Đầu tư 65.000 tỷ đồng làm metro số 5, liệu có lại chậm tiến độ?

Thanh Lam - Nguyễn Lâm

Hà Nội vừa có đề xuất đầu tư hơn 65.000 tỷ đồng xây dựng tuyến metro số 5 đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc. Tuy nhiên, những hệ lụy nặng nề của các tuyến Nhổn – ga Hà Nội, Cát Linh – Hà Đông… khiến dư luận băn khoăn về việc ra đời thêm một tuyến metro mới.

Làm metro: Đừng cứ duyệt là làm!

Liên quan đến đề xuất nêu trên, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Giao thông Vận tải, bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - cho biết, quy hoạch của Hà Nội có vẻ rất khoa học, rất cấp tập và có nhiều tuyến metro. Nhưng, có nhiều câu hỏi được đặt ra là: Những tuyến đó có phù hợp với nhu cầu và thực tiễn hay không? Có phù hợp công nghệ, tương thích với khả năng tài chính của Thành phố hay không? Bao giờ hoàn thành, bao giờ người dân được thụ hưởng?... Những câu hỏi này chưa được giải đáp một cách rõ ràng.

Theo ông Thủy, đề xuất đưa ra thì rất dễ sau đó chỉ việc xin ý kiến của cấp trên để làm. Nhưng tất cả các khâu chuẩn bị để hoàn thiện, thực tế hóa những dự án của đề xuất là quan trọng, thì lại không được làm rõ. “Chúng ta đã có các tuyến metro số 1, metro số 2…, nhưng chưa có tuyến nào hoàn thiện. Nên, giữa cái vẽ ra và thực tế thì còn quá cách xa nhau, giờ nếu làm metro số 5 thì người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ tính khả thi của dự án”, ông Thuỷ bày tỏ quan điểm.

Để xây dựng các tuyến metro, ông Thủy cho rằng cần phải chọn lựa kỹ đối tác : “Việc ký kết hợp đồng với đối tác cũng cần phải được thực hiện, cam kết nếu làm tốt có thưởng, làm không tốt thì xóa bỏ ngay hợp đồng. Không để dự án kéo dài 8 - 9 năm mà người dân cũng không biết bao giờ hoàn thành. Tôi cho rằng, đây cũng là điều mà người dân băn khoăn”, ông Thuỷ nói.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ.

Nhìn lại tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ông Thủy bày tỏ nếu đề xuất tuyến metro 5 được phê duyệt rồi sau đó lại làm như tuyến Cát Linh – Hà Đông thì sẽ khiến người dân thêm mất lòng tin vào Thành phố, vào bộ GTVT.

“Khi đưa ra đề xuất, cần phải chỉ ra tuyến đường đó có lợi như thế nào, đi qua đâu, đặt nhà ga ở những đâu. Đồng thời, cần phải tham khảo từ những người có chuyên môn, nghiên cứu để có những hướng đi đúng đắn. Tôi cũng mong những tuyến metro đi vào hoạt động hiệu quả nhưng e rằng khó tạo ra hiệu quả, bởi không có kết nối và tiến độ thì quá chậm”, ông Thuỷ nói.

Trong khi đó, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp trường đại học GTVT - cho biết: “Tôi không bình luận đường sắt đô thị ở Hà Nội vì rất cẩu thả, cứ thấy có nguồn vốn là làm và làm mãi không xong. Phát triển giao thông là điều cần thiết, nhưng phát triển như thế nào thì phải lấy kinh nghiệm của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông làm bài học. Vì vậy, khi có đề xuất thì cần phải nghiêm túc tổng kết đánh giá đề xuất đó có thực sự cần thiết hay không, có sự góp ý của nhiều bên khác nhau như quản lý nhà nước, các nhà khoa học, nhà đầu tư… chứ không phải cứ đề xuất ra, được duyệt là làm”.

Xây dựng công nghiệp đường sắt để tránh phụ thuộc nước ngoài

Trao đổi với PV , ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng: “Hà Nội đề xuất đầu tư hơn 65.000 tỷ đồng xây dựng tuyến metro số 5, không phải chỉ để xây dựng tuyến metro đó mà còn bao gồm cả tiền xây dựng hạ tầng, đầu tư sản xuất ra các trang thiết bị, tự sản xuất được một hệ thống về đường sắt đô thị từ trang thiết bị, toa xe đầu máy…; Kêu gọi sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp đường sắt đô thị. Nếu Hà Nội có một ý tưởng như vậy thì đây là một ý tưởng táo bạo”.

Nói về ngành công nghiệp đường sắt đô thị, ông Cường phân tích: “Chúng ta đang rất cần có một ngành công nghiệp đường sắt cho riêng mình, chứ không nên suốt ngày đi vay vốn ODA rồi mua thiết bị, thuê nhà thầu nước ngoài vào để làm các tuyến đường sắt như Hà Nội, TP.HCM hiện đang làm. Như vậy, thì suốt đời Việt Nam sẽ lệ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài.

ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng cần xây dựng ngành công nghiệp đường sắt của riêng mình.

Tôi cho rằng, nếu Hà Nội có ý tưởng dành một nguồn ngân sách để đầu tư, phát triển một tuyến đường sắt và dựa vào tuyến đường sắt đó để phát triển ngành công nghiệp đường sắt đô thị thì đó là một ý tưởng đáng trân trọng, cần lưu tâm tính đến”.

Ông Cường cho rằng nếu đầu tư xây dựng tuyến metro 5 rồi triển khai như đường sắt Cát Linh - Hà Đông thì chỉ tạo thêm gánh nặng cho ngân sách. “Bởi, làm một tuyến đường sắt như vậy tốn biết bao nhiêu tiền của, đi thuê nhà đầu tư nước ngoài vào xây dựng… Đô thị Việt Nam cũng còn nhiều tuyến như vậy đang triển khai, ví dụ như cao tốc Bắc - Nam. Vấn đề ở đây là tại sao ta không xây dựng ra một ngành công nghiệp đường sắt riêng của mình? Tất nhiên, không phải chúng ta làm tử A đến Z mà hoàn toàn có thể sử dụng ngân sách, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào liên doanh, liên kết thậm chí có thể mua một nhà máy, một hệ thống, một tổ hợp sản xuất đường sắt của nước ngoài về để vận hành. Đây mới chỉ là ý tưởng và có được thông qua hay không còn cần phải bàn và cân nhắc”, ông Cường nêu quan điểm.

UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình số 151/TTr-UBND gửi Thủ tướng về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án metro số 5 tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc. Theo nội dung tờ trình, UBND TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng cho thành lập hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp cuối năm 2020.

Tuyến metro số 5 đi qua 7 quận, huyện (Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất), là tuyến đường sắt đô thị theo tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, gồm 6,5 km đi ngầm, 2 km đi trên cao và 29,93 km đi trên mặt đất. Dự án bắt đầu tại khu vực Văn Cao giao với đường Hoàng Hoa Thám.

Dự án được TP. Hà Nội tính toán có tổng mức đầu tư ước khoảng 65.404 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 24.844 tỷ đồng, chi phí thiết bị 16.629 tỷ đồng này. Dự kiến, dự án sẽ được đầu tư một lần, không thực hiện phân kỳ đầu tư.

T.L - N.L