Doanh nghiệp thua lỗ: Thiếu trách nhiệm người đứng đầu

Doanh nghiệp thua lỗ: Thiếu trách nhiệm người đứng đầu

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
0
Con số các "đại gia" lỗ hàng ngàn tỷ đồng theo như dự thảo báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương mới đây đã khiến nhiều người không khỏi giật mình.

Trao đổi với PV Người đưa tin chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cần phải xem xét lại trách nhiệm của người đứng đầu khi để các DN thua lỗ triền miên...

Không thể đổ hết lỗi cho cơ chế

Dư luận tỏ ra không hài lòng, khi cứ nói đến chuyện thua lỗ là các Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lại đổ cho tại lãi suất, cơ chế giá…?

Tôi cũng có đọc thấy một vài lý giải của lãnh đạo DN đứng đầu danh sách làm ăn thua lỗ trên báo chí. Ví dụ như Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) cho rằng khoản lỗ phát sinh trong năm nay chủ yếu đến từ hai đơn vị liên doanh với nước ngoài, thuộc khối cảng biển.

Nguyên nhân dẫn tới lỗ của hai doanh nghiệp trên là do cơ chế quy định giá bốc xếp container tại khu vực sông Thị Vải - Cái Mép "chưa được ổn định". Tổng công ty xăng dầu (Petrolimex), Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN)... cũng viện ra nguyên nhân này khi nói đến chuyện lỗ.

Chuyên gia kinh tế cao cấp,TS Lê Đăng Doanh.

Tôi hiểu chuyện kêu ca của các DN về cơ chế giá, diễn biến đầu vào thì theo cơ chế thị trường, nhưng đầu ra thì lại theo quyết định mang tính chất hành chính. Đây có thể coi là một trong những nguyên nhân khiến DN gặp khó.

Nhưng lỗi do cơ chế đến đâu thì cũng cần phải xem xét lại, chứ không thể đổ hết cho cơ chế giá. Ai cũng biết là DNNN được ưu ái quá nhiều thứ từ tài nguyên, nguồn vốn tín dụng đầu tư, đất đai, thị trường. Đầu tư lớn như vậy, nhưng tỷ suất lợi nhuận thu được lại rất thấp. Còn trong điều kiện khó khăn thì không ít DN tư nhân lại làm ăn, phát triển rất tốt. Chính vì thế cũng phải nhìn nhận thật khách quan vấn đề này.

Liên quan đến chuyện giá cả, sắp tới, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải xem xét lại với một tinh thần cầu thị. Tôi cho rằng, thời gian qua cơ chế giá đã được cải thiện một cách đáng kể nhưng không phải không còn những điểm bất hợp lý. Ví dụ, tôi thấy trên thế giới chưa một nước nào có một quyết định lạ kỳ là cho phép ngành điện được thay đổi giá cứ 3 tháng một lần.

Thưa ông, DN làm ăn thua lỗ sẽ dẫn đến những hệ lụy gì?

Đó là nỗi lo nợ xấu, DN chiếm dụng vốn lẫn nhau, quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng... Tôi được biết, số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 7, nợ xấu so với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của các ngân hàng là 3,04%. Con số này đã tăng khá nhiều so với mức 2,16% vào cuối năm 2010.

Lỗ nhưng... "không một ông giám đốc nào nghèo cả"

Nhiều DN nghèo nhưng lãnh đạo vẫn duyệt chi rất mạnh tay, thậm chí là "vung tay quá trán"... Nhưng khi đi tìm trách nhiệm thì không thấy trách nhiệm cá nhân ở đâu? Theo ông, trách nhiệm của người đứng đầu phải được xác định thế nào khi để DN làm ăn không hiệu quả?

DN thua lỗ nhưng có một nghịch lý là không một ông giám đốc nào nghèo cả

Người ta nói kẻ thù chỉ ra cho ta cái sai, tướng ra quân mà thua trận thì cũng nên thôi để người khác thay. Còn ở mình, không có một trách nhiệm rõ ràng nào, thậm chí người ta còn không hiểu tại sao ông đó lại ngồi được vào vị trí đấy. Nhiều ông làm ăn thua lỗ vẫn tiếp tục lên chức. Đây là một vấn đề phức tạp mà báo chí đã nêu nhiều.

DN thua lỗ nhưng có một nghịch lý là không một ông giám đốc nào nghèo cả. Xe thì xe xịn, ở nhà biệt thự, con thì đi du học nước ngoài. Một số hiện tượng chi tiêu như trường hợp ở Cty chuyển phát nhanh (có thư của một luật sư công bố lên) nhưng không một ai có ý kiến trả lời. Rất nhiều doanh nghiệp cứ nói lỗ nhưng khi xem duyệt chi lương thưởng, công tác phí... thì cao ngút trời.

Thưa ông, từ chuyện thua lỗ nêu trên có lẽ cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc vấn đề quản lý vốn ở các DNNN. Không ít DN, lĩnh vực chính thì không chịu đầu tư, chỉ nhăm nhe đầu tư ra ngoài ngành, ở cả những lĩnh vực không phải là sở trường?

Đó chính là trách nhiệm của người chủ sở hữu như tôi đã nói ở trên. Ông bảo là ông chủ sở hữu ở DNNN thì chủ sở hữu như thế nào. Đồng vốn của DN đi vào đâu, hiệu quả việc đầu tư đó như thế nào ông phải là người biết rõ nhất. Muốn chống thất thoát thì tất cả đều phải được thực hiện công khai minh bạch giống như một doanh nghiệp đã ghi danh trên thị trường chứng khoán.

Điều đáng nói là thời gian vừa qua, trong khi đang thua lỗ nhưng không ít DN vẫn tiếp tục đầu tư ra ngoài ngành, thậm chí ở một số lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán với số vốn đó không phải là nhỏ. Còn chuyện đầu tư khách sạn, nhà hàng thì hình như ông nào cũng có cả.

Xin cảm ơn ông!

Minh Lý