Đề xuất chồng được quyền đơn phương ly hôn, hợp lý đến đâu?

Đề xuất chồng được quyền đơn phương ly hôn, hợp lý đến đâu?

Thứ 4, 24/04/2013 | 15:26
0
Góp ý của UBND TP. Cần Thơ đối với việc sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình đưa ra đề nghị, người chồng được quyền đơn phương ly hôn khi người vợ mang thai hoặc nuôi con nhỏ.

Theo đó, nếu người chồng chứng minh được đứa trẻ đó không phải con mình, thì sẽ được tòa giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, khi trao cho người chồng quyền được đơn phương ly hôn, liệu pháp luật đã đảm bảo tính công bằng cho cả hai phía vẫn còn nhiều điều phải bàn.

Bảo vệ quyền ly hôn chính đáng của người chồng

Luật sư Phạm Văn Phúc, chuyên gia nghiên cứu pháp luật tại TP.HCM cho biết quan hệ hôn nhân được hình thành trên cơ sở tự nguyện. Việc ly hôn cũng được giải quyết dựa trên tinh thần sự tự nguyện đồng thuận ở hai phía người chồng và người vợ. Ngay cả khi một bên đơn phương muốn ly hôn thì pháp luật vẫn giải quyết. Tuy nhiên, không phải bất kỳ yêu cầu ly hôn nào từ phía người chồng cũng được tòa án chấp nhận. Khoản 2 Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: "Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn".

Nhiều chuyên gia pháp lý cho biết trước giờ, đây được xem là một quy định mang tính nhân văn sâu sắc, gián tiếp bảo vệ cho người mẹ và đứa trẻ. Theo số liệu tổng kết của TAND Tối cao năm 2010, cả nước có 88.591 vụ ly hôn và con số ngày càng tăng một cách đáng kể. Và trong những cuộc ly hôn này, người phụ nữ và trẻ em bao giờ cũng là nhóm xã hội dễ bị tổn thương, chịu thiệt thòi nhất. Trong đời sống hôn nhân, người phụ nữ khi mang thai và nuôi con nhỏ rất cần sự giúp đỡ, chia sẻ từ phía người chồng hơn lúc nào hết. Chính vì vậy, người chồng đơn phương ly hôn trong quãng thời gian này là trái với đạo đức và cả pháp luật.

Luật sư - Đề xuất chồng được quyền đơn phương ly hôn, hợp lý đến đâu?

Ảnh minh họa

Quy định này đã phần nào bảo vệ được quyền lợi của người vợ. Tuy nhiên, trong góp ý của mình, UBND TP. Cần Thơ đưa ra câu hỏi: Về mặt pháp lý, nếu như trong trường hợp đứa trẻ mà người vợ đang mang thai không phải là con của người chồng, thì người chồng có được đơn phương ly hôn không? Cơ quan này cũng đề nghị, trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi cần quy định rõ: Trường hợp người vợ đang mang thai mà người chồng có đủ chứng cứ chứng minh rằng đứa trẻ đó không phải con của mình và được tòa án công nhận, thì người chồng sẽ có thể đơn phương gửi đơn chấm dứt cuộc sống hôn nhân với người vợ.

UBND TP. Cần Thơ phân tích rằng, trên thực tế khi biết được cái thai người vợ đang mang không phải con của mình, mà không được phép ly hôn, người chồng sẽ có những diễn biến tâm lý bất thường dễ dẫn đến phạm tội. Chưa kể đến trường hợp người vợ nhận con nuôi, không có sự đồng ý của người chồng. Vậy khi người vợ nhận con nuôi dưới 12 tháng tuổi vẫn hạn chế quyền ly hôn của người chồng, vì Luật Hôn nhân và Gia đình không quy định rõ trường hợp người vợ nuôi con dưới 12 tháng tuổi là con nuôi hay con đẻ của hai vợ chồng. Người vợ sẽ lợi dụng những điều này, tìm cách mang thai hoặc nhận con nuôi liên tiếp để treo quyền ly hôn của người chồng. Khi đó, quyền lợi được ly hôn chính đáng của người chồng không được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng, nếu ý kiến này được thông qua, số vụ ly hôn sẽ tăng lên đột biến, khi không còn gì ràng buộc cả hai bên. Và người chịu thiệt thòi nhiều nhất, vẫn là phụ nữ và những đứa trẻ.

Người phụ nữ vẫn chịu tổn thương

Nếu tính đến những trường hợp cụ thể, thì việc người chồng được quyền ly hôn khi người vợ đang mang thai hay không, người phụ nữ vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi nhất. Chị Nguyễn Khánh Trâm (32 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) tâm sự: "Tôi cho rằng dù ly hôn trước hay sau khi mang thai và nuôi con nhỏ, người phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi nhất. Tôi đã có quãng thời gian rơi vào khủng hoảng trầm trọng, khi kết hôn chưa đầy năm thì gặp trục trặc. Khi đó tôi đang mang thai nên chồng tôi không thể ly hôn. Tôi cũng hy vọng khi sinh con ra sẽ cứu vãn được cuộc hôn nhân này. Nhưng quãng thời gian ấy, chồng tôi không chăm sóc được gì cho tôi. Luôn sống trong trạng thái căng thẳng nên tôi sinh non và không thể cứu sống đứa bé. Chỉ chờ có vậy, chồng tôi đơn phương đưa đơn ra tòa. Hai cú sốc một lúc khiến tôi ngã gục".

Phản biện lại những dẫn chứng của UBND TP. Cần Thơ, anh Nguyễn Văn Kiên (38 tuổi), ngụ tỉnh Bình Dương cho biết: "Nếu đặt ra những trường hợp cụ thể, người vợ có thể tìm mọi cách treo quyền ly hôn của người chồng, thì khi quy định này được áp dụng, người chồng cũng có thể tìm mọi cách ly hôn khi vợ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ mà pháp luật chưa tính tới. Giả sử cánh đàn ông sẽ có người tìm cách đổ oan cho cái thai người vợ đang mang không phải con của mình để được ly hôn. Ai biết được, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Tôi chỉ đưa ra một ví dụ vậy thôi".

Muốn chứng minh một thai nhi có cùng huyết thống với mình không, cách chắc chắn nhất là xét nghiệm ADN bào thai. Tuy nhiên, một bác sĩ ở khoa Sản bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) cho biết: "Để tiến hành thu mẫu xét nghiệm từ thai nhi, các bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Nếu sức khỏe đảm bảo thì tiến hành quá trình chọc nước ối hoặc sinh thiết nhau tùy thuộc vào từng thời kỳ mang thai. Nhưng quá trình này tiềm ẩn nguy cơ sảy thai và những phản ứng phụ khác nguy hiểm cho người mẹ và thai nhi. Nên các bác sĩ thường khuyến cáo mọi người không nên tiến hành xét nghiệm thai nhi chỉ vì nghi ngờ quan hệ huyết thống. Tốt nhất nên xét nghiệm sau khi sinh".  

Một đề xuất không phù hợp

Trao đổi với PV, luật gia Đặng Đình Thịnh, Giám đốc TT tư vấn pháp luật TP.HCM - Hội Luật gia Việt Nam cho biết: "Tôi cho rằng ý kiến này của UBND TP. Cần Thơ là không phù hợp, và sẽ khiến Luật Hôn nhân và Gia đình trở nên rắc rối hơn. Thứ nhất xét về khía cạnh pháp luật, nếu trao quyền ly hôn cho người chồng trong trường hợp người chồng chứng minh được đứa trẻ không phải con mình, sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống Luật Hôn nhân và Gia đình liên quan của Nhà nước. Pháp luật sẽ phải đưa ra những quy định kèm theo với quy định này như quy định về quy trình xét nghiệm ADN cho bào thai,... Thứ hai về mặt đạo đức, người phụ nữ sẽ dễ bị sốc tâm lý khi rơi vào hoàn cảnh này. Quy định hiện nay của pháp luật là hợp tình hợp lý, đảm bảo cho người phụ nữ và đứa trẻ một giai đoạn ổn định sau khi sinh con.

Hương Lam

Lỗ hổng pháp luật trong bảo vệ bí mật đời tư

Thứ 4, 24/04/2013 | 10:36
Quyền bí mật đời tư được quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, khái niệm “bí mật đời tư” (BMĐT) và “quyền BMĐT” chưa được hướng dẫn một cách cụ thể nên có nhiều cách hiểu khác nhau. Chính vì thế, nhiều người, nhất là những người nổi tiếng, nhân vật của công chúng bị xâm phạm BMĐT vô tội vạ.

Hôn nhân thực tế đang ‘đứng’ ngoài luật

Thứ 5, 18/04/2013 | 20:15
Báo cáo tổng kết 12 năm thực hiện Luật hôn nhân và gia đình của Bộ Tư pháp đã chỉ ra những bất cập, hạn chế trong những quy định về hôn nhân thực tế. Dường như quy định hiện hành đang không “phủ sóng” hết những phát sinh thực tiễn đối với những trường hợp chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn.