Diện kiến tay kéo huyền thoại có một không hai đất Sài thành

Diện kiến tay kéo huyền thoại có một không hai đất Sài thành

Thứ 7, 04/03/2017 | 20:28
1
Nhiều “cao thủ” trong làng may Sài Gòn trước và sau giải phóng đều tìm đến thử tài nghệ của “tay kéo” này.

Chuyên trị quý tộc khó tính

Dù biết tỏng đó là cao thủ “thách đấu” nhưng Haive (tên thật là Võ Văn Ve, ngụ phường 7, quận 3, TP.HCM) vẫn vui vẻ nhận lời, coi như không có chuyện gì xảy ra, tiếp tục: đo, cắt, may… Đến khi hoàn thiện sản phẩm, “cao thủ” mặc vào chỉ biết nói từ cụt ngủn: “Quá đẹp” và tâm phục khẩu phục tài nghệ “may vá” của cây kéo huyền thoại. Ông cũng là tay kéo “chuyên trị” các quý tộc khó tính nhất trong chuyện mặc.

Một bức thư viết: “Ở đây, nhiều nhà may nhưng không làm tôi vừa ý được. Mấy bộ đồ của anh may, tôi mặc ai cũng nể, kể cả gian hàng Christia Dior và Pierre Cardin (thợ Pháp) cũng phải ngán tài của anh luôn. Tôi có may thử một bộ nhưng không vừa ý lắm, kỳ này tôi mua được một xấp vải may smoking đen rất đẹp (Hồng Kong gửi qua), tôi viết thư này hỏi ý anh có chịu nhận may đặc biệt (thật gấp) để tôi mặc cho đám cưới không?”.

“Tôi sẽ về khoảng 23 hoặc 25/3/1974, đám cưới vào 30/3/1974, tức là anh chỉ có từ 5 đến 6 ngày để lo bộ đồ cho tôi. Tôi sẵn sáng trả thêm công cho thợ để họ chịu khó làm gấp giùm. Anh mà nhận lời thì tôi rất cảm ơn anh và đó là món quà cưới của vợ chồng anh cho tôi đó. Vậy ngay khi đọc xong thơ nầy, xin anh vui lòng cho tôi biết quyết định của anh và trả lời cho tôi. Tôi đang nóng lòng chờ tin anh đó nghe”, bức thư viết tiếp.

Đây là nội dung bức thư mà ông Nguyễn Văn Minh, Đại sứ quán Việt Nam tại Manila (Philippines) viết vào năm 1974 cho Haive về việc khẩn thỉnh may cho bộ đồ để đám cưới. Thế mới hiểu nhiều người quý tài nghệ của tay kéo này như thế nào. Ông Minh chỉ là một trong giới quý tộc (hiểu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) cho tới thời nay tìm đến Haive để đặt may quần áo, nhiều nhất là đồ vest (veston) và đây cũng là sở trường mà Haive không có đối thủ, nhất là quần ở Sài Gòn xưa nay.

Xã hội - Diện kiến tay kéo huyền thoại có một không hai đất Sài thành

 Ông Haive là tay kéo mà giới may vá ở Sài Gòn đặt cho biệt danh “tay kéo huyền thoại”.

Chính vì thế mà có người đã tìm đến ông đặt tới… 62 bộ vest. “Ông Nho là người kinh doanh nhà hàng ở Pháp, là bạn của ông Chua (tiệm may Chua trước đây ông Haive làm). Ông Nho là một người rất sành điệu, ông mang một bộ comple từ Pháp về nhờ may y như vậy nhưng Chua không may được. Nhưng khi đến tay tôi thì ông hết sức hài lòng. Nể tài và thích mặc đồ do chính tay Haive tạo nên, ông Nho đã đặt may một lúc 62 bộ comple sau đó”, ông Haive kể.

Điều đặc biệt ở vị khách hàng này mà khiến ông Haive vẫn nhớ rõ, đó là khi thử đồ ông này không bao giờ nhìn vào gương hay bộ đồ mà luôn nhìn thẳng vào mắt Haive coi ông có run sợ trước khách hàng, có đủ trình độ không. Và khi thử xong ông nói: “Tôi đi từ Á đến Âu, nhưng phải công nhận, chưa có ai bằng ông”.

Lắm cao thủ thử tài

Ông Haive kể: “Khi nghe danh Haive, nhất là khi có nhiều người “đặc biệt” đến tìm may đồ, nhiều tay kéo có tiếng ở Sài Gòn và nơi khác tìm đến để thử tài như thế nào. Trước giải phóng cũng có và cho tới cách đây vài ba năm cũng có. Cách đây vài năm, có một người còn khá trẻ, trạc 40 tuổi đi một chiếc xe sang tìm đến. Anh này không nói gì về mình, chỉ vào yêu cầu may đồ vì nghe danh tôi có tài, may đẹp”.

“Tuy nhiên, khi đo, tôi biết ngay là nười này đang có ý định thử tay nghề nhưng tôi vẫn đo, cắt bình thường. Đến hẹn, người này đến và thử quần áo. Mặc vào, anh này chỉ thốt lên: “Đẹp quá, đúng là danh bất hư truyền”. Đến lúc này, anh ta mới cho biết là chủ một tiệm may có tiếng ở đường Nguyễn Huệ (quận 1), với mặt bằng thuê hàng tháng phải trả lên đến hàng trăm triệu đồng”, ông Haive kể thêm.

Ngay lập tức, một bản hợp đồng được thảo ra đề nghị hợp tác với nhiều đãi ngộ, kể cả việc tháp tùng (từ xe sang, trợ lý đi theo…) cho Haive đi đo đồ cho khách. Vì khách của họ toàn là khách VIP, có tiếng. Còn trước giải phóng, nhiều chủ tiệm may có tiếng nhất nhì Sài Gòn đóng đô ở Hàm Nghi, Lê Thánh Tôn (quận 1 ngày nay) cũng tìm đến thử tài như cơm bữa. Sau đó, họ đề nghị tôi về đứng tiệm, toàn bộ mặt bằng, chi phí họ lo hết, lợi nhuận chia đôi, nhưng cho đến nay, tôi đều từ chối.

Xã hội - Diện kiến tay kéo huyền thoại có một không hai đất Sài thành (Hình 2).

 Bước qua tuổi 80, tay kéo huyền thoại Haive vẫn được nhiều người ái mộ, không chỉ nhờ vào tài năng. Quan trọng hơn hết, cái tâm của người cầm kéo trong từng sản phẩm để mang đến cho khách hàng sự cảm nhận hoàn hảo nhất. 

Cũng nhiều người hỏi ông, tại sao có danh tiếng nhưng không ra mặt tiền, cạnh tranh với các hiệu may khác hay khuếch trương việc làm ăn. Với chất giọng đặc sệt miền Nam, ông Haive nói: “Nếu làm như thế thì có thể thu về rất nhiều tiền nhưng đó không phải là tâm niệm của tôi. Ngay cả việc nhận đệ tử cũng vậy, đến nay, tôi chưa nhận một ai để nối nghiệp cả. Không phải là không nhận nhưng chưa có người phù hợp. “Người nào mà có tâm, có tài, không đặt nặng chuyện lợi nhuận, thật sự đam mê, yêu nghề thì tôi mới nhận. Nếu họ làm vì lợi nhuận thì thương hiệu Haive sẽ chết ngay”.

Ông Haive mà giới may vá ở Sài Gòn đều không lạ gì và đặt cho biệt danh “tay kéo huyền thoại”. Năm 14 tuổi ông sang Campuchia phụ việc cho người anh họ. Lúc bấy giờ người anh này hay nhận đồ về ráp cho tiệm Tân Việt (thời ấy, Tân Việt và Adam là hai tiệm may nổi tiếng nhất của Phnompenh, Campuchia) chuyên may đồ cho các chính khách phương Tây và hoàng gia Campuchia.

Trong thời gian phụ việc cho anh họ, Haive đã tích lũy được ít vốn liếng kinh nghiệm và đã vượt qua bài kiểm tra của tiệm Tân Việt nên được nhận vào học việc tại đây. Haive học việc rất nhanh, sau một thời gian ông được lên làm cắt chính và sau đó đứng ra làm riêng. Cơ duyên đến khi ông được hoàng thân Sihanouk mời vào Phủ cắt may riêng cho ông này. Không chỉ vậy, lúc này ông còn được nhiều đại sứ tại Phnompenh tin tưởng đặt hàng may đồ.

Sống tại Phnompenh đến năm 1970, lúc này vừa hơn 30 tuổi, Haive về Sài Gòn và xin vào làm việc tại nhà may Chua. Lúc bấy giờ, Chua là nhà may quen thuộc của những “ông lớn” tại Sài Gòn… Vào đây 1 tháng, Haive được lên làm Cai cắt. Cai cắt lúc bấy giờ là người vô cùng quan trọng trong việc may mặc, chủ yếu là đo và cắt nhưng khi cần thiết thì cũng có thể đứng ra may.

Làm ở đây được 8 tháng thì Haive về Yên Đỗ (84/2, Lý Chính Thắng, quận 3 cho tới ngày nay) mở Nhà may Haive. Sau bao nhiêu năm hành nghề, Haive vẫn giữ vững nguyên tắc làm việc của mình xưa nay. Khi khách đến, Haive luôn thẳng thắn phê bình những lỗi trang phục mà khách đang mặc và thân thiện, tận tình chỉnh sửa, hướng dẫn những gì phù hợp và đẹp nhất cho từng vị khách.

“Chỉ lỗi của người khác, chẳng khác nào làm lộ tuyệt chiêu của mình nhưng tôi lại quan niệm khác, nếu khách hiểu được lỗi trên quần áo mà họ đang mặc mà sửa thì sẽ biết, cảm nhận và yêu cái đẹp nhiều hơn, hướng đến sự chân - thiện - mỹ”, ông Haive nói. Vì thế, dân sành điệu Sài Gòn còn có những câu nói để tôn vinh tài nghệ Haive: “Quần Haive ôm mà thoải mái” hay “ra đường thấy dáng quần là biết quần Haive”…

Bước qua tuổi 80, tay kéo huyền thoại Haive vẫn được nhiều người ái mộ, không chỉ nhờ vào tài năng mà quan trọng hơn hết, chính là cái tâm của người cầm kéo trong từng sản phẩm để mang đến cho khách hàng sự cảm nhận hoàn hảo nhất. Có thể gọi ông là một nghệ sỹ nâng tầm cho cái đẹp. Đó cũng chính là “bí kíp” giúp ông sống lâu, sống khỏe cho tới hôm nay.

“Thấy khách ưng ý, hài lòng và nói từ “đẹp quá” thì tôi cảm thấy sung sướng vô cùng. Khi đó, tôi phấn khích và có thêm động lực, niềm đam mê để làm việc. Có người hỏi tôi, sao đã bước vào tuổi xưa nay hiếm mà sao vẫn khỏe, cường tráng vậy, tôi chỉ biết cười và nói: Nhờ sự hài lòng của khách hàng. Hơn nữa, trong cuộc sống, tôi không quá đặt nặng lợi ích của mình nên lúc nào cũng cảm thấy thoải mái”.

Như tay đấm quyền anh

Bước sang tuổi 80 mà trông ông còn tráng kiện, cơ bắp, lanh lẹ như một tay đấm quyền anh. Trong khoảng 3 giờ tiếp xúc, trò chuyện cùng ông từ quán cà phê về tới nhà riêng, PV thấy được trí nhớ của ông rất tuyệt vời, đặc biệt là trong công việc. Ông nói: “Đi đường một lần tôi có thể quên nhưng đã đo ni, đóng dày cho ai thì y như in trong đầu”.

Thanh Tùng

Cùng tác giả

Quận 3, Tp.HCM: Ngang nhiên thu phí giữ xe ô tô

Thứ 4, 22/11/2023 | 09:00
Nhân viên mặc đồ bảo vệ ngang nhiên thu phí giữ xe, với mức 50.000 đồng/xe ô tô. Trên phiếu giữ xe ghi tên Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Thiên Phúc.

Dự án BOT xây dựng bãi xe ngầm nghìn tỷ của Tp.HCM bị “khai tử” - Bài 4: Gần 20 năm, Tp.HCM vẫn chưa có bãi xe ngầm

Thứ 4, 23/11/2022 | 14:00
Bài toán bãi đậu xe trên địa bàn Tp.HCM đang rất khó giải. Dù vậy, gần 20 năm qua, quy hoạch 4 bãi đậu xe ngầm của Tp.HCM đang bế tắc.

Dự án BOT xây dựng bãi xe ngầm nghìn tỷ của Tp.HCM bị “khai tử” - Bài 3: Năng lực của IUS thế nào?

Thứ 3, 22/11/2022 | 08:00
UBND Tp.HCM chấm dứt hợp đồng BOT đã ký là do IUS không đảm bảo năng lực tiếp tục triển khai dự án và vi phạm hợp đồng. Vậy, thực hư về IUS như thế nào?.

Nhà đất công cho thuê ở quận 5: “Em đi khai thác làm gì, thôi mệt”

Thứ 2, 21/11/2022 | 11:00
Trung tâm Văn hoá quận 5, Tp.HCM đang “chia 5 sẻ 7” đất công cho thuê hoặc bỏ hoang. Tuy nhiên, khi liên hệ, PV Người Đưa Tin nhận được câu trả lời… bất ngờ.

Dự án BOT xây dựng bãi xe ngầm nghìn tỷ của Tp.HCM bị “khai tử” - Bài 2: Vì sao dự án bị “khai tử”?

Chủ nhật, 20/11/2022 | 09:00
Bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám (Dự án BOT) sau nhiều năm được phê duyệt và “khoan cọc nhồi” lại vướng hàng loạt vấn đề… dẫn tới bị “khai tử”.