Doanh số bán lẻ Mỹ tăng thấp hơn dự kiến

Doanh số bán lẻ Mỹ tăng thấp hơn dự kiến

Phạm Thị Thu Thanh

Phạm Thị Thu Thanh

Thứ 5, 16/12/2021 16:31

Doanh số bán lẻ tháng 11 đã tiếp tục tăng trong bối cảnh các cửa hàng vẫn đối mặt với tình trạng nguồn cung khan hiếm do những vấn đề tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng.

Thứ Tư (15/12), Bộ Thương mại Mỹ báo cáo doanh số bán lẻ được điều chỉnh theo mùa của nước này đã tăng 0,3% trong tháng 11/2021. Đây là mức tăng khiêm tốn và thấp hơn đáng kể so với mức tăng 1,8% trong tháng trước đó. Theo hãng tin AP, kết quả này thấp hơn so với dự đoán của hầu hết các nhà kinh tế và tình trạng khan hiếm hàng hóa có thể đã thúc đẩy một bộ phận người dân mua sắm sớm cho kỳ nghỉ cuối năm từ tháng 10.

Trong khi doanh số bán hàng tại các cửa hàng bách hóa và các điểm bán lẻ khác tháng 11 chứng kiến sự sụt giảm, doanh số tại các nhà hàng đã tăng 1% so với tháng trước. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 7 năm nay. 

Trên thực tế, báo cáo doanh số bán lẻ được công bố vừa qua chỉ chiếm khoảng 1/3 trong tổng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, và không bao gồm các dịch vụ như cắt tóc, lưu trú tại khách sạn và vé máy bay. Ông Stephen Stanley, nhà kinh tế trưởng của Amherst Pierpont, chia sẻ: "Tôi mong đợi mua sắm mùa Giáng sinh năm nay sẽ sôi động".

Thế giới - Doanh số bán lẻ Mỹ tăng thấp hơn dự kiến

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở thành phố Chicago, bang Illinois, vào ngày 10/6/2021. Ảnh: Getty Images.

Sức ép chi phí gia tăng

Doanh số bán lẻ tháng 11 đã tiếp tục tăng trong bối cảnh nhiều người chủ lao động đang gánh chịu chi phí kinh doanh gia tăng, trong đó có mức chi trả lương cao hơn để thu hút nhân viên. Các cửa hàng hiện vẫn đối mặt với tình trạng nguồn cung khan hiếm do những vấn đề tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng. Người dân Mỹ đang phải trả nhiều tiền hơn cho các loại hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, khí đốt và sức ép từ lạm phát.

Theo ghi nhận của hãng tin AP tại chuỗi cửa hàng tạp hóa Stew Leonard’s có trụ sở ở bang Connecticut và bang New York (Mỹ), một số người đang có xu hướng tiêu dùng những thực phẩm giá thành thấp hơn, chẳng hạn lựa chọn thịt gà thay cho thịt bò, mua chuối thay vì quả việt quất.

Vào tuần trước, Bộ Lao động Mỹ báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nước này tháng 11 đã tăng đột biến 6.8% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 6/1982. CPI trong tháng 11 cao hơn 0,8% so với tháng 10 vốn đã tăng 0,9% so với tháng trước đó. Áp lực giá cả chủ yếu đến từ những yếu tố quen thuộc là giá năng lượng và thực phẩm, ngoài ra chi phí nhà ở, xe hơi, quần áo và hầu hết hàng hóa khác cũng tăng.

Động lực thúc đẩy chi tiêu

Thu nhập của các hộ gia đình Mỹ ghi nhận sự tăng lên so với trước đại dịch. Cụ thể, tiền lương lao động tháng 9/2021 đã tăng 4,2% so với một năm trước đó, đây là mức tăng hàng năm lớn nhất được ghi nhận trong vòng hai thập kỷ. Theo đó, gói kích cầu của Tổng thống Joe  Biden vào tháng 3 năm nay đã hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD/người cho phần lớn dân Mỹ. Chính phủ cũng đã cung cấp khoản bổ sung viện trợ thất nghiệp 300 USD/ tuần từ tháng 3 đến tháng 9. Những biện pháp đó đã góp phần thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng của người dân, vốn là động lực quan trọng trong tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thế giới - Doanh số bán lẻ Mỹ tăng thấp hơn dự kiến (Hình 2).

Bảng giá tại một trạm xăng ở quận San Mateo, bang California vào ngày 16/11/2021. Ảnh: Getty Images. 

Ông Brian Cornell, Giám đốc điều hành nhà bán lẻ hàng đầu nước Mỹ Target, gần đây đã chia sẻ qua hãng tin AP rằng “Nền kinh tế thực sự được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng cực kỳ mạnh mẽ”. Tuy nhiên, ông Cornell nói thêm có thể sẽ mất khoảng thời gian lên tới vài năm để giải quyết vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng. 

Hiệp hội Bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) dự đoán ​​doanh số bán hàng trong dịp lễ cuối năm nay sẽ tăng bất chấp những thách thức đến từ sự xuất hiện biến thể Covid-19 Omicron mới hay tình trạng lạm phát tăng vọt. Trước đó, vào ngày 27/ 10, Hiệp hội này dự kiến doanh số bán hàng trong tháng 11 và tháng 12 sẽ tăng khoảng 8,5% - 10,5%, với tổng doanh thu từ 843,4 tỷ USD - 859 tỷ USD.

Theo Neil Saunders, Giám đốc điều hành của hãng phân tích dữ liệu GlobalData, mỗi người tiêu dùng Mỹ trung bình đã chi tiêu thêm 330 USD vào tháng 11 này so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Saunders nhận định: “Mức tăng lớn như vậy thể hiện rằng bất chấp những quan ngại về kinh tế hay đại dịch,  người tiêu dùng vẫn đang chi tiêu mạnh cho những điều cần thiết để có một kỳ nghỉ lễ thật trọn vẹn”.

Hà Thanh (theo AP, CNBC)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.