Đề nghị tuyên cựu Giám đốc tổng công ty Lương thực Trà Vinh kịch khung án tù có thời hạn

Hoàng Việt

Chiều 25/9, phiên xử sơ thẩm vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bước vào phần tranh luận. Mở đầu, đại diện VKSND TP.HCM thực hành công tố phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.

Các bị cáo gây thiệt hại trên 130 tỷ đồng

Theo VKS, tổng công ty Lương thực miền Nam (gọi tắt là Vinafood II) trước đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Năm 2018, Tổng công ty được cổ phần hóa, trong đó Nhà nước giữ 51,4% vốn điều lệ. Còn công ty Lương thực Trà Vinh là đơn vị hạch toán phụ thuộc của tổng công ty Lương thực Miền Nam, không có vốn và tài sản riêng.

Trần Văn Tâm (cựu Giám đốc công ty Lương thực Trà Vinh, công ty con của tổng công ty Lương thực Miền Nam) điều hành công ty Lương thực Trà Vinh từ năm 2012-2017.

Trong thời gian điều hành công ty, Tâm và các đồng phạm đã lợi dụng sự tắc trách trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát về tài chính, kế toán, tình hình huy động và sử dụng vốn tại công ty Lương thực Trà Vinh của một số lãnh đạo Vinafood II, để thực hiện nhiều hành vi tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với số tiền lên đến hơn 814 tỷ đồng.

Trong vụ án này, bị cáo Trần Văn Tâm được xác định là chủ mưu, cầm đầu.

Để che giấu tình hình thua lỗ của công ty do mình điều hành, Tâm chỉ đạo cấp dưới nhiều lần báo cáo gian dối, chỉ đạo nhân viên cấu kết với một số cá nhân ở doanh nghiệp bên ngoài lập khống hồ sơ mua bán lương thực, phụ phẩm nhằm nâng khống hàng tồn kho, nâng khống công nợ để được công ty “mẹ” tiếp tục cấp vốn, bảo lãnh vay ngân hàng và duy trì hoạt động.

Để che giấu tình hình thua lỗ của công ty do mình điều hành, Tâm chỉ đạo cấp dưới nhiều lần báo cáo gian dối, chỉ đạo nhân viên cấu kết với một số cá nhân ở doanh nghiệp bên ngoài lập khống hồ sơ mua bán lương thực, phụ phẩm nhằm nâng khống hàng tồn kho, nâng khống công nợ để được công ty “mẹ” tiếp tục cấp vốn, bảo lãnh vay ngân hàng và duy trì hoạt động.

Mãi đến năm 2017, đoàn kiểm tra Vinafood II tiến hành kiểm tra trực tiếp mới phát hiện tổng số lượng hàng tồn kho thiếu hụt ở những xí nghiệp, phân xưởng do công ty Lương thực Trà Vinh quản lý có giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Tính đến 31/10/2017, công ty lương thực Trà Vinh có dư nợ tại các ngân hàng hơn 600 tỷ đồng. Do Tổng công ty bảo lãnh trả nợ thay và uỷ quyền sử dụng hạn mức nên các ngân hàng đã thu tiền từ công ty mẹ là Vinafood II.

Ngoài ra, Tâm còn lợi dụng chức vụ quyền hạn đã cùng với Nguyễn Tấn Vinh, Phan Văn Hiệp, Nguyễn Nhất Thống, Cao Minh Chiểu, Cao Tấn Được tham ô 5,1 tỷ đồng để hợp thức khoản tiền mua, bán 2 căn nhà số 36 Võ Thị Sáu, số 68 Bạch Đằng, TP.Trà Vinh (thuộc sở hữu của Vinafood II) chuyển thành tài sản cá nhân của Tâm. Sau đó, Tâm làm giả các chứng từ chi mua gạo để cân đối sổ quỹ tiền mặt, che giấu số tiền tham ô.

Từ năm 2012 – 2017, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra được lập để kiểm tra, giám sát tại công ty Lương thực Trà Vinh.

Tuy nhiên, bị cáo Năng cùng các thành viên của đoàn đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, không phát hiện sai phạm của Tâm và đồng phạm, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 133 tỷ đồng.

Trong vụ án này, Trần Văn Tâm là kẻ chủ mưu, tổ chức, thực hiện hành vi tham ô hơn 5,1 tỷ đồng; Mua bán khống hàng hóa, rút tiền của Tổng công ty, sử dụng sai mục đích, cố ý làm trái quy định Nhà nước gây thiệt hại hơn 128 tỷ đồng.

Có sự tiếp tay, thông đồng với nhau để phạm tội

Trong đó, VKS đánh giá các bị cáo Huỳnh Thế Năng (Tổng giám đốc Vinafood II), Vũ Bá Vinh (Trưởng ban Kiểm soát nội bộ), Huỳnh Văn Tranh (kiểm soát viên), Trịnh Ngọc Thuận (Trưởng phòng Tài chính kế toán) đã không thực hiện đầy đủ, để Trần Văn Tâm và đồng phạm lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại cho Tổng công ty 132 tỷ đồng.

VKS đánh giá hành vi của các bị cáo là gây nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, các bị cáo có thái độ ăn năn, nhân thân tốt, có bị cáo còn nuôi con dưới 36 tháng tuổi, hoàn cảnh khó khăn… Đây là các tình tiết được VKS xem xét, làm căn cứ đề nghị tòa giảm cho các bị cáo một phần hình phạt.

Bị cáo Tâm bị đề nghị đến 30 năm tù giam.

Từ các nhận định trên, đại diện VKS đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Trần Văn Tâm 30 năm tù; Nguyễn Tấn Vinh từ 20-24 năm tù; Phan Văn Hiệp từ 16-18 năm tù; Cao Minh Chiểu từ 16-18 năm tù; Nguyễn Nhất Thống từ 12-14 năm tù; Cao Tấn Được từ 11-13 năm tù cùng về các tội Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng tội Cố ý làm trái, VKS đề nghị tuyên phạt Nguyễn Vĩ Long từ 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Đề nghị tuyên phạt các bị cáo Huỳnh Thế Năng, Vũ Bá Vinh, Huỳnh Văn Tranh, Trịnh Ngọc Thuận từ 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài án phạt tù, VKS còn đề nghị tòa tuyên các bị cáo Trần Văn Tâm; Nguyễn Tấn Vinh; Phan Văn Hiệp tù; Cao Minh Chiểu; Nguyễn Nhất Thống; Cao Tấn Được có trách nhiệm liên đới bồi thường trên 5,1 tỷ đồng từ hành vi tham ô tài sản.

Riêng Trần Văn Tâm còn phải nộp lại tiền thu lợi bất chính từ việc cho thuê nhà 36 Võ Thị Sáu, Trà Vinh là 432 triệu đồng.

12 bị cáo bị truy tố về tội Cố ý làm trái, VKS đề nghị phải liên đới bồi thường 127 tỷ đồng.

H.V