Trong các tiết học Triết học, thay vì lý thuyết suông về các vấn đề vĩ mô, sinh viên VinUni sẽ được học cách nghi ngờ, cách phản biện, không tin lời người khác nói, thậm chí là không nghĩ lời giảng viên luôn đúng. Đó là cách sinh viên thoát khỏi gò bó khuôn mẫu, trở thành những con người tiên phong kiến tạo, theo TS Billy Wheeler, Giám đốc Chương trình Khoa học Xã hội, Nhân văn và Nghệ thuật (HASS), Trợ lý Giáo sư Triết học, Khoa học và Xã hội, Trường ĐH VinUni.
- Ông dạy những môn học mà ở phổ thông các em chưa hề được học. Với ông thì đó là một lợi thế, hay là một khó khăn?
Nếu nhìn nhận một cách tích cực thì rõ ràng đây là một lợi thế, vì các em chưa bị bó buộc suy nghĩ trong một cái “khung” hạn hẹp. Tôi sẽ là người bắt đầu giới thiệu cho các em những khái niệm mới, về các cách suy nghĩ khác nhau, về góc nhìn khác nhau, về con người và các mối quan hệ trong thế giới của con người. Tôi giúp các em hình thành và nêu quan điểm, tự tin với những quan điểm của mình đối với những vấn đề vĩ mô. Tại VinUni, chúng tôi không chỉ dạy sinh viên lý thuyết suông mà là nêu các vấn đề triết học, sau đó hướng dẫn các em đưa ra quan điểm đa dạng. Với cách dạy này, tôi không bị phụ thuộc vào việc các em đã có kiến thức nền về triết học hay chưa.
- Là người đặt nền móng về kiến thức triết học cho sinh viên, liệu ông có e ngại rằng mình sẽ vô tình áp đặt quan điểm của bản thân lên các em, khiến sinh viên mất đi khả năng phản biện, năng lực mà VinUni rất đề cao ở người học?
Chuyện đó sẽ không xảy ra, bởi nguyên tắc của tôi khi làm việc với sinh viên là không “truyền giảng”. Chúng tôi đồng thuận với mục tiêu của VinUni, là giúp sinh viên trở thành những người kiến tạo. Vì thế, khi đến với chúng tôi, các em không bị gò bó trong khuôn mẫu, không được khuyến khích việc suy nghĩ y hệt nhau vì điều đó thui chột khả năng sáng tạo.
Chúng tôi muốn các em không sợ thất bại, chúng tôi sẽ giúp các em hiểu ngay cả bản thân việc mắc sai lầm cũng có vai trò quan trọng trong việc đem lại sự đổi mới. Chúng tôi muốn sinh viên đặt ngược lại các câu hỏi cho giảng viên, không muốn các em nghĩ rằng giảng viên luôn đúng. Luôn đặt câu hỏi, luôn nghi ngờ, với một phong cách chừng mực và có bằng chứng xác đáng, đó là điều mà chúng tôi luôn khuyến khích sinh viên thể hiện.
- Nhưng muốn phản biện thì trước hết sinh viên phải có kiến thức nền tảng. Liệu với một lượng thời gian ít ỏi trên lớp, sinh viên có đủ khả năng tranh luận với thầy?
Ở VinUni, chúng tôi giảng dạy theo mô hình học tập chủ động. Sinh viên sẽ đọc giáo trình và tài liệu mà giảng viên giới thiệu trước khi đến lớp. Giờ học trên lớp là thời gian giải quyết các tình huống mà giảng viên đặt ra, là lúc các em làm bài tập nhóm hay thảo luận. Tôi thấy cách làm việc này hiệu quả hơn là giảng viên đến lớp và giảng bài suông. Nhiều em rất háo hức chia sẻ những gì mình đã được đọc trước đó.
- Dù rất nỗ lực tạo sự sôi động cho lớp học nhưng ông đã bao giờ gặp “bức tường im lặng” từ phía sinh viên chưa? Nếu gặp rồi thì ông đã làm gì để phá vỡ sự im lặng đó?
Khi tôi mới bắt đầu công việc giảng dạy ở Anh, tôi đã mở đầu tiết học bằng một câu hỏi triết học rất vĩ mô. Đa số sinh viên đều không muốn trả lời, vì các em chẳng biết phải trả lời thế nào! Nhưng khi đến VinUni thì tôi đã có kinh nghiệm làm việc với sinh viên rồi. Tôi thường bắt đầu bằng một hoạt động nhỏ mà mọi người có thể đưa ra ý kiến của bản thân. Ví dụ, một trò chơi hoặc một câu đố, và trong đó có sẵn một vài đáp án để sinh viên lựa chọn. Những hoạt động như thế này giúp các em khởi động, làm quen với nhau và thoải mái đưa ra quan điểm. Sau đó, tôi sẽ chuyển sang những chủ đề khó hơn.
Thật ra sinh viên “chín chắn” hơn chúng ta tưởng. Các em rất quan tâm đến những vấn đề đạo đức, nhất là những câu hỏi về đạo đức có liên quan đến công nghệ và cách công nghệ thay đổi cuộc sống. Các em cũng quan tâm đến những câu hỏi liên quan đến giá trị của con người, chẳng hạn như suy nghĩ là gì? Ý thức là gì? Chúng ta có thật sự tự do hay không?
- Năng lực phản biện không chỉ là khả năng nêu ý kiến mà còn bao gồm việc kiểm soát cảm xúc của mỗi bên khi tham gia tranh luận. Ở VinUni các em được dạy điều này thế nào?
Chúng tôi không dạy các em cách kiểm soát cảm xúc, mà điều này mỗi người đều phải học thông qua cuộc sống và trải nghiệm cá nhân. Khi học tư duy phản biện, chúng tôi cũng không dạy các em việc đúng/sai, mà dạy sinh viên khả năng nhận biết được đâu là một lập luận xác đáng, hay khi nào thì bạn không nên tin lời người khác nói. Khi tranh luận, sinh viên có thể rất xúc động nếu các em cảm thấy bị tấn công bằng lời nói, hoặc bị chứng minh rằng quan điểm của các em là sai. Tất nhiên, ta nên tranh luận bằng lý trí. Nhưng cũng cần tranh luận bằng trái tim, vì ta cần phải có đam mê, nếu không ta sẽ chỉ là một cái máy nhả thông tin mà thôi. Nếu tranh luận vì đam mê thì tốt. Nhưng không nên tranh luận vì tức giận, ghen tị, sợ hãi hay những loại cảm xúc tiêu cực khác. Tôi thấy các em hoàn toàn hiểu được điều này.
- Cảm ơn TS Billy Wheeler!
Thu Hà