Đền cô Bơ Bông và những điều chưa kể

Đền cô Bơ Bông và những điều chưa kể

Thứ 4, 22/02/2017 | 15:49
0
Cô Bơ Bông là một thánh cô nổi tiếng trong Tứ phủ Thánh cô. Người ta cho rằng, Cô Bơ được lệnh cha giáng trần để giúp vua, đến chí kì mãn hạn thì có xe loan lên đón rước cô về Thủy Cung.

Hình ảnh những ông Hoàng, bà Chúa được tái hiện lại trong dân gian qua hoạt động hầu đồng luôn mang đến sự hiếu kỳ, tò mò cho không chỉ “con nhang” mà còn rất nhiều người chiêm ngưỡng. Những nhân vật này được xem là hóa thân của những người có công giúp nước, giúp dân, trừ tà, sát quỷ mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tưởng nhớ công lao to lớn của họ theo truyền thống “uống nước nhớ nguồn” nên nhân dân lập đền thờ để lưu danh muôn thuở, cho con cháu ngàn đời sau biết đến mà nhang khói, phụng thờ.

Cô Bơ Bông là một thánh cô nổi tiếng trong Tứ phủ Thánh cô. Người ta cho rằng, Cô Bơ được lệnh cha giáng trần để giúp vua, đến chí kì mãn hạn thì có xe loan lên đón rước cô về Thủy Cung. Sau đó cô hiển linh giúp dân chúng ở vùng ngã ba sông, độ cho thuyền bè qua lại được thuận buồm xuôi gió vậy nên cô có danh hiệu là Cô Bơ Bông hay Cô Bơ Thác Hàn (theo tên gọi ở nơi quê nhà cô là đất Hà Trung, Thanh Hóa, ngã ba Bông bến đò Lèn). Đền chính của Cô hiện nay là Đền Ba Bông tại xã Hàn Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa.

Tin cũ - Đền cô Bơ Bông và những điều chưa kể

Tượng Cô Bơ Bông Hàn Sơn. Ảnh: Internet.

Đền cô Bơ trải qua khá nhiều sóng gió: vào khoảng năm 1939 - 1940, Đền Bơ Bông đã bị giặc Nhật phá đổ, đốt tượng. Lúc đó, cụ Nguyễn Trọng Khanh là thủ nhang của đền đã bí mật cứu gỡ được một số bài vị, bát hương, đỉnh thờ và pho tượng cô đem giấu đi. Sau đó ít ngày, cụ đã xin giặc Nhật cho lập đền thờ Trần Hưng Đạo (thực chất là dựng lại đền Cô) ở khu bãi bồi bên sông cách đền cũ chừng 200 mét. Nơi dựng đền cô lúc đó chỉ toàn lau lách.

Dưới sự quyết tâm của Cụ và bà con làng xóm, một ngôi đền 3 gian bằng tre nứa lá đơn giản đã được xây dựng. Sau đời cụ Nguyễn Trọng Khanh là cụ Nụ thủ nhang. Cụ Nụ có công rất lớn trong việc tôn tạo lại đền. Để có kinh phí xây dựng, cụ đã bán hết nhà cửa ruộng đất mới dựng được ngôi đền gạch, lợp ngói 5 gian.

Năm 1996, ngôi đền được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.Hiện nay, khu đất cũ của đền Cô mà đã bị giặc Nhật phá đã có người dân xây dựng 3 gian nhà ngói để ở. Nhưng nghe đâu, miếng đất nơi đền cũ linh thiêng không ở được. Người ở đó đã bỏ lại ngôi nhà chỉ để dành thắp hương cho cô và đi kiếm ăn nơi xa.

Dân gian truyền tai nhau rằng, đền Cô Bơ rất linh, ai hữu sự đến kêu van cửa cô chỉ cần nhất tâm, lòng thành lễ bạc đều được như ý nên danh tiếng cô vang lừng khắp nơi nơi. Lại thêm những câu chuyện cô hiển linh lưu truyền trong dân gian càng làm cho ngôi đền trở nên linh ứng, kỳ bí và thiêng liêng, thu hút rất nhiều người đến hành hương xin cô ban lộc, độ cho sức khỏe dồi dào, vạn sự hanh thông.

Theo cuốn “Lê Triều Thần Phả Ngoại Biên” được lưu giữ tại Thái Miếu họ Lê có ghi chép về thần tích cô Bơ Bông như sau:

“Vào khoảng năm 1432, vua Lê Lợi có một đêm mộng thấy một nữ thủy thần báo mộng: “Ta là con gái vua Thủy tề đây. Nhà vua còn nhớ là nợ ta một lời hẹn ước hay không? Bây giờ nghiệp đế vương đã thành sao chưa thấy trả”.

Vua Lê Lợi giật mình tỉnh dậy mới nhớ lại chuyện cũ. Ngày xưa, vào những năm đầu khởi nghĩa, Lê Lợi bị địch đuổi đến ngã ba sông Thác Hàn ở Hà Trung thì gặp cô gái xinh đẹp, đoan trang đang tỉa ngô được cô cứu thoát. Để tỏ lòng biết ơn, nhà vua có nói với cô rằng: “Ta có một cháu trai tuấn tú, khôi ngô, văn võ song toàn. Sau này kháng chiến thành công ta sẽ gả cháu ta cho cô”.

Người mà Lê Lợi nhắc đến chính là tướng quân Lê Khôi, cháu trai của Lê Lợi (Tướng Lê Khôi chính là một trong các hiện thân của Quan Hoàng Mười được thờ tại đền Củi ngày nay). Cô gái ấy chính là hiện thân của Cô Bơ. Tương truyền, sau thắng lợi, vua Lê Lợi có quay lại tìm cô gái nhưng không thấy. Như vậy lời hứa gả cô cho tướng Lê Khôi đã không được thực hiện.

Sau giấc mơ, biết cô gái tỉa ngô nơi xưa chính là con gái vua Thủy tề, hiện thân lên cõi trần để giúp vua xây dựng nghiệp lớn, Lê Lợi đã phong cô là “Thượng Đằng Thần” và cho xây dựng đền để tưởng nhớ công lao của Cô.”

Ngoài ra, còn có các dị bản khác như:

“Vào thời mới khởi nghĩa, có một lần Lê Lợi bị giặc đuổi đến ngã ba Thác Hàn thì gặp một cô gái đang tỉa ngô. Cô đã lấy quần áo nông dân cho Lê Lợi mặc giả làm anh trai cùng tỉa ngô. Vì thế, Lê Lợi đã thoát cuộc truy đuổi. Lê Lợi rất biết ơn cô gái và có hẹn sau này chiến thắng sẽ đón cô về cung phong công và phong phi tử. Tuy nhiên, sau này khi kháng chiến thành công, Lê Lợi cho người về đón thì được biết cô gái vẫn một lòng kiên trinh chờ đợi cho đến khi thác hóa. Cô gái còn có công lớn trong việc vận chuyển quân lương, quân lính của Lê Lợi trong suốt cuộc khởi nghĩa.”

Bên cạnh đó, để ghi tạc công đức của Cô, dân gian còn lưu truyền một số huyền tích khác nói về công trạng của Cô Bơ Hàn Sơn sau khi người thác hóa:

“Vào đầu triều đại Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), thái úy Lê Thọ Vực, được giao trấn giữ biên ải Ba Bông. Trong một trận chiến kéo dài, tình thế nguy cấp. Đêm đó. Lê Thọ Vực đã mơ thấy một tiên nữ mặc xiêm y trắng trên mây giáng xuống ngã Ba Bông, rẽ nước bước lên kiệu võng mà nói rằng: “Hãy lui quân về Nhị Sơn hạ thủy mà vây hãm, lên núi Thạch Bàn mà cầu Mẫu thoải tất ứng linh”.

Theo lời, Lê Thọ Vực đã dẫn quân xuôi về Thác Hàn Sơn dâng lễ cầu Mẫu rồi bố trí quân binh mai phục. Ứng báo của Mẫu cho kế phá giặc là lấp đá chặn dòng, lấy thủy triều dâng, làm nghi binh nhử giặc vượt qua bãi đá ngầm, khi nước thủy triều xuống thì tổng lực phản công, thuyền giặc rút chạy bị vấp vào bãi đá ngầm, lật nhào chìm đắm rất nhiều, quân mai phục đổ ra đánh úp, quân giặc chết nhiều vô kể và thất bại thảm hại, không còn dám quấy nhiễu nữa. Để đáp lại ân đức của thánh thần, tướng quân Lê Thọ Vực tâu vua, vua Lê cho lập đền thờ Cô Bơ và đền thờ mẫu Đệ Tam ở vùng này.”

Thân thể là do vật chất nuôi dưỡng, tâm hồn cần được che chở bởi những đấng tối linh, những thần tích về cô Bơ cũng như sự linh ứng trong ngôi đền của cô sẽ là điểm tựa vững chãi cho con cháu muôn đời lui tới phụng thờ.

Hồng Thúy/NĐT