Doanh nghiệp Việt vẫn thờ ơ với “sân chơi” mới

Thu Huyền

Thay đổi tư duy kinh doanh, doanh nghiệp cần chú trọng nhiều hơn trong việc xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm, mở rộng kết nối thị trường. Đó là những “nút thắt” cần được doanh nghiệp gỡ bỏ khi bước vào sân chơi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), để sẵn sàng vươn lên trong chuỗi giá trị thị trường xuất nhập - khẩu.

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU) được kỳ vọng là “điểm sáng” xuất - nhập khẩu cho nền kinh tế Việt Nam.

Để có cái nhìn tổng quát hơn trước ngưỡng cửa ngưỡng hội nhập rộng mở của các hiệp định này mang lại, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng vụ Chính sách thương mại đa biên (bộ Công Thương).

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng vụ Chính sách thương mại đa biên (bộ Công Thương).

Ông đánh giá như thế nào về mức độ quan tâm thực tiễn đối với các hiệp định CPTPP và EVFTA trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở thời điểm hiện tại, nhất là CPTPP đã có hiệu lực hơn 1 năm?

Thực chất, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của bộ Công Thương sau khi ký các hiệp định là làm thế nào để đưa các hiệp định này vào thực tiễn cuộc sống càng sớm càng tốt.

Thời gian qua, vụ Chính sách thương mại đa biên cũng như bộ Công Thương đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn về hiệp định CPTPP, thời điểm vướng dịch Covid-19 cũng có lớp tập huấn online tại các cụm tỉnh thành, nhằm giúp các doanh nghiệp cũng như các hiệp hội, sở ngành nhận diện khó khăn vướng mắc và cơ hội do Hiệp định CPTPP mang lại, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu.

Nhưng trên thực tế, việc tận dụng các cơ hội từ hiệp định CPTPP còn hạn chế bởi sự am hiểu của các doanh nghiệp với hiệp định này vẫn ở mức vô cùng khiêm tốn.

Chúng tôi nhận được kết quả “không mấy vui” về cuộc khảo sát điều tra sự quan tâm của doanh nghiệp với CPTPP của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2019.

Trong đó, có hơn 8.600 doanh nghiệp tham gia khảo sát thì có 26% doanh nghiệp cho biết họ có tìm hiểu, còn 70% doanh nghiệp chưa rõ hay tỏ ra thờ ơ với CPTPP. Nhóm mặt hàng dệt may được dự báo cơ hội lớn nhưng thực tế cũng chỉ tận dụng được 0,03%. Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp chưa thực sự chủ động, quan tâm tìm hiểu các quy định trong CPTPP.

Vậy theo ông, nút thắt khiến doanh nghiệp không mấy mặn mà với hiệp định này là gì?

Xét ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, hội nhập mà hiệu quả thấp hoặc không có hiệu quả lỗi chính là của bộ máy quản lý. Cũng phải đánh giá rằng, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương hầu hết đã có kế hoạch nhưng các kế hoạch đều không có sự hoạch định chi tiết, nhiều chương trình hành động chỉ làm theo kiểu đối phó, làm cho có.

Cú hích cho doanh nghiệp tăng trưởng xuất khẩu khi có sự cộng hưởng của hai hiệp định CPTPP và EVFTA là vô cùng lớn, nếu doanh nghiệp có sự chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu, nắm rõ các thông tin, cam kết cụ thể trong các hiệp định này để có kế hoạch, chiến lược kinh doanh phù hợp với từng ngành hàng của mình. Nút thắt quan trọng hơn cả, là doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh doanh, chú trọng nhiều hơn trong việc xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm, kết nối khách hàng.

Khi gia nhập “sân chơi” này, bộ Công thương xác định đâu là nhóm ngành hàng Việt Nam có khả năng cạnh tranh?

Dệt may, giày dép, nội thất, thủ công mỹ nghệ, nông sản, thủy sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm nhựa, cao su là những ngành hàng được kỳ vọng khi CPTPP thực thi, không chỉ với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mà còn mở ra cơ hội tăng thị phần trong kim ngạch nhập khẩu của đối tác nội khối từ hiệp định.

Đó cũng là những mặt hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh của Việt Nam vào thị trường CPTPP được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm.

Trong số 11 nước trong khối CPTPP, 3 nước Canada, Chile, Mexico được đánh giá là nhóm nước có cam kết cắt giảm tỷ lệ thuế quan cho hàng hóa Việt Nam rất cao ngay khi CPTPP có hiệu lực. Vậy, thời điểm dịch Covid-19 tại các nước này vẫn có những diễn biến phức tạp như hiện nay, ông có lời khuyên hay nhắc nhở gì đối với những doanh nghiệp Việt Nam?

Các nước Canada, Chile, Mexico vẫn đang gặp những khó khăn về dịch bệnh. Thế nhưng họ chỉ hạn chế về di chuyển giữa con người với nhau, còn hàng hóa về thực chất vẫn không ảnh hưởng gì nhiều. Họ vẫn tạo điều kiện cho hàng hóa xuất - nhập khẩu bình thường. Một số thị trường vẫn ghi nhận có sự tăng trưởng.

Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, chúng tôi vẫn luôn khuyến khích doanh nghiệp hãy chủ động bình thường. Dịch Covid-19 không ngăn cản xuất - nhập khẩu, mấu chốt là làm sao doanh nghiệp nhìn rõ được lợi ích từ các hiệp định này để tận dụng nó.

Tôi vẫn khuyên nhiều doanh nghiệp khi tham dự tại các hội thảo CPTPP là chú ý nhiều hơn đến thị trường đang có tiềm năng rất lớn là Canada và Mexico. Đây là thị trường dễ tính, có những quy định không quá phức tạp như thị trường EU.

Vậy cơ hội của các thị trường còn lại trong thời gian tới thì sao, thưa ông?

Hai thị trường Canada và Mexico là chưa có FTA, vì đó chính là giá trị gia tăng. Còn các thị trường như Nhật Bản, ASEAN, Úc, New Zealand thì Việt Nam đã có quan hệ FTA khá là lâu, tình hình giao thương đã khá ổn định. Thậm chí, có trường hợp xuất khẩu sang một số nước giảm, như năm 2019 xuất sang Úc giảm, bù lại xuất khẩu sang thị trường Canada rất mạnh.

Tôi lấy ví dụ cụ thể là kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội sang thị trường Canada sau khi CPTPP được thực thi đã tăng lên 2,5 lần so với trước đó. Bởi lẽ, các nước có quan hệ truyền thống như Nhật Bản thì phụ thuộc vào quan hệ thương mại bình thường cũng như định hướng kinh doanh của các doanh nghiệp nhiều hơn là cơ hội mà FTA mang lại.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

T.H