Doanh nghiệp lo lộ thông tin nội bộ, bí mật kinh doanh khi chuyển đổi số

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 2, 10/10/2022 16:42

Quá trình chuyển đổi số của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều thách thức khi chính doanh nghiệp đang thiếu nhận thức đầy đủ về loại hình này.

Hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia 2022, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án LinkSME tổ chức khóa đào tạo tập huấn “Tầm nhìn và hướng dẫn triển khai chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Khánh Hòa” vào chiều 10/10.

Đây là một trong những hoạt động cụ thể trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Khóa tập huấn đã thu hút hơn 200 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trong đó hầu hết là những doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành du lịch, dịch vụ và ngành nông nghiệp.

Tại buổi tập huấn, đại diện Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho biết, mục tiêu đến năm 2025, Khánh Hòa nằm trong nhóm 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu về chuyển đổi số.

Cụ thể, phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số; phát triển xã hội số. Đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa hoàn thành cơ bản chuyển đổi số về xây dựng đô thị thông minh, thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu về chuyển đổi số, tiếp tục duy trì các mục tiêu đạt được trong giai đoạn trước và đạt được một số mục tiêu đề ra trong giai đoạn sau.

Trong đó phấn đấu 80% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hoàn thành chuyển dịch lên nền tảng số; phổ cập dịch vụ mạng Internet bang thông rộng cáp quang, mạng di động 5G; tỉ lệ dân số sử dụng các ứng dụng, dịch vụ số để tương tác với chính quyền dạt trên 80%.

“Để đạt được các mục tiêu trên thì doanh nghiệp sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong các kế hoạch và chương trình hành động của tỉnh Khánh Hòa”, vị này cho hay.

Kinh tế vĩ mô - Doanh nghiệp lo lộ thông tin nội bộ, bí mật kinh doanh khi chuyển đổi số
Khóa tập huấn đã thu hút hơn 200 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (Ảnh: MPI).

Song, vị đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hoà cũng lưu ý, việc tham gia vào quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố còn chậm bởi nhiều thách thức.

"Những thách thức lớn nhất là doanh nghiệp thiếu nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số; cho rằng chuyển đổi số tốn nhiều chi phí; lo lắng về vấn đề thiếu nhân lực công nghệ; lo lắng về vấn đề bảo mật thông tin nội bộ, bí mật kinh doanh và đặc biệt là doanh nghiệp khó khăn trong việc xác định hướng đi, lộ trình cụ thể để chuyển đổi số trong doanh nghiệp", vị này cho hay.

Theo bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động bởi đại dịch Covid-19.

Điều này đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người, gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các nhà sản xuất và người tiêu dùng phải thay đổi và thích ứng.

“Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số là một cách thức hữu hiệu để giúp doanh nghiệp đổi mới, thích ứng với tình hình mới, tăng khả năng cạnh tranh”, bà Hương nói.

Kinh tế vĩ mô - Doanh nghiệp lo lộ thông tin nội bộ, bí mật kinh doanh khi chuyển đổi số (Hình 2).

Bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT phát biểu trực tuyến tại buổi tập huấn (Ảnh: MPI).

Tuy nhiên, bà Hương cũng cho rằng, chuyển đổi số như thế để cho hiệu quả, phù hợp với doanh nghiệp thì là một bài toán khó.

“Không thể ngay lập tức từ cấp độ sản xuất thô sơ mà lên thẳng thông minh hoá. Việc ứng dụng một phần hay toàn bộ công nghệ số trong doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào đặc thù, năng lực, nguồn lực, mục tiêu, tầm nhìn của từng doanh nghiệp”, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh.

Do đó, mục tiêu của chương trình đào tạo nhằm giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ các gói hỗ trợ kỹ thuật cụ thể, đồng thời cung cấp những kiến thức nền tảng, thông tin tổng quan về chuyển đổi số, kinh nghiệm thực tiễn khi triển khai chuyển đổi số.

Ngay từ đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động ban hành Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, giao Cục Phát triển doanh nghiệp là cơ quan đầu mối, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức hiệp hội và các đối tác cùng triển khai thực hiện.

Chương trình được thiết kế với 4 mục tiêu chính, bao gồm: Chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp; Hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh; Hỗ trợ số hóa quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất; Hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho doanh nghiệp.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.