Cần bảo vệ người có ảnh hưởng
Thảo luận tại tổ sáng 2/11 về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), liên quan đến quy định về những hành vi bị cấm tại Điều 17 của dự án luật, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) bức xúc trước một số vụ việc lợi dụng người có ảnh hưởng, người nổi tiếng để quảng cáo trên mạng thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, việc lấy hình ảnh của người có ảnh hưởng, người nổi tiếng để ghép với sản phẩm quảng cáo, trong khi người ta không mua, không dùng, không biết rõ chất lượng sản phẩm thế nào cần phải bị xử lý mạnh.
Theo ông Huân, sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng mà không được phép để quảng cáo sản phẩm, như vậy là làm oan người có ảnh hưởng.
“Người tiêu dùng tưởng người nổi tiếng đã quảng cáo là sản phẩm phải tốt thật, rồi ào ào mua, nhưng về sinh bệnh tật hoặc không khỏi, tốn tiền thành ra người có ảnh hưởng lại bị mang tiếng đi quảng cáo cho sản phẩm kém chất lượng. Mặc dù, về luật pháp, người có ảnh hưởng hay người nổi tiếng trong trường hợp này là ngoại phạm”, ông Huân nêu.
Từ thực tế đó, ông Huân cho rằng luật cần bảo vệ người có ảnh hưởng, như thế cũng có nghĩa là bảo vệ người tiêu dùng không bị mắc bẫy của hành vi quảng cáo trá hình.
Cùng với quy định người có ảnh hưởng, người nổi tiếng không được sử dụng hình ảnh của mình để đi quảng cáo thì cũng cần có quy định bảo vệ người có ảnh hưởng, người nổi tiếng bị sử dụng hình ảnh cho hoạt động quảng cáo.
Tuy nhiên, đối với quy định người có ảnh hưởng, người nổi tiếng không được sử dụng hình ảnh của mình để quảng cáo, theo ông Huân, phải cân nhắc, xem xét kỹ càng bởi nếu làm chặt quá, có thể hạn chế người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng ngần ngại làm công tác cộng đồng.
“Bởi, có những người rất mong muốn được cống hiến cho cộng đồng thông qua kinh nghiệm, hiểu biết, hay là những trải nghiệm tích cực”, ông Huân nói.
Người tiêu dùng không muốn khởi kiện
Tham gia đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật, về việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề xuất cần có một Điều riêng bởi hiện nay thông tin người tiêu dùng đang bị lấy, bảo quản, lưu trữ trong tình trạng “rất rối”.
Trong dự thảo có 20 việc cấm đối với tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hàng hóa. Đại biểu cho rằng, một dự thảo Luật đưa ra nhiều điều cấm thì khả năng sẽ có vi phạm nhiều. Đại biểu Trịnh Xuân An thẳng thắn chỉ rõ: “Lâu nay, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dù có Luật hơn mười năm nay nhưng có những hành vi vi phạm diễn ra liên tục, công nhiên và có sự làm ngơ của cơ quan quản lý”.
Bên cạnh đó, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, người tiêu dùng bao giờ cũng trong thế yếu khi tham gia các giao dịch nên vai trò của cơ quan quản lý, đặc biệt lực lượng Quản lý thị trường, tổ chức đại diện cần phải có nội dung rất rõ.
Ngoài ra, đại biểu nêu lên việc, dự thảo Luật có một Chương liên quan đến tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Dự án Luật nêu vai trò rất quan trọng của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, điểm tựa pháp lý cho Hội vận hành, đứng ra bảo vệ quyền lợi một cách chủ động thì những quy định vẫn đang thiếu. Quyền chủ động khởi kiện của Hội khi không cần có yêu cầu của người tiêu dùng cũng cần làm rõ để Hội được làm, muốn làm và dám làm.
“Câu chuyện này ở nước ngoài rất nhiều nhưng lâu nay các đơn vi phạm liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng nhiều nhưng việc khởi kiện ít, mặc dù tranh chấp lớn”, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Về tố tụng bảo vệ người tiêu dùng, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, TAND Tối cao đã có ý kiến rất cụ thể về quy trình. Việc cần phải xác định rành mạch tố tụng bảo vệ người tiêu dùng trong mối quan hệ tố tụng dân sự và trong mối quan hệ với các quy định xử lý vi phạm hành chính, hình sự để không bị lẫn các vụ kiện bảo vệ người tiêu dùng với vụ kiện dân sự.
“Lâu nay, chúng ta mua bán nhỏ, tạo ra cảm giác người tiêu dùng không muốn khởi kiện, tranh chấp vì nhỏ. Lâu nay người tiêu dùng thường ở thế yếu”, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Người nổi tiếng bị lợi dụng hình ảnh để quảng cáo không phải là chuyện hiếm, nhất là trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh như hiện nay.
Hồi tháng 11/2020, trên Facebook cá nhân, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng từng bức xúc khi hình ảnh của ông bị lấy ra để quảng cáo cho sản phẩm của một công ty dược.
Hay, TS.Vũ Thái Hà - Trưởng khoa nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc (BV Da Liễu trung ương) cũng bị một trang facebook lấy hình ảnh để quảng cáo cho thuốc trị tóc bạc sớm, PGS.TS Vũ Thị Khánh Vân - Nguyên Trưởng khoa A9 Viện Y học cổ truyền Quân đội, cũng bị sử dụng hình ảnh cam kết chữa khỏi bệnh về mắt….
Gần đây nhất hồi tháng 6/2022,mạng xã hội chia sẻ những cảnh báo của Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học Nghệ thuật Trung ương, Nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ về việc ông bị cắt ghép hình ảnh quảng cáo cho thuốc đông y do người có tên Lương y Dương Văn Bảy trực tiếp chạy chữa.
Việc các đơn vị lợi dụng hình ảnh của bác sĩ để quảng cáo đã phần nào khiến người tiêu dùng rơi vào "bẫy" mua hàng trên mạng.