân đánh nên đã nhấn ga bỏ chạy kéo lê theo chiếc xe máy của nạn nhân một quãng đường dài, khiến chiếc xe bốc cháy và hư hỏng nặng. Người dân bức xúc vì hành vi này đã quyết truy đuổi theo, và khi chiếc xe cháy lan sang ô tô khiến tài xế buộc phải dừng lại đã bị người dân đánh đến phải nhập viện.

Gây tai nạn rồi bỏ trốn đã trở thành chuyện "thường ngày ở huyện" của cánh lái xe, do lo sợ thực sự cũng có, mà do vô cảm, thờ ơ trước tính mạng của người khác cũng có. Và câu cửa miệng họ thường trả lời trước cơ quan công an là sợ bị người nhà đánh đập.  Một CSGT từng xử lý hiện trường tai nạn giao thông cho biết, tình trạng lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn khỏi hiện trường rất nhiều, và điều này khiến cho việc phát hiện, điều tra của các anh gặp nhiều khó khăn. Có những vụ tai nạn giao thông xảy ra trong đêm tối, nơi vắng người, vùng sâu vùng xa. Những kẻ gây tai nạn sẽ nhanh chóng tìm cách thoát thân và lảng tránh trách nhiệm, nạn nhân không được cấp cứu kịp thời, còn nhiều lái xe thì ngày càng vô trách nhiệm khi tham gia giao thông. Cũng vì vậy, số người bị thiệt mạng do tai nạn giao thông ở Việt Nam mỗi năm lên tới hơn 14.000 người. Nếu quy định này được thông qua, cũng là một cách để phản biện lại chiêu bài bỏ trốn khỏi hiện trường do sợ bị người nhà nạn nhân đánh đập của không ít lái xe.

Hiện nay có một thực tế, không ít người nhà nạn nhân, không cần tìm hiểu sự việc, không cần biết lý do khách quan, chủ quan, cứ đến hiện trường là túm ngay áo người được cho là gây tai nạn, hành hung trước khi nói phải trái bằng pháp luật. Và không ít trong số đó, họ đã dùng vũ lực, đánh oan những người có lòng tốt muốn cứu giúp cho nạn nhân. Đó cũng là một trong những lý do khiến mọi người khi đi đường gặp tai nạn, sẽ e dè việc cứu nạn nhân, vì họ không muốn gặp rắc rối với người nhà nạn nhân và công an.

Xã hội - Dư luận chưa đồng thuận phạt đánh người gây tai nạn giao thông (Hình 2).

Luật gia Đặng Đình Thịnh, giám đốc trung tâm Tư vấn pháp luật TP.HCM (Hội Luật gia Việt Nam)

Vẫn còn nhiều điều phải bàn

Quy định này trong dự thảo luật của bộ GTVT, dù đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp, nhưng cũng nhận được không ít sự đồng thuận của nhiều người. Anh Vũ Hoàng Giang (40 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình) bày tỏ: "Những người gây tai nạn nói riêng và vi phạm giao thông nói chung, đều cần được xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng không thể lấy cái khác nguy hiểm hơn để trấn áp hành vi vi phạm luật giao thông. Tôi đề nghị phải có chế tài cụ thể xử phạt những hành vi vì lý do cá nhân, hoặc lạm dụng quyền lực để đánh đuổi, gây nguy hiểm và hành hung người gây tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông xảy ra là điều đáng tiếc, và là điều không ai mong muốn. Họ gây tai nạn đã có pháp luật xử lý, sao lại xử sự như côn đồ, đánh đập người khác rồi viện lý do họ gây ra tai nạn với người thân của mình. Như vậy cũng là vi phạm pháp luật".

Đồng quan điểm trên, ông Vũ Ngọc (53 tuổi, ngụ quận 2) cho biết: "Tôi thấy luật này đưa ra cũng có lý. Xét trên phương diện tâm lý cá nhân thì người nhà nạn nhân bao giờ cũng bức xúc với người gây ra tai nạn. Nhưng xét trên phương diện pháp luật thì không thể biện minh cho hành động đánh người bằng lý do tình cảm cá nhân. Đánh bằng vài cú đấm, vài cái bạt tai thì không sao, nhiều người còn hành hung đến nỗi họ phải nhập viện, gây thương tích, thậm chí mất mạng thì không chấp nhận được. Người hiểu chuyện, sống theo pháp luật thì không bao giờ xử sự như vậy".

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến tỏ ra không đồng tình hoặc chưa thống nhất với quy định trên. Anh Nguyễn Văn Trường (36 tuổi, ngụ quận Bình Tân) phát biểu: "Đa số các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng là do chạy ẩu, hay phạm luật dẫn đến chết người, lại còn bỏ trốn. Vì vậy người dân và người nhà nạn nhân phẫn nộ, đánh người gây tai nạn cũng là tâm lý bình thường, dù đó là sai nhưng tôi không cho đó là điều đáng bị phạt nặng như vậy, nhất là tình hình giao thông nước ta hiện nay rất phức tạp. Chỉ trừ khi đó có người cố tình dựng chuyện hành hung thì nên phạt. Và nên xem xét tình huống hành hung như thế nào trước khi đưa ra mức phạt".

Chị Thu Hiền (38 tuổi, ngụ quận 1) thì lại đưa ra những trường hợp gây tai nạn rồi bỏ chạy bằng mọi cách. Theo chị, những trường hợp lái xe gây tai nạn xong tìm mọi cách trốn chạy khỏi hiện trường, khi các cơ quan chức năng chưa có mặt thì người dân có quyền giữ họ lại. Và nếu họ kháng cự, thậm chí dùng hung khí, vũ lực để bỏ chạy, thì người dân cũng có thể dùng vũ lực để khống chế họ. Những trường hợp đặc biệt như vậy, không thể xếp vào khung hình phạt như trong quy định được.

Anh Trần Hoàng Nhân (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) lại băn khoăn ở những trường hợp của người thi hành công vụ. Anh thắc mắc: "Tôi còn chưa rõ vậy trường hợp công an truy bắt người vi phạm giao thông, mà có hành vi gây tổn hại đến sức khỏe và tài sản của họ thì có bị phạt không. Tôi từng chứng kiến cảnh công an 141 đạp xe của người vi phạm giao thông khi họ tìm cách chạy trốn, may sao họ không bị ngã xuống đường mà vẫn chạy được. Hoặc những trường hợp công an đánh đập người vi phạm giao thông thì có bị đưa vào khung hình phạt này như những người dân bình thường hay không?”.

Không khéo dễ xảy ra  lạm quyền

Luật gia Đặng Đình Thịnh, giám đốc trung tâm Tư vấn pháp luật TP.HCM (Hội Luật gia Việt Nam) cho biết: "Việc bộ GTVT xây dựng Thông tư đề ra mức phạt từ 5 - 7 triệu đồng đối với những người hành hung người gây ra tai nạn giao thông vẫn chưa hợp lý, vì có chồng chéo nhiệm vụ, chức năng. Hành vi hành hung gây tổn thương cho người khác đã được điều chỉnh bằng Bộ luật Hình sự và Luật Xử phạt vi phạm hành chính, không thuộc lĩnh vực xử phạt giao thông đường bộ, đường sắt. Để nâng cao ý thức của người dân khi xử lý các tình huống đối với người gây tai nạn giao thông thì cần phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật rộng rãi trong nhân dân và xử lý nghiêm theo pháp luật khi có vi phạm, không nên quy định CSGT được quyền phạt hành vi nêu trên vì sẽ dễ xảy ra lạm quyền".

Hương Lam - Quyên Triệu

Ngoại tình, vợ chồng đồng ý có bị phạt?

Thứ 5, 28/03/2013 | 15:09
Xử phạt hành vi ngoại tình đang được sự quan tâm của đông đảo dự luận.

Bộ Công an: Phạt xe 'không chính chủ' là vì lợi ích của dân

Thứ 5, 28/03/2013 | 08:05
Ngày 27-3, Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an đã trả lời trên website của Bộ Công an về các vấn đề liên quan đến việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện được đề cập tại Thông tư 11/2012 của bộ này.

Đánh người gây TNGT: Phạt 7 triệu đồng

Thứ 3, 26/03/2013 | 14:53
Xử phạt hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe đối với người gây ra tai nạn là một trong số các nội dung mới của dự thảo lần 3 Nghị định mới mà Bộ GTVT vừa công bố.

Không xử phạt xe máy thiếu 'giấy chứng nhận môi trường'

Thứ 2, 25/03/2013 | 14:46
Đó là khẳng định của thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, khi giải thích về một số quy định tại Thông tư 11/2013 của Bộ Công an đang gây nhiều băn khoăn trong dư luận.

Khó quản lý mũ bảo hiểm 'rởm' vì xử phạt quá nhẹ

Chủ nhật, 24/03/2013 | 15:38
Thay vì xử phạt người dân sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) "dỏm", cơ quan chức năng, nhà sản xuất cần phát huy hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc kiểm định, kiểm tra quản lý, kinh doanh MBH.