Đến bao giờ điện ảnh Việt mới trở thành “cú hích” cho ngành “ngành công nghiệp không khói”?

Lạc Thành

Làm thế nào để xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Liên hoan phim Việt Nam lên một tầm cao mới?Làm sao để điện ảnh tạo tạp sự lôi cuốn cho ngành du lịch, thu hút hàng triệu người đến một địa danh qua một bộ phim? Cú hích nào mới đủ sức tạo nên đột biến? Nhiều bộ phim đầu tư đến hàng tỷ đồng nhưng vẫn bị khán giả “quay lưng”. Vậy trong những năm qua, ngành điện ảnh đã ở đâu, làm gì trong “dòng chảy” mạnh mẽ của phim ảnh thế giới?

Vì sao Liên hoan phim bị cho là sự kiện dành cho những… người già?

Theo Cục Điện ảnh, tính đến nay, Liên hoan phim Việt Nam (LHP Việt Nam) đã trải qua 21 lần tổ chức. Nhiều năm trở lại đây, sự kiện này đã được tổ chức định kỳ 2 năm/lần tại nhiều tỉnh/thành trong cả nước. Tuy nhiên, LHP Việt Nam vẫn chưa thực sự trở thành một thương hiệu mang tầm quốc gia, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng trong nước và bạn bè quốc tế. Nhiều LPH mặc dù rất muốn “phô trương thanh thế” song lại rơi vào cảnh“ảm đạm” nhạt nhẽo khiến khán giả không quan tâm, và người trong nghề “ngó lơ”. Vậy nguyên nhân từ đâu?

Tại hội thảo Quảng bá thương hiệu quốc gia - LHP Việt Nam, nhiều nhà làm phim đóng góp ý kiến quý báu cho ngành Điện ảnh Việt .

Lý giả về sự thờ ơ này, ông Vi Kiến Thành- Cục trưởng cục Điện ảnh cho hay: “Nhiều LHP không được đón nhận, ít được quan tâm vì khâu quảng bá gặp nhiều cản trở liên quan đến thủ tục hành chính, văn bản pháp lý, nên thời gian truyền thông cho sự kiện ngắn. Chẳng hạn, Cục Điện ảnh chắc chắn sẽ làm LHP Việt Nam ở Huế vào năm sau nhưng chưa được truyền thông sự kiện vì các giấy tờ liên quan đến khâu tổ chức chưa hoàn thiện. Điều này làm cho nhiều người không biết đến thông tin về sự kiện. Để có những “cú hích” nâng tầm điện ảnh Việt thì chính người trong cuộc, những nhà làm phim, diễn viên cũng phải nỗ lực để tạo ra những bộ phim chất lượng”.

Ông Vi Kiến Thành- Cục trưởng cục Điện ảnh cho hay, cần có những “cú hích” nâng tầm điện ảnh Việt.

Nói về một trong những nguyên nhân khiến LHP bị coi là sự kiện của những người làm phim… lớn tuổi, ông Vi Kiến Thành cho hay: “Ban tổ chức dường như vẫn coi sự kiện giống như một ngày kỷ niệm truyền thống của ngành điện ảnh, vì thế mời nhiều người lớn tuổi, không còn hoạt động trong nghề tham gia. Trong khi, chúng ta nên hướng đến các nhà sản xuất trẻ - lực lượng nòng cốt của làng phim hiện đại thì không được mời, dẫn đến sự kiện này không có sự tươi mới. Có thể sắp tới, chúng tôi sẽ tính toán phương án như giao cho các công ty chuyên nghiệp tổ chức sự kiện từ đầu đến cuối, để liên hoan hấp dẫn, bớt đơn điệu. Ngoài ra, Cục cũng xem xét mở rộng thành phần ban giám khảo, cơ cấu thêm nhiều giải, đặc biệt là hệ thống giải cho nhà làm phim, nghệ sĩ trẻ nhằm tăng sức hút của liên hoan”.

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật về việc LHP Việt Nam chưa tạo được dấu ấn trong những năm gần đây, NSND Như Quỳnh cho hay: “Là một người làm nghề, đau đáu với nghệ thuật,chúng tôi cũng muốn thương hiệu LPH của mình được nhiều người chú ý, cả thế giới đã biết đến LHP Cannes, LHP Quốc tế Busan nhưng LHP ở mình thì chưa nhiều người biết. Theo tôi, LHP Việt Nam nên tổ chức cố định ở một tỉnh/thành, nó sẽ tạo nên tính thống nhất và ổn định. Năm nay tổ chức nơi này, năm sau tổ chức nơi khác... cái đó chỉ đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng của một số người dân chứ không tạo ra được tính thống nhất và chuyên nghiệp. Bản thân đội ngũ làm công tác tổ chức cũng sẽ bị động rất nhiều bởi mỗi tỉnh/thành có những đặc điểm riêng về địa lý, khí hậu, văn hoá, lịch sử… Sự kiện này nên tổ chức ở một nơi có nhiều điểm du lịch hấp dẫn và có lượng người hâm mộ điện ảnh đông đảo mới tạo ra được hiệu ứng truyền thông và kết hợp du lịch được”.

NSND Như Quỳnh chia sẻ, nên tổ chức LHP ở 1 tỉnh thành để có sự thống nhất.

NSND Như Quỳnh cũng nói lên tâm tư của nhiều nghệ sĩ đang làm nghề: “Ở một số quốc gia, các nghệ sĩ có thể tới các vùng miền đi quảng bá phim nhưng ở Việt Nam ít khi có chuyện như vậy. Nếu được đi theo đoàn phim quảng bá phim mình tham dự chúng tôi luôn sẵn sàng đóng góp. LHP VN của chúng ta đã là thương hiệu tốt. Điều chúng ta cần làm là xây dựng quảng bá để có tiếng vang quốc tế. Với người làm nghề, điều quan trọng là hóa thân vào các nhân vật trong bộ phim, góp phần tạo nên tác phẩm điện ảnh có giá trị. Phim đến được với quần chúng là điều khiến người làm nghề cảm thấy hạnh phúc”.

Đồng tình với ý kiến trên, NSND Lê Khanh cũng cho rằng: “Trên thế giới có rất nhiều liên hoan phim nổi tiếng có lịch sử lâu đời, được tổ chức cố định ở một địa điểm như: LHP Busan, LHP Venice, LHP Locarno, LHP Berlin, LHP Cannes... Vì thế, không có lí gì LHP Việt Nam phải mỗi kỳ lại tổ chức ở một nơi. Làm như thế sẽ tạo nên sự tản mát và thiếu tính ổn định để tạo nên một thương hiệu quốc gia. Cứ nhìn bài học thành công của các liên hoan phim đã có thương hiệu sẽ thấy đẳng cấp quốc tế luôn luôn gắn liền với một địa danh cố định. Chọn một địa danh có nhiều ưu thế về kinh tế, giao thông, du lịch và hạ tầng xã hội để tổ chức không đến nỗi khó. Cá nhân tôi đã nhiều lần đưa ra ý kiến nên chọn Đà Nẵng - thành phố đáng sống nhất Việt Nam để tổ chức. Đây là thành phố nằm giữa hai miền Nam - Bắc, việc đi lại hết sức thuận lợi, nơi đây còn là một thành phố xinh đẹp, đang có tốc độ phát triển mạnh mẽ, việc tổ chức LHP Việt Nam ở đó là rất phù hợp”.

Điện ảnh Việt chưa đủ sức “chắp cánh” cho ngành du lịch??

Tuy nhiên ông Đỗ Duy Anh - nguyên Cục Phó Cục Điện ảnh lại cho rằng: “Theo tôi, LHP Việt Nam nên được tổ chức luân phiên tại các địa phương khác nhau. Đó cũng sẽ là đặc điểm khác biệt của LHP Việt Nam đối với các liên hoan phim khác trên thế giới. Việc tổ chức các kỳ LHP Việt Nam tại các địa phương khác nhau sẽ mang điện ảnh đến với công chúng từ các vùng miền có mức độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khác nhau trên cả nước. Từ đó, phát huy được tầm ảnh hưởng thương hiệu quốc gia của sự kiện này, tạo nên sự phong phú - đa dạng trong cách tổ chức, quảng bá. Đồng thời, sẽ thu hút được thêm nguồn lực để tổ chức sự kiện từ các địa phương đăng cai”.

Phim Kong được quay ở nhiều địa điểm của Việt Nam như Ninh Bình, Quảng Ninh...

Nói về một số ví dụ về cách quảng bá phim ở các thành phố điện ảnh lớn, chị Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa tổ chức UNESCO ở Việt Nam cho biết, ở Busan, Hàn Quốc, khách du lịch được cung cấp lịch trình các sự kiện của liên hoan phim trong từng tháng. Họ có văn phòng thúc đẩy quảng bá phim, nhiều chương trình phổ cập kiến thức điện ảnh cho người dân. Nhiều sự kiện trong liên hoan phim phát vé miễn phí cho sinh viên, mời các ngôi sao hàng đầu Hàn Quốc đến giao lưu để hút khách.

Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được quay ở Phú Yên.

Trong khi đó, Liên hoan phim Bắc Kinh (Trung Quốc) chú trọng các giải thưởng khuyến khích nhà làm phim trẻ. “Ở các nước châu Á như Hàn Quốc và Trung Quốc… mỗi khi làm một bộ phim, họ chú trọng đến hình ảnh để quảng bá du lịch cho chính địa phương đó, có thể thấy rằng, phim trường của bộ phim Bản tình ca mùa đông đã làm nên sứt hút cho đảo Nami, phim hài Lạc lối ở Thái Lan có hơn 30 triệu lượt người xem, đạt doanh thu 1 tỷ 267 triệu nhân dân tệ ở Trung Quốc. Sau đó, du khách Trung Quốc đổ về Thái Lan du lịch. Hiệu ứng đi kèm là năm 2013, ngành du lịch Thái Lan tăng trưởng 10% nhờ bộ phim này. Ở ta có những bộ phim như: Kong - Skull Island quay ở Ninh Bình, Quảng Ninh… phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc quay ở Huế, Phú Yên… từ sau khi bộ phim được công chiếu, du lịch địa phương có tăng trưởng nhưng chưa nhiều do khâu quảng bá chưa chặt chẽ, chuyên nghiệp” – bà Hường cho hay.

Bối cảnh phim Mắt biếc sau khi quay xong trở thành địa diểm du lịch của nhiều người.

Nghịch lý phim chỉ nhận bằng khen ở Việt Nam nhưng lại được giải cao trên “đấu trường” Quốc tế

Đạo diễn Lương Đình Dũng mong điện ảnh VN thành ngành công nghiệp “không khói” có nhiều doanh thu.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là nhiều bộ phim do các đạo diễn ở Việt Nam sản xuất ở trong nước không được đánh giá cao, nhưng khi “mang chuông” đi tranh giải ở xứ người lại nhận được sự đón nhận của khán giả trên thế giới. Hơn nữa, nhiều phim đạt giải chỉ gói gọn nhận bằng khen và cũng chỉ có những người trong giới biết được giải thưởng của phim đó, còn đối với khán giả họ không hề quan tâm đến phim nào đoạt giải thưởng nào.

Tại Lễ trao giải Cánh diều 2016, bộ phim Cha cõng con của Đạo diễn Lương Đình Dũng chỉ nhận được bằng khen của BTC nhưng chính bộ phim này sau đó lại đạt giải Quay phim xuất sắc nhất của Liên hoan phim quốc tế Milano lần thứ 17 của Italy. Tại Liên hoan phim quốc tế Arizona lần thứ 26 diễn ra ở trung tâm thành phố Touson, Mỹ, phim này đoạt giải Phim truyện nước ngoài xuất sắc nhất và giải Quay phim ấn tượng nhất dành cho NSND Lý Thái Dũng. Tại Liên hoan phim Quốc tế Boston lần thứ 15, phim cũng đã được vinh danh giải Phim có cốt truyện hay nhất.

Nói về điều này, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ với PV: “Ở các LHP quốc tế, sự sáng tạo được đặt lên hàng đầu. Ban giám khảo là những người ở đủ các lứa tuổi, vì thế, sự đánh giá sẽ khách quan hơn. Tôi hy vọng rằng, nền Điện ảnh Việt Nam sẽ những bước đột phá, có những bộ phim đình đám, tạo nên một LHP có tầm, để nghệ sĩ được làm nghề và được đánh giá xứng đáng, mong rằng Điện ảnh Việt sớm trở thành ngành công nghiệp “không khói” như Du lịch”.

Ông Nguyễn Danh Dương - Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia nhận định: “Lượng phim Việt Nam sản xuất hiện nay tương đối lớn nhưng lượng phim phát hành chủ yếu là quốc tế, lên tới 70-90%. Muốn giới thiệu hình ảnh con người, văn hóa Việt Nam, hơn bao giờ hết, chúng ta phải tạo điều kiện đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước đủ mạnh để có sự cạnh tranh. Chỉ có người Việt Nam mới mang đầy đủ hơi thở cuộc sống Việt giới thiệu với bạn bè quốc tế. Chỉ có những tác phẩm tốt, hay mới có sức lay động hàng triệu con tim, tác động tớ mọi người và có sức quảng bá rộng rãi. Thế nên tôi cho rằng, điều kiện tiên quyết đó chính là phải xây dựng được nền điện ảnh đa dạng”.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho hay: “Việc quảng bá cho các LHP ở VN hiện nay còn hạn chế. Nó cũng giống như những bộ phim Nhà nước dù có chất lượng tốt nhưng khâu truyền thông gần như không có nên cứ nhắc tới phim Nhà nước là khán giả lại mặc định “phim tuyên truyền, khô cứng hay thậm chí giáo điều. Trong những năm gần đây, những bộ phim truyền hình của VTV rất hot, không chỉ bởi nội dung hay, chiếu giờ vàng, mà đó còn là chiến dịch truyền thông lớn, toàn diện, táo bạo mà họ đã thực hiện. Đó là Facebook, Youtube, app... để khán giả xem trên thiết bị di động… LHP cần phải là sự kiện được đông đảo công chúng quan tâm chứ không phải chỉ là sự kiện của những người làm nghề như hiện tại. Để làm được điều này, chúng ta cần có chiến lược, tận dụng tối đa thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0”.

L.T