Định giá tài sản tranh chấp trong vụ án dân sự

Định giá tài sản tranh chấp trong vụ án dân sự

Thứ 3, 18/06/2013 | 10:12
0
Xin hỏi quý báo, trong vụ án dân sự, trường hợp các đương sự đang tranh chấp về tài sản thì tòa án có quyết định định giá tài sản đó không? Nếu tòa án thành lập Hội đồng định giá tài sản này thì thẩm phán đã tham gia xét xử vụ án có được tham gia hội đồng định giá không? Quyết định của hội đồng định giá được thông qua khi nào? Đỗ Thu Trang (Đống Đa - Hà Nội).

Thạc sỹ, luật sư Lê Việt Nga (Công ty Luật số 5 - Quốc gia) trả lời:

- Khoản 1, Điều 92, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 (sau đây gọi tắt là "Bộ luật Tố tụng Dân sự") quy định: "Các bên có quyền tự thỏa thuận về việc xác định giá tài sản, lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản. Tòa án ra quyết định định giá tài sản đang tranh chấp trong các trường hợp sau đây: a) Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự; b) Các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá theo mức giá thấp nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước".

Theo đó, trường hợp các đương sự đang tranh chấp về tài sản thì tòa án có quyền quyết định định giá tài sản đang tranh chấp nếu một hoặc các bên đương sự có yêu cầu; hoặc các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá theo mức giá thấp nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước.

Luật sư - Định giá tài sản tranh chấp trong vụ án dân sự

Ảnh minh họa

Bộ luật Tố tụng Dân sự có một số quy định như sau: "Hội đồng định giá do tòa án thành lập gồm chủ tịch hội đồng định giá là đại diện cơ quan tài chính và thành viên là đại diện các cơ quan chuyên môn có liên quan. Người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 3, Điều 46 của Bộ luật này không được tham gia Hội đồng định giá…" (Khoản 2, Điều 92).

Những người tiến hành tố tụng theo điều khoản nêu trên gồm có: a) Chánh án tòa án, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký tòa án; b) Viện trưởng Viện kiểm sát, kiểm sát viên (Khoản 2, Điều 39). Như vậy, thẩm phán đã tham gia xét xử trong vụ án có thể được hiểu là người đã tiến hành tố tụng trong vụ án nên sẽ không được tham gia hội đồng định giá.

Theo Khoản 4, Điều 92, Bộ luật Tố tụng Dân sự thì: "Việc định giá phải được ghi thành biên bản, trong đó ghi rõ ý kiến của từng thành viên, của đương sự nếu họ tham dự. Quyết định của hội đồng định giá phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Các thành viên hội đồng định giá, đương sự, người chứng kiến ký tên vào biên bản". Do vậy, có thể xác định quyết định của hội đồng định giá được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành theo quy định pháp luật.

Theo Hà Nội mới

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Mục đích quyết định kết quả thẩm định giá BĐS

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
Thị trường bất động sản (BĐS)ở Việt Nam trong một thời gian dài bị "thổi giá" quá cao bởi nhiều nguyên nhân, trong đó vấn đề thẩm định giá của thị trường này còn rất sơ sài và thiếu đồng bộ.

"Giao dịch vô hiệu, ngân hàng không có căn cứ phát mại tài sản"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
Hiện nay ngày càng nhiều người dân bị các đối tượng cò mồi đưa vào bẫy nhượng quyền sử dụng đất cho chúng, để chúng đứng ra vay hộ tiền ngân hàng khiến nhiều gia đình đứng trước nguy cơ bị mất nhà.