Theo Syriar, tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết các lực lượng của quân đội chính phủ Syria và “Lữ đoàn Al-Quds” của người Palestine do Nga hậu thuẫn đã triển khai cuộc tấn công quy mô lớn ở khu vực giữa Deir ez-Zor và Raqqa trên sa mạc Syria nhằm tìm kiếm các cứ địa của khủng bố IS. Trong khi đó, các máy bay phản lực Nga tham gia vào chiến dịch này với nhiệm vụ trọng tâm là triển khai các cuộc không kích vào sâu các hang động và vị trí mà các thành viên của IS có thể ẩn náu.
Hôm qua, các nhà hoạt động của SOHR đã ghi nhận sự thiệt mạng của một binh sĩ thuộc lực lượng quân chính phủ cùng hai người khác bị thương sau khi các thành viên IS mở đợt tấn công vào đồn quân sự của lực lượng quân đội chính phủ gần khu vực Jabal Al-Bishri ở phía nam sa mạc Deir Ezzor. Trong cuộc tấn công bất ngờ này, IS đã sử dụng một chiếc xe bán tải có lắp súng tiểu liên.
Hai ngày trước, SOHR cho biết một cuộc tấn công bất ngờ mới do IS triển khai ở vùng nông thôn phía đông của Hama trong sa mạc Syria. Tại cuộc tấn công này, những kẻ khủng bố đã tấn công vào Quân đoàn 5 do Nga hậu thuẫn ở khu vực Abu al-Elaj ở phía bắc-đông Salamiayyah. Cuộc đụng độ nổ ra giữa hai bên khiến hai thành viên của Quân đoàn 5 thiệt mạng và ba người khác bị thương.
Dưới sức mạnh quân sự của Nga, khủng bố ở Syria đứng trước nhiều phen bạt vía kinh hoàng. Lực lượng khủng bố bị suy giảm sức mạnh đáng kể ở đây. Trong khi đó, Nga đã giành nhiều thành công trong các lĩnh vực quân sự, thương mại và ngoại giao. Tuy vậy, Nga cũng đối mặt với nhiều thách thức khi tham gia nội chiến ở quốc gia Trung Đông này.
Thế khó của Nga trong ván bài Syria
Giới phân tích cho rằng dù thu được nhiều thành công cả về chiến thuật lẫn chiến lược ở Syria, Nga vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức ở phía trước bởi nhiều lý do. Trước hết, mảnh đất Trung Đông lâu nay vẫn luôn là một "chảo lửa" với rất nhiều mâu thuẫn, xung đột. Hiện nay, với Nga, mối đe dọa đầu tiên là các nhóm Hồi giáo cực đoan trong khu vực đang lăm le trỗi dậy.
Thêm nữa, những khoảng trống quyền lực Mỹ bỏ lại ở Syria cùng những rắc rối nảy sinh từ cuộc chiến chống người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến cho khủng bố hồi sinh. Chưa kể, các phần tử cực đoan mới đào thoát khỏi các nhà tù ở Đông Bắc Syria cũng góp phần tăng cường sức mạnh cho nhóm khủng bố này.
Những kẻ khủng bố đã tận dụng giai đoạn này để tích lũy năng lực chiến đấu và chuyển hoạt động từ tỉnh Idlib đến các khu vực khác ở Syria.
Nga sẽ phải triển khai thêm quân và nguồn lực đến Syria để đối phó với xu hướng này, nhất là khi các nhóm phiến quân chống chính phủ Assad đều coi Moskva là kẻ thù.
Sự xung đột giữa phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức mạnh của Nga. Sự đối đầu giữa hai lực lượng này khiến khả năng nổ ra giao tranh sẽ tăng lên và kéo cả hai quốc gia vào tranh chấp.
Sự rạn nứt trong quan hệ giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể thúc đẩy những kế hoạch đầy rủi ro của Mỹ. Chưa chừng, Ankara có thể theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình, dẫn tới chạy đua vũ trang gây bất ổn khu vực. Nga sẽ là bên hứng chịu nhiều rủi ro khi ngày càng nhiều vũ khí hạt nhân xuất hiện sát biên giới nước này.
Một thế khó khác của Nga nằm chính ở sự cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực của Iran và Israel. Vì Nga và Iran đều ủng hộ chính phủ Syria nên Moscow đứng trước nguy cơ bị kéo vào vòng xoáy bạo lực khi các lực lượng thân Iran tấn công Israel và buộc Tel Aviv đáp trả.
Hiện tại, chiến lược của Nga ở Syria vẫn thành công. Moscow vẫn giành được nhiều phần thưởng to lớn và trở thành thế lực có tầm ảnh hưởng. Nhưng dẫu vậy, Nga cũng đứng trước nhiều rủi ro.