Phạt dạy thêm: Ý tưởng 'tố cáo' yếu kém trong quản lý giáo dục

Phạt dạy thêm: Ý tưởng 'tố cáo' yếu kém trong quản lý giáo dục

Thứ 6, 22/03/2013 | 10:21
0
Hàng chục năm chống bệnh dạy thêm, học thêm, kinh nghiệm ắt không ít, nếu không muốn nói là quá nhiều. Ấy vậy mà, thành quả được nhắc đến nhiều nhất có lẽ vẫn là… "không chống nổi".

Càng chống... càng phát triển

Xin mở đầu bài viết này bằng bức "tâm thư" mà một phụ huynh tại Hà Nội gửi tới báo Người Đưa Tin chia sẻ về tâm tư của mình trước vấn nạn dạy thêm, học thêm. Chị này lấy trường hợp của chính cậu con trai mình đang theo học lớp 4 làm dẫn chứng: "Một lần, cô giáo ra bài kiểm tra, cháu không làm được và bị điểm kém dù sức học của cháu tương đối khá. Tôi gặng hỏi thì cháu nói, phần kiểm tra cô giáo chưa bao giờ dạy. Cháu nó thắc mắc thì cô hồn nhiên trả lời: "Kiến thức này cô dạy vào buổi học thêm hôm trước tại nhà, em không đi học nên không làm được là đúng thôi". Chẳng lẽ không học thêm là có tội? Không học thêm thì không bao giờ đạt điểm ưng ý?".

Xã hội - Phạt dạy thêm: Ý tưởng 'tố cáo' yếu kém trong quản lý giáo dục

Phạt 30 triệu liệu có giải quyết tận gốc vấn nạn dạy thêm học thêm

Câu chuyện của bậc phụ huynh trên thực sự gieo vào lòng chúng ta nhiều day dứt. Đâu đó vẫn còn hàng vạn trường hợp các ông bố bà mẹ đang phải đau đầu vì nghĩ cách ứng phó với "vấn nạn" dạy thêm của giáo viên. Phải khẳng định, tình trạng dạy thêm học thêm đang diễn ra vô cùng bát nháo khiến ngành giáo dục loay hoay mà chưa thể đưa ra kế sách hữu hiệu. Tình trạng giáo viên tự mở lớp ở nhà, hay thuê địa điểm để dạy học diễn ra như "nấm mọc sau mưa". Ở đâu điều kiện kinh tế xã hội càng phát triển ở đó hoạt động này càng phổ biến. Một điều đúc kết... dân trí càng cao, học thêm càng tràn lan.

Việc dạy thêm đối với nhiều giáo viên trở thành nhu cầu kiếm sống, là nguồn thu nhập chính. Với các bậc phụ huynh, chuyện gửi con đi học thêm là kế sách đầu tư "duy nhất đúng" cho tương lai con em mình. Tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu giáo dục đã nhận ra mặt trái của hiện tượng này từ lâu. Do việc dạy thêm, học thêm đa số tổ chức tự phát, không dựa trên cơ sở khoa học, đi sâu quá mức vào kiến thức hàn lâm nên khuôn sáo, xa rời cuộc sống. Chưa kể đến nhiều tiểu xảo nghề nghiệp của giáo viên đã tác động xấu đến quá trình phát triển nhân cách của trẻ. Do đó, việc tuyên chiến với vấn nạn này là đúng đắn, có ý nghĩa đối với thế hệ mầm non của Việt Nam.

Xuất phát từ những nguy hại của vấn nạn này, ngành giáo dục đã nhiều lần đưa ra quy định nhằm xiết lại công tác dạy thêm học thêm. Từ việc cấm dạy thêm học thêm cho trẻ ở bậc tiểu học, cấm giáo viên trường công lập đứng ra tổ chức dạy thêm và học thêm, cấm giáo viên dạy thêm đối với các học sinh mình đang dạy chính khóa… Nhưng dường như những nỗ lực không biết mệt mỏi trên không mang lại kết quả mong muốn. Cấm mặc cấm, giáo viên vẫn đủ kiểu ép buộc để phụ huynh đưa con đi học thêm. Cách xưa cũ nhất là yêu cầu phụ huynh ký vào đơn tự nguyện đã được soạn sẵn.

Để chặt chẽ hơn, việc ép tự nguyện chuyển sang một hình thức mới: Đưa mẫu đơn rồi bắt phụ huynh về chép lại bằng tay. Tiếp đến là cách cho bài khó, chấm điểm kém để phụ huynh tự biết đường mà đưa con đến nhà thầy cô... tầm sư học đạo thêm. Nói chung, vẫn có nghìn lẻ cách lách luật để các giáo viên "qua mặt" quy định "cấm".

Xã hội - Phạt dạy thêm: Ý tưởng 'tố cáo' yếu kém trong quản lý giáo dục (Hình 2).

Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Đừng để thành"nước đổ lá khoai"

Trong bối cảnh đó, ngay khi Dự thảo quy định xử phạt "nặng tay" với hành vi dạy thêm được đưa ra lấy ý kiến đóng góp đã lập tức trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi. Nhiều người đã ủng hộ và ghi nhận tinh thần tuyên chiến đến cùng với vấn nạn dạy thêm học thêm của ngành giáo dục. Nhưng cũng không ít người tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn của bản dự thảo này.

PGS Văn Như Cương cho rằng, việc cấm hay phạt dù ở bất cứ hình thức nào cũng không thể đem lại kết quả như mong muốn. Rõ ràng nhiều quy định trước đây đưa ra để xiết lại công tác dạy thêm và học thêm đều thất bại. Vì thực tế hiện tượng này vẫn tiến hành bình thường như chưa hề có văn bản quy định nào được đưa ra. "Tôi lo ngại, số phận của quy định trong bản dự thảo này cũng không khác gì so với những quy định trước đây. Có nghĩa khi dự thảo này đi vào thực tiễn cũng sẽ không cải thiện được gì đối với vấn nạn dạy thêm và học thêm tràn lan hiện nay", PGS Cương nhấn mạnh.

Theo lập luận của nhà giáo này, căn nguyên của tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Chương trình sách giáo khoa hiện nay thực sự quá tải so với sức học của học sinh. Bản thân giáo viên cũng gặp khó khăn khi truyền thụ hết lượng kiến thức có sẵn trong khuôn khổ chương trình quy định. Điều này tất yếu dẫn đến chuyện học sinh muốn nắm vững kiến thức và người thầy muốn truyền thụ đủ kiến thức thì buộc phải thêm tiết, thêm thời gian. Và dạy thêm học thêm bùng nổ.

Căn nguyên thứ hai mà PGS Văn Như Cương đưa ra đó chính là "bệnh thành tích" trong giáo dục. Bản thân nhà trường phải phấn đấu dạy học dựa trên một tiêu chí nhất định có sẵn. Giáo viên vì thế chịu áp lực về kết quả từ việc dạy học của mình. Muốn đạt tiêu chuẩn, nhiều giáo viên buộc phải dạy ngoài giờ. Cũng khó trách họ, thêm nữa, đa số phụ huynh kỳ vọng một cách thái quá vào sức học của con mình, họ muốn các em vượt trội so với bạn bè, do đó tìm mọi cách để con mình đi học ngoài giờ. Nhiều phụ huynh thậm chí đứng ra "xin", tha thiết yêu cầu giáo viên và nhà trường tổ chức dạy thêm học thêm cho con em. Họ mới chỉ nhìn nhận được thành quả từ điểm học tập của các em mà không nhận thức được những tác động nguy hại từ việc học thêm. "Học thêm không đúng cách là tiêu diệt trí sáng tạo của trẻ".

PGS Văn Như Cương nhấn mạnh: "Chỉ khi nào những vấn đề này được giải quyết tận gốc lúc đó mới hi vọng tình trạng vấn nạn dạy thêm và học thêm được cải thiện. Vì vậy bản thân tôi hoàn toàn hoài nghi về hiệu quả của dự thảo này".

Đồng quan điểm, thầy Ngô Tự Lập, giáo viên một trường THCS tại Ninh Bình cũng cho rằng, nhận thức được mối nguy hại của việc dạy thêm học thêm tràn lan là rất đúng, nhưng cách làm để chấn chỉnh hiện tượng trên lại không đúng. Cần có biện pháp đồng bộ, quyết liệt nhưng phải có tính thực tiễn thì lúc đó mới mang lại hiệu quả. Giáo viên sẽ nghĩ ra đủ cả ngàn kế lách luật.

Theo thầy Lập, gần như một văn bản nào của bộ GD&ĐT đưa ra các giáo viên đều phản ứng lại một cách rất khôn khéo. Họ dường như có khả năng “miễn dịch” hoàn toàn với những quy định của ngành giáo dục. Không cho tổ chức dạy thêm ở trường họ kéo về nhà dạy, không được ép buộc học sinh dạy thêm học thêm thì họ tiến hành thuyết phục phụ huynh học sinh viết giấy tự nguyện. Thanh tra xuống tìm hiểu, giáo viên tạm thời dừng dạy học, nhắc nhở học sinh với những câu trả lời được mặc định sẵn: "Em chưa từng đi học thêm". Chính khả năng "miễn dịch thần kỳ" của giáo viên đã biến mọi nỗ lực chống lại vấn nạn này của ngành giáo dục trở nên vô nghĩa.             

"Sốc" với quan điểm giáo dục "hết nạc mới vạc đến xương"

Việc dạy thêm và học thêm hiện nay đang đi ngược lại với truyền thống giáo dục của dân tộc ta. Vấn đề thương mại hoá giáo dục tuy là một tất yếu của thời đại nhưng thật nhói lòng khi biết được hiện tượng mua bán con chữ theo kiểu tiền trao cháo múc đã làm cho hình ảnh người thầy xấu đi trong mắt học sinh. Tôi từng được người bạn tâm sự rằng: "Thời ôn thi đại học có thầy từng ngã giá trắng trợn trước mặt học trò. Lớp nào đóng tiền cao thầy sẽ dạy theo kiểu tiền cao. Lớp nào tiền thấp sẽ dạy theo kiểu tiền thấp. Không có tiền không dạy. "Hết nạc mới vạc đến xương", đó là chân lý của thầy, em nào muốn học thì theo học".  

Anh Văn - Trinh Phúc

Dạy thêm lên tối đa 30 triệu đồng: Vẫn khó triệt tận gốc

Thứ 2, 18/03/2013 | 14:56
Bắt đầu vào mùa cao điểm của việc dạy thêm, học thêm khi học sinh chuẩn bị thi kết thúc học kỳ và đặc biệt là chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp THPT, thi vào ĐH, CĐ, thi vào lớp 10 và thậm chí cả thi vào... lớp 1.

Phải đánh giá lại việc học thêm, dạy thêm

Chủ nhật, 17/03/2013 | 22:58
Trước hiện tượng dạy thêm, học thêm ngày càng phức tạp và có những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng giáo dục, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo) về vấn đế này.

Phạt nặng nếu vi phạm dạy thêm học thêm

Thứ 5, 14/03/2013 | 08:44
Bộ GD – ĐT vừa trình dự thảo Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó dạy thêm học thêm sẽ bị xử phạt nặng nếu vi phạm.

Dạy thêm, học thêm có phải là... "tệ nạn"?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
"Đá quả bóng" trách nhiệm sang các địa phương về việc quản lí dạy thêm, học thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gây nên những tranh cãi gay gắt trong dư luận.