Đêm ngoại tình thú vị của người Ma Coong

Đêm ngoại tình thú vị của người Ma Coong

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Lễ hội đập trống là đêm duy nhất người Ma Coong được ngoại tình. Sau đêm đó, ai về nhà nấy, mọi chuyện tan biến vào dòng A Ky.

Bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch – mảnh đất linh thiêng của người Ma Coong. Trên khoảng sân rộng giữa bản, già làng Đinh Năng cùng các thanh niên khỏe mạnh đang bịt trống hội. Cây “chi cúp” – một loại cây thuốc rỗng ruột, được dùng làm tang trống. Tấm da trâu đẹp nhất xông khói kỹ suốt năm qua được dùng làm mặt trống. Những sợi mây rừng chuốt kỹ, luộc kỹ trong nồi đồng, được luồn vào tấm da trâu, siết căng, ép chặt vào hai mặt trống, rồi buộc giăng ngang dọc trên tang trống, tạo cho mặt trống hình thù của quả cầu gai.

Từ các lối mòn dẫn vào bản bắt đầu rậm rịch tiếng bước chân đổ về bản Cà Roòng. Khi mọi người tập trung quây tròn trên một vùng đất rộng giữa bản, trống được treo lên, lửa được nhóm lên, lễ hội bắt đầu.

Già bản Đinh Năng bày lễ vật và 7 mâm cỗ cúng Giàng, mỗi mâm gồm một con gà trống, một con cá, một líp xôi, đọt măng rừng, đọt mây, cây đoác và một hũ rượu thiêng, loại rượu ủ bằng lá rừng với nếp ngon trong cả một năm. Cá cúng Giàng được bắt từ khúc suối cấm, đoạn ngăn con suối A Ky từ bản Rào Bụt đến bản Nồm luôn có người trông coi không cho ai vào bắt cá. Già làng trong lễ phục tóc xõa, đốt những ngọn nến bằng sáp ong cháy.

Sự kiện - Đêm ngoại tình thú vị của người Ma Coong

Những người Ma Coong thay nhay đập đến lúc vỡ mặt trống.

Sau vài lượt khấn, già làng đến bên ché rượu thiêng uống hơi rượu đầu tiên, tiếp đó lần lượt các người già và chức sắc, rồi tất cả mọi người. Những cô gái xinh tươi trong bộ váy đặc trưng của người Ma Coong bắt đầu nhảy múa quanh chiếc trống. Năm chàng trai khỏe mạnh nhất trong bản bắt đầu dùng những chiếc dùi trống làm bằng thân cây mây đánh dồn vào hai mặt trống. Cạnh đó là hai người già cầm trịch đánh chiêng. Cứ 5 nhịp chiêng thì thỉnh 3 nhịp trống với tốc độ nhanh. Sau 3 lượt thỉnh trống thì phần lễ hội đập trống mới bắt đầu, dân bản và khách từ xa đến ùa vào, háo hức đánh hết sức vào trống. Quyện trong tiếng trống, tiếng chiêng là những tiếng hô lớn: “Roa lữ Giàng ơi! Roa lữ Giàng ơi!” (Vui quá Trời ơi) lay động cả núi rừng. Trai gái tìm nhau thì thầm trò chuyện, tặng quà làm quen, để làm cái cớ đưa họ tìm đến bên nhau.

Mọi người cố sức đánh cho trống vỡ trước khi trời sáng vì người Ma Coong cho rằng nếu trống không vỡ ngay trong đêm thì năm đó mùa màng thất bát, người làng đói khổ và sẽ gặp tai họa. Cứ thế tiếng chiêng tiếng trống không bao giờ dứt lặng trong đem ấy. Mặt trống rung lên bần bật… rồi bất ngờ một tiếng bụp. Mặt trống vỡ. Tiếng hát hò, nhảy múa bỗng lặng đi, sau đó là những tiếng hét rền vang núi rừng. Và rồi từng đôi, từng đôi cầm tay, níu áo lặng lẽ đến bên bờ suối A Ky tình tự. Chỉ trong chốc lát, khu vực lễ hội vắng thưa hẳn… Đêm nay là đêm duy nhất được ngoại tình của người Ma Coong. Sau đêm đó, ai về nhà nấy, mọi chuyện tan biến vào dòng A Ky.

Câu ca của người Ma Coong cứ văng vẳng trong đêm hội: “Xin Giàng làm cho mặt trời lên trong ngày, mặt trăng mọc trong đêm để anh được yêu em…”.

Hồ Ngọc