Doanh nghiệp Hàn Quốc mong giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với giá dầu

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 5, 14/04/2022 17:45

Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam nới lỏng các hạn chế tỉ lệ vốn đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực trong ngành logistics.

Ngày 14/4, Bộ Công Thương phối hợp Cơ quan Xúc tiến thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức "Tọa đàm đối thoại chính sách trong lĩnh vực logistics". Mục tiêu của toạ đàm là tạo ra một kênh đối thoại về chính sách, chiến lược và định hướng phát triển ngành của Chính phủ và chính sách quy định của Việt Nam cho các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực logistics.

Theo chia sẻ của ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hiện Hàn Quốc đang ở vị trí là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với hơn 9.200 dự án còn hiệu lực, với tổng nguồn vốn lũy kế đến cuối năm 2021 là 78,6 tỷ USD. 

Doanh nghiệp Hàn Quốc hiện có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam như dịch vụ, logistics, tài chính ngân hàng, may mặc, xây dựng, chế tạo, công nghiệp chế biến,… tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động địa phương, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, xuất khẩu phát triển, góp phần chuyển đổi cơ cấu. 

“Việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực logistics trong bối cảnh hiện tại cùng với các biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ, sẽ giúp nâng cao trình độ công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực logistics, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh.

Tại toạ đàm, đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam đã chia sẻ những ý kiến cùng với đó nêu loạt kiến nghị, giải pháp với Chính phủ Việt Nam để cùng phát triển lĩnh vực logistics.

Loạt kiến nghị của doanh nghiệp Hàn Quốc

Ông Kim Sam Mo - Tổng Giám đốc Công ty Kukdong Logistics, Chủ tịch KOCA đánh giá, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực logistic tại Việt Nam đã tăng từ con số 37.000 năm 2017 lên 41.000 năm 2020 và đang tiếp tục phát triển sang các lĩnh vực vận chuyển, lưu kho, thông quan và phân phối giao nhận.

“Thị trường logistics của Việt Nam dự kiến tăng trưởng bình quân hơn 13%/năm đến hết năm 2022 và tiếp tục tăng trưởng trong tương lai thông qua các xu hướng đầu tư nước ngoài, áp dụng công nghệ mới, thương mại điện tử”, Chủ tịch KOCA đánh giá.

Kinh tế vĩ mô - Doanh nghiệp Hàn Quốc mong giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với giá dầu

Ông Kim Sam Mo - Tổng Giám đốc Công ty Kukdong Logistics, Chủ tịch KOCA chia sẻ các kiến nghị của DN Hàn Quốc tại toạ đàm.

Theo ông Kim Sam So, doanh nghiệp Hàn Quốc rất mong muốn có cơ hội hợp tác cùng doanh nghiệp Việt Nam khai thác thêm thị trường logistic. Vì vậy, ông đề xuất Việt Nam hình thành hệ thống EDI (hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử). Trong đó, các bên liên quan đến logistics như công ty vận tải, kho hàng, hải quan… được kết nối thông qua hệ thống điện tử duy nhất.

“Điều này giúp các doanh nghiệp khi tiếp nhận thông tin nhanh chóng, qua đó giúp việc xử lý nghiệp vụ tiết kiệm nhiều thời gian”, ông nói.

Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị việc tiêu chuẩn hoá dịch vụ hạ tầng logistics bằng việc áp dụng giá cước chuẩn hoá giúp nâng cao lòng tin của người tiêu dùng, nâng cao việc thống nhất hệ thống thu phí.

Chia sẻ thêm về những kiến nghị của doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Kim Sam Mo nói rằng, doanh nghiệp Hàn mong Chính phủ Việt Nam nới lỏng các hạn chế tỉ lệ vốn đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực trong ngành logistics. Bên cạnh đó, việc tiêu chuẩn hoá chi phí cơ sở hạ tầng logistics cũng là vấn đề cấp thiết với doanh nghiệp nước này khi đầu tư tại Việt Nam.

Đáng chú ý, nêu vấn đề về việc giá xăng, dầu tăng mạnh thời gian quan, ông Kim Sam Mo đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam khi giảm áp lực cho các doanh nghiệp vận tải bằng cách giảm thuế môi trường từ 1/4.

“Theo chúng tôi được biết, giá dầu tại Việt Nam hiện đã tăng 76% so với tháng 4/2021. Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới, ít nhất với dầu diesel sử dụng cho xe tải thương mại thì thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được hạ thấp một cách linh hoạt hơn”, ông nêu rõ.

Mong muốn đơn giản thủ tục hành chính

Về phía doanh nghiệp Việt Nam, chia sẻ tại toạ đàm, ông Đinh Hữu Thạnh - Chủ tịch Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong cho hay, nhiều doanh nghiệp vận tải lớn của Hàn Quốc đã hiện diện tại Việt Nam. Có nhiều mô hình để doanhnghiệp hai nước hợp tác cùng phát triển như mua bán và sáp nhập, hợp tác tại nước thứ ba để gia tăng quy mô phục vụ.

Tuy vậy, để thuận lợi trong quá trình hợp tác, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước có hướng dẫn cụ thể hơn nữa về thủ tục hành chính, giúp quá trình hợp tác đầu tư thuận lợi, tiết kiệm thời gian. “Thủ tục cho doanh nghiệp Việt Nam đầu ra nước ngoài cần được tạo thuận lợi hơn”, vị này nói.

Bên cạnh đó, ông Thạnh mong Chính phủ tiếp tục hiện đại hoá quá trình quản lý trong lĩnh vực logistics. Cho phép doanhnghiệp gia công đóng gói, dán nhãn hàng hoá tại kho ngoại quan.

Cùng với đó, tạo sự liên kết giữa các thành tố trong chuỗi cung ứng, như hải quan, cảng, hãng vận tải đường bộ, hãng tàu… giúp giảm thời gian giao nhận hàng. Áp dụng công cụ quản lý mới, cải thiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Kinh tế vĩ mô - Doanh nghiệp Hàn Quốc mong giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với giá dầu  (Hình 2).
Chi phí logistics tăng cao khiến doanh nghiệp trong và ngoài nước đều gặp nhiều khó khăn.

Nỗ lực cắt giảm chi phí

Cũng tại toạ đàm, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, logistics là lĩnh vực được Bộ Công Thương quan tâm triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ.

“Dịch bệnh được kiểm soát tốt sẽ là tạo nền tảng, điều kiện quan trọng để sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ với động lực từ khu vực đầu tư nước ngoài”, ông Hải chia sẻ.

Đánh giá cao những kiến nghị và đề xuất của các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam, ông Hải nói rằng, Việt Nam và Hàn Quốc đều đi theo nền kinh tế thị trường. Trong đó, giá cước dịch vụ do các doanh nghiệp quyết định dựa trên sự điều tiết của cung cầu nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.

Khi giá xăng dầu tăng cao, Chính phủ Việt Nam đã cho phép giảm thuế môi trường đến hết năm nay, ông Hải nhấn mạnh đây là động thái rất tích cực nhằm hỗ trợ các ngành trong nền kinh tế, trong đó có ngành logistics.

Về phía Bộ GTVT, ông Nguyễn Công Bằng - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đã nỗ lực phối hợp để có sự điều chỉnh tốt nhất, giảm bớt áp lực chi phí cho doanh nghiệp.

Liên quan đến chi phí đường cao tốc, ông Bằng thông tin, so với thời điểm cách đây 3 năm các chi phí này hiện đã giảm khá nhiều. Theo nhận định của Bộ GTVT, giá khai thác cơ sở hạ tầng logistics tại Việt Nam tương đối đồng đều. Khách hàng có thể lựa chọn trên cơ sở dịch vụ và ngành nghề kinh doanh để có sự lựa chọn phù hợp các dịch vụ logistics.

Báo cáo sơ bộ của 45/63 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, hiện có 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp.

Hiện nay một số địa phương như An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Cao Bằng, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Kiên Giang, Nghệ An, Tiền Giang, Quảng Ninh,… đang tập trung triển khai, kêu gọi thu hút đầu tư vào các trung tâm logistics hạng I, hạng II, các trung tâm logistics chuyên dụng.

Theo nghiên cứu trong năm 2021 của Bộ Công Thương, chỉ số năng lực hoạt động của ngành logistics tăng và đạt 3,34 điểm so với 3,27 điểm của năm 2018. Việt Nam cũng là nước được xếp hạng trong top 10 của Chỉ số logistics của thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng cao ở mức 14% - 16% trong một năm.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.