Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm của bộ Công Thương cho biết, việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, đây được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài sau đại dịch.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động giao thương, xuất khẩu hàng hóa đã làm đảo lộn ngôi vị của một số ngành hàng xuất khẩu. Trong nhóm hàng xuất khẩu chủ lực quy mô trên 30 tỷ USD/năm, 6 tháng năm 2020, dệt may đã để tuột ngôi vị ngành hàng xuất khẩu lớn thứ 2, nhường chỗ cho máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Theo số liệu thống kê của bộ Công Thương 6 tháng qua cho thấy: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng mạnh 24,2%, đạt 19,3 tỷ USD. Trong khi xuất khẩu dệt may giảm 15,5% so với cùng kỳ, chỉ đạt 12,8 tỷ USD, tính cả xơ sợi, vải, nguyên phụ liệu vẫn chưa bằng kim ngạch máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Cụ thể, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho ngành dệt may 6 tháng đầu năm gặp khó do thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do bị hoãn, hủy; giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán; lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều chủ yếu tập trung trong khoảng thời gian tháng 5, tháng 6.
Đến cuối quý 2/2020, các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu) đã nới lỏng chính sách giãn cách xã hội; nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng dần. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu xuất khẩu hàng hóa theo các đơn hàng đã ký trước đây.
Theo chu kỳ hàng năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ tăng mạnh nhất vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may vào các dịp lễ, Tết, Giáng sinh tăng cao.
Cũng giống như dệt may, ngành sản xuất, xuất khẩu giày dép là ngành chịu tác động tiêu cực do tác động của dịch bệnh. Kim ngạch xuất khẩu giày dép 6 tháng đầu năm giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu ngành gỗ của Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nhu cầu tiêu thụ giảm cũng như việc giãn, hoãn giao hàng tại các thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ và châu Âu.
Nhiều đơn hàng xuất khẩu bị trì hoãn giao hàng do chính sách đóng cửa biên giới và tạm ngưng các hoạt động kinh doanh - thương mại (ngoại trừ các hàng hóa thiết yếu). Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, hoạt động cầm chừng, đơn hàng xuất khẩu mới giảm mạnh so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 2,7% (cùng kỳ tăng 15,1%).