Từ vụ tuyển sinh “bát nháo” của ĐH Thăng Long: Băn khoăn trách nhiệm khi tự chủ đại học

Cẩm Mịch

Thời gian qua, lùm xùm trong công tác tuyển sinh tại trường đại học Thăng Long đã khiến dư luận không khỏi lo lắng về trách nhiệm của các trường khi được trao quyền tự chủ đại học.

Trách nhiệm hội đồng tuyển sinh

Câu chuyện “vỡ trận” trong vụ tuyển sinh của trường đại học Thăng Long (Hà Nội) những ngày vừa qua vẫn còn “ám ảnh” đối với nhiều thí sinh và phụ huynh. Chỉ một thông báo trên fanpage của trường đã khiến hàng nghìn người chen chân xếp hàng ngay giữa đêm để chờ cơ hội.

Liên quan đến sự việc hàng nghìn thí sinh xếp hàng chờ nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung dù chưa đến hạn của bộ GD&ĐT quy định, lãnh đạo trường đại học Thăng Long đã đưa ra những lý giải, rằng “không thể lùi được nữa” và “mong muốn để sinh viên làm thủ tục từ ngày 19/10”.

Tuy nhiên, ông cũng phủ nhận thông tin “trường ưu tiên xét tuyển những thí sinh nộp hồ sơ nguyện vọng trước, không xét theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp”, và nhấn mạnh: “Trường sẽ xem xét xử lý phòng ban tự ý đăng tải nội dung thông tin tuyển sinh theo số thứ tự không theo điểm thì của thí sinh lên fanpage đại học Thăng Long gây hoang mang cho thí sinh”.

Trước câu chuyện trên, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó vụ Giáo dục đại học (bộ GD&ĐT) - nhận định: “Tôi cho rằng, đó chỉ là suy nghĩ nhất thời của một chuyên viên làm tuyển sinh nào đó, muốn đưa ra thông báo như vậy để làm công tác tuyển sinh cho nhanh gọn. Tuy nhiên, chẳng có trường nào có thể tuyển sinh một cách thiếu công bằng như vậy. Thông báo như vậy, những thí sinh ở gần có thể sẽ đến xếp hàng từ rất sớm, trong khi, những thí sinh ở xa khi đến được cổng trường thì đã quá muộn”.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, GS.TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng trường đại học Nam Cần Thơ - nhận định: “Trách nhiệm đầu tiên là của hội đồng tuyển sinh, mà người đứng đầu có thể là Chủ tịch hội đồng trường hay Hiệu trưởng. Một khi đã duyệt đề án tuyển sinh, thông báo phương thức, hình thức đăng ký, xét tuyển, tức là phải có trách nhiệm. Còn nếu Chủ tịch hội đồng tuyển sinh chưa phê duyệt, mà để các chuyên viên tuyển sinh tự ý đăng tải những nội dung chưa phù hợp, đó là lỗi buông lỏng trong quản lý”.

Sau lùm xùm của trường đại học Thăng Long, bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các đại học, học viện, trường đại học rà soát, chấn chỉnh công tác tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2020. Theo đó, một số cơ sở đào tạo tổ chức triển khai công tác tuyển sinh trình độ đại học hệ chính quy không thông báo rõ ràng, tổ chức tuyển sinh chưa đảm bảo đúng quy trình và quy định hiện hành... đã gây hiểu sai và bức xúc đối với thí sinh, phụ huynh.

Để đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng trong công tác tuyển sinh, bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo khẩn trương rà soát, chấn chỉnh công tác tuyển sinh trình độ cao đẳng hệ chính quy ngành giáo dục mầm non; trình độ đại học hệ chính quy đảm bảo thực hiện đúng quy chế tuyển sinh. Đồng thời, bộ GD&ĐT sẽ tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở đào tạo có dấu hiệu vi phạm để xử lý theo đúng quy định hiện hành.

Không “khoán gọn” khi trao quyền tự chủ

TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh: “Tôi có lời khuyên đến các trường đại học, đồng thời, cũng có lời khuyên đối với cơ quan quản lý là bộ GD&ĐT, cần thay đổi nhận thức ngay trong cơ quan quản lý, từ phía nhà trường, không thể để thí sinh phải gánh chịu những thiệt thòi.

Trước hết, về phía bộ GD&ĐT, mặc dù nói là đã trao quyền tự chủ cho các trường đại học, nhưng vì lợi ích chung của toàn ngành, Bộ vẫn phải tham gia vào một số hoạt động, mang tính chất dịch vụ công, phục vụ lợi ích của thí sinh, chứ không nên “khoán gọn” cho các trường, để các trường mặc sức muốn làm gì thì làm...

Ngay khi bộ GD&ĐT phát hiện những điều bất hợp lý, phải kịp thời cảnh báo để đảm bảo quyền lợi cho tất cả thí sinh. Đồng thời, trong hoạt động giám sát, Bộ cũng không thể chỉ giới hạn trong nội bộ, mà nên mở rộng và tận dụng sự giám sát từ phía xã hội. Trong quá trình, nếu xã hội phản ánh những chuyện bất hợp lý, Bộ phải lắng nghe để nắm bắt và kịp thời chấn chỉnh, không để xảy ra sai sót”.

“Còn về phía các trường đại học, tôi cho rằng, nên có sự phối hợp với nhau, để tránh những câu chuyện đáng tiếc trong tuyển sinh. Bản thân các trường đại học phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng, cân nhắc để đưa ra những đề án tuyển sinh phù hợp, không có những lý do để viện dẫn cho những sai sót. Làm công tác tuyển sinh cũng cần đặt cái tâm lên cao, xem thí sinh như những người thân để thấu hiểu cảm giác trước những tình huống xấu mà ứng phó.

Tôi mong rằng trong các kỳ thi tới, và cả kỳ thi này, điều gì có thể khắc phục được thì bộ GD&ĐT và các trường đại học phải làm ngay, không thể để thí sinh chịu thiệt thòi!” - ông đánh giá.

GS.TS Võ Tòng Xuân thì gợi ý: “Tôi cho rằng tuyển sinh theo hiện nay rất nhiêu khê, sau khi tuyển sinh đợt 1 sẽ có tuyển sinh bổ sung các đợt sau, thí sinh vào sau sẽ bắt nhịp sau và học sau, cũng chịu thiệt thòi.

Để không có những tốn kém về thời gian và công sức, cũng như để thí sinh không phải nhập học trễ hơn mà chịu thiệt thòi, bộ GD&ĐT có thể giao cho các trường tuyển sinh theo ý mình, nhưng gửi kết quả tuyển sinh về cho Bộ. Từ đó, Bộ sẽ công bố thí sinh trúng tuyển vào cùng một ngày thống nhất và thí sinh xác nhận nhập học.

Các trường đại học cũng cần tăng cường sự tính toán về cơ sở vật chất, đội ngũ, lực lượng giảng dạy và cân nhắc chỉ tiêu để đưa ra kế hoạch tuyển sinh phù hợp. Đã đưa ra đề án tuyển sinh thì không thể vô trách nhiệm!”.

Tuyển sinh máy móc, thiếu linh hoạt, thiếu nhân văn

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó vụ Giáo dục đại học (bộ GD&ĐT) bày tỏ: “Mùa tuyển sinh năm nay, tôi bắt gặp khá nhiều câu chuyện đáng tiếc. Nam sinh Ngô Minh Hiếu (Thanh Hóa) 10 năm cõng bạn đến trường, thiếu 0,25 điểm để trúng tuyển nguyện vọng vào trường đại học Y Hà Nội. Nghề y không phải chỉ đòi hỏi năng lực mà còn phải chú trọng đến y đức, cả nước có được mấy người có tấm lòng đáng trân quý như cậu ấy? Chúng có thể nhìn thấy, về lý thì có vẻ hợp, nhưng về tình thì không thấy sự nhân văn.

Một ví dụ khác, một nam sinh trượt nguyện vọng vào học viện Kỹ thuật Quân sự chỉ vì rủi ro của máy móc ở khâu đăng ký nguyện vọng. Tại sao không tra lại thông tin để giải quyết, đó là việc làm “trong tầm tay”? Tôi lo ngại rằng, công tác tuyển sinh hiện nay đang theo xu hướng quá máy móc, thiếu sự linh hoạt, uyển chuyển và thiếu yếu tố nhân văn”.

C.M