Đi tìm huyền thoại

Đi tìm huyền thoại "mỹ trà" tiến vua

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Ngam La chính là một trong những thương hiệu trà nổi tiếng đã từng đi vào huyền thoại của các danh trà đất Việt cách đây hàng trăm năm.

Ngỡ ngàng chè cổ thụ trên núi cao

Mặc dù đã có bản đồ vệ tinh trong tay cùng rất nhiều những món đồ hiện đại được cho là "bảo bối" đi đường nhưng dường như tất cả đều trở nên vô dụng khi tìm kiếm một địa danh có tên là Ngam La. Việc hỏi đường cũng trở nên khó khăn hơn khi người dân địa phương chỉ biết nói duy nhất một câu tiếng phổ thông là "Không biết đâu!". Nhưng có lẽ nhờ cơ duyên, sau khi vượt qua vô số đèo dốc quanh co, những khúc cua tay áo hiểm trở đầy ám ảnh, tôi cũng đặt chân được đến xã Ngam La (Yên Minh, Hà Giang).

Vùng đất sơn cước này được cho là "thiên đường" của cây chè xanh, xứ sở của loại trà mà tiếng tăm của nó đã từng làm nức lòng bao trà khách gần xa. Vừa đến nơi, quên cả mệt mỏi, tôi háo hức rong ruổi khắp nơi để tìm kiếm những cây chè cổ thụ có tuổi thọ vài trăm năm móc cheo leo trên những vách núi hiểm trở như trong lời kể lại của các bậc "tiền bối" am hiểu sâu sắc về trà. Nhưng sau một hồi tìm kiếm không kết quả, tôi gần như tuyệt vọng với nỗi hoài nghi xâm chiếm trong lòng.

Không muốn trở về tay không, tôi tìm đường đến UBND xã Ngam La mong nhận được sự giúp đỡ. Cuộc sống của người vùng cao cái gì cũng thiếu thốn duy chỉ có tình người là luôn luôn đầy ắp. Bởi thế cho nên vừa biết ý định của tôi, chẳng cần hỏi han nhiều, anh Tẩn A Pấu - Phó chủ tịch UBND xã Ngam La đã nhiệt tình đưa tôi đến tận nơi có những cây chè cổ thụ đã trở thành truyền thuyết.

Thì ra để có thể mục sở thị những cây chè cổ, từ Ngam La, người ta còn phải đi ngược vòng cung thêm một chặng đường dài, leo qua mấy đỉnh núi để vào bản Sa Lỳ. Đấy mới là nơi những cây chè cổ thụ chẳng hiểu sinh sôi nảy nở từ bao giờ mà vẫn trường tồn trên đỉnh núi mù sương như một bức tranh tiên cảnh thanh tao, thoát tục, nhuốm màu huyền thoại.

Theo lời kể của ông Cháng A Hành - Trưởng bản Sa Lỳ chè cổ Ngam La đã có từ rất lâu đời. Khi ông sinh ra đã thấy những gốc chè to lớn, thân vỏ xù xì "nhăn nheo" như da người già mọc tự nhiên bên sườn núi. Dưới những thung lũng rộng mênh mông, quanh năm mây phủ, vẫn còn những cây chè to như lim như sến tuổi thọ hàng mấy trăm năm.

Theo chân ông trưởng bản, cuối cùng tôi cũng được diện kiến rừng chè cổ thụ mà mình vẫn từng bắt gặp trong những giấc mơ. Đã từng đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều sự lạ nhưng tôi chưa bao giờ được thấy những cây chè cao lớn với những hình thù lạ lùng đến vậy. Chúng mọc la liệt cạnh nhau một cách tự nhiên và hài hòa trong sự kết hợp tài tình giữa trời mây non nước như thể tất cả đều có tình ý với nhau.

Xã hội - Đi tìm huyền thoại 'mỹ trà' tiến vua

Lên núi hái chè.

Mỗi cây chè trải qua hàng trăm năm sinh trưởng trên núi cao, chịu sự "gọt giũa" của thời tiết khắc nghiệt đều mang một vẻ đẹp độc đáo khác nhau. Nhìn thoáng qua trông chúng chẳng khác gì những cây Bonsai được cắt tỉa công phu bởi những nghệ nhân bậc thầy về tạo hình cây cảnh. Chẳng ngờ, ở một nơi tưởng như chỉ có đá và đá, nơi con người "sống trong đá, chết vùi trong đá" này lại có những rừng chè xanh tốt, đẹp như chỉ có thể tồn tại trong cổ tích. Đây quả là một món quà vô giá mà tạo hóa ban tặng cho vùng đất khắc nghiệt này.

Trong lúc như đang mê đi trước vẻ đẹp của rừng chè cổ thụ, ông trưởng bản bứt một lá chè mời tôi nhai thử. Lá chè xanh thẫm, dày, bóng, sờ vào vừa mịn vừa mát. Tôi đưa lá lên miệng nhai, thấy chan chát nơi đầu lưỡi, sau lại thấy vị ngọt mát ngấm dần trong khoang miệng tạo nên một dư vị khó quên.

Câu chuyện từ 100 năm trước

Không biết từ khi nào con người đã phát hiện ra cây chè xanh và bắt đầu biết thưởng thức trà như một thú vui tao nhã, một nghệ thuật đầy tinh tế. Chẳng bao lâu sau, thứ đồ uống tuyệt vời này cùng những câu chuyện truyền thuyết ly kỳ về nó đã lan truyền khắp thế giới như một thứ đam mê có tính "lây lan" mạnh mẽ. Trà trở thành một sản vật vô cùng quý giá mà chỉ những bậc đế vương mới có quyền được thưởng thức.

Bước chầm chậm dưới những gốc chè in đậm dấu tích thời gian, ông Hành không dấu nổi cảm xúc tự hào của mình khi nhắc đến một thời lừng lẫy tiếng tăm của chè Ngam La. Ông cho biết: "Chè Ngam La nổi danh một cách tự nhiên không cần quảng bá. Dù là bất cứ ai, văn hóa nào, chỉ cần một lần thưởng qua "mỹ trà" Ngam La sẽ tự nảy sinh tình yêu, sự ngưỡng mộ mà tìm cho bằng được cơ hội được sở hữu thứ trà hảo hạng này. Tự bản thân trà vì "hữu xạ tự nhiên hương" mà vô tình mê hoặc khách phương xa".

Ông Hành cũng cho biết, từ bao nhiêu đời nay ở bản Sa Lỳ, người dân sống được chính là nhờ cây chè. Chè cho họ tiền, giúp họ có cái ăn, cái mặc. Chè đối với bản người Dao vùng cao như là ân nhân cứu giúp mỗi mùa giáp hạt. Thế rồi một thời gian bỗng dưng chè Ngam La không còn được ưa chuộng nữa. Suốt một thời gian dài, không hiểu vì sao, người ta không còn nhắc đến cái tên chè Ngam La. Chỉ biết, không ai đến mua, không ai đặt hàng, cũng chẳng khách nào ngó ngàng tới. Chè thu hoạch về, phơi, sao, sấy, ủ... đủ công đoạn rồi lại để đấy, chờ đến mốc meo mà vẫn chẳng có ai đoái hoài.

Tưởng như cái tên chè Ngam La sẽ vĩnh viễn ngủ quên trong quá khứ nhưng một người đàn ông của bản Sa Lỳ có tên là Bố Láu đã đứng ra lập xưởng sản xuất. Nói là xưởng nhưng thực chất là tổ hợp gia đình. Dân bản đem nguyên liệu đến bán, ông Bố Láu "chỉ huy" con cháu chế biến theo cách riêng của mình. Không biết ông Bố Láu có bí quyết gì mà chè ngon nức tiếng gần xa. Không chỉ ở Yên Minh, mà tận Đồng Văn, Bắc Quang, Hoàng Su Phì... cũng đến mua chè. Nhiều người sành chè, nghiện chè chỉ cần lấy một nhúm nhỏ cho vào miệng nhai là biết có phải chè Bố Láu hay không.

Đã vậy, chè Bố Láu lại rẻ, chỉ hơn trăm nghìn một cân. Loại đặc biệt thì không tính được, có khi tiền triệu hoặc cao hơn nữa. Dân bản cũng nhờ thế mà lại bán được chè. Tưởng như chè Ngam La sẽ cứ thế mà đặt từng bước chân vững chãi lên đỉnh cao của thế giới trà, không ngờ, tiếng tăm vừa được khôi phục lại bất ngờ sụp đổ trong chốc lát. Lại một lần nữa, người ta ngơ ngác trước sự biến mất đột ngột, không lý do của trà Ngam La.

Trong căn nhà sàn đơn sơ, ông Hành tự tay đun nước pha trà đãi khách. Hương trà thơm ngát bay khắp nhà sàn, nước trà xanh trong, vị trà lúc đầu đắng dịu, sau chuyển sang vị chát thâm trầm nhưng hậu vị còn ngân nga cái ngọt và thơm mãi về sau. Và lạ lùng thay, trà tuy đã qua mấy lần thêm nước mà màu vẫn cứ xanh trong như màu lá non, vị đậm đà khó có danh trà nào sánh được.

Dương Dung