Hành trình thành công của 'độc cô cầu bại' Taekwondo

Hành trình thành công của 'độc cô cầu bại' Taekwondo

Thứ 3, 15/01/2013 | 10:33
0
Được mệnh danh là võ sĩ "độc cô cầu bại" trong làng Taekwondo khu vực, hầu như dự giải nào, Nguyễn Văn Hùng cũng cầm chắc huy chương mang về.

Chàng trai vàng của Taekwondo Việt Nam

Người ta thường nói, những người cầm tinh con khỉ rất hiếu động và dường như ngồi yên một chỗ là một việc làm rất khó khăn. Điều này ngẫm ra cũng đúng với chàng trai Nguyễn Văn Hùng, anh chào đời đúng ngày 5 tháng 5 năm Canh Thân tại một vùng quê đầy nắng và gió của dải đất miền Trung.

Trong một lần tình cờ, Hùng đến với thể thao như một cái duyên đã được định sẵn. Nguyễn Văn Hùng khi ấy mới 14 tuổi đã có mặt trong đội tuyển thể thao của tỉnh, nhưng khi đó anh đang say mê tập bóng chuyền vì một niềm yêu thích trẻ thơ. Hơn nữa vóc dáng của Hùng cũng rất phù hợp với môn thể thao này, tuy 14 tuổi nhưng anh cao đến 1,8 mét.

Vóc người cao lớn ấy cộng thêm vẻ nhanh nhẹn trong người nên việc bắt những quả bóng chuyền là điều dễ dàng trong đôi tay. Tuy nhiên, chỉ tập được một thời gian thì đội bóng chuyền bị giải tán do tỉnh thiếu kinh phí hoạt động.

Xã hội - Hành trình thành công của 'độc cô cầu bại' Taekwondo

VĐV Taekwondo Nguyễn Văn Hùng đoạt huy chương vàng SeaGame năm 2007

Tuy nhiên, Nguyễn Văn Hùng vẫn giữ niềm đam mê thể thao trong lòng, vậy là Hùng chuyển từ môn này sang môn khác. Hùng đã chọn Taekwondo như một định mệnh đã sắp đặt sẵn. Gia nhập bộ môn Taekwondo một thời gian, Hùng trở thành một võ sĩ khét tiếng khiến các đối thủ phải e ngại sợ khi đối đầu với anh, bởi lần nào ra trận họ cũng đều thất bại với anh trên sàn đấu. Vì một lẽ, Nguyễn Văn Hùng không chỉ có một lối đánh đẹp mà còn có một ý chí chiến đấu ngoan cường khiến ai cũng phải nể phục.

Năm 19 tuổi, Nguyễn Văn Hùng bắt đầu vang danh khi anh hùng dũng đoạt lấy chức vô địch SeaGame năm 1999. Liên tiếp những năm sau đó, 2001, 2003, 2005, 2007, Nguyễn Văn Hùng cũng đều đưa ngôi vô địch về quê hương khi các kỳ Seagame được tổ chức. Vì vậy, Nguyễn Văn Hùng được đánh giá là một võ sĩ không có đối thủ ở chiến trường Đông Nam Á. Không chỉ vậy, Nguyễn Văn Hùng còn đoạt nhiều huy chương có giá trị khác như: Huy chương đồng ASIAD 1998, huy chương bạc ASIAD Busan 2002 và nhiều danh hiệu quốc tế danh giá khác.

Nghề đấu võ vốn là một môi trường đầy khắc nghiệt, chỉ một giây phút hạnh phúc trên bục thưởng vinh quang là cái giá phải trả cho biết bao máu và nước mắt trên sàn tập. Dù một người có mạnh mẽ đến đâu cũng có những cơn đau khiến người ta vắt kiệt sức khỏe. Nguyễn Văn Hùng cũng rơi vào những cơn đau vật vã ấy khi anh bị vỡ sụn gối vào khoảng trước SeaGames 22 trước một đối thủ người Hàn Quốc. Vậy là trong suốt hai năm dài từ 2005-2007, Nguyễn Văn Hùng phải vật lộn với những cơn đau buốt trời đến nỗi từng có lúc định giã từ sàn đấu.

Dù được điều trị tại Singapore rất cẩn thận, nhưng xem ra cơ thể kia vẫn còn lạnh lùng trước những cú đá của đời vận động viên Taekwondo. Các chuyên gia hàng đầu lắc đầu ngao ngán: "Khả năng trở lại sàn đấu của Hùng còn rất thấp. Nhận định trên như một bản án tử hình được tuyên ra cho chàng võ sĩ trẻ tuổi".

Ngày con trở về quê với đôi nạng gỗ trên tay, mẹ Hùng đã trào nước mắt khi nhìn con. Gia đình ai cũng xót xa, nhưng không ai dám khuyên Hùng bỏ thể thao vì thấy tình yêu của anh dành cho môn Taekwondo quá mãnh liệt. Có một kỷ niệm mà Nguyễn Văn Hùng không thể quên được trong đời mình: "Hôm đó, tôi và em mình (cũng là vận động viên Taekwondo-PV) luyện tập. Sau buổi tập đầy tiếng đấm đá huỳnh huỵch tôi thấy mắt em mình đỏ hoe. Sợ em bị đau tôi lên tiếng hỏi, nhưng em tôi trả lời rằng, thấy cú đá của anh rất mạnh nên em mừng quá. Anh đã khỏi bệnh thật rồi. Nói xong hai anh em ôm chầm lấy nhau khóc nức nở". 

Sự trở lại của Nguyễn Văn Hùng với sàn đấu khiến bạn bè và thầy huấn luyện viên đều ngạc nhiên, họ vừa mừng vừa khâm phục ý chí đầy nghị lực của Hùng. Bởi họ chưa bao giờ thấy một vận động viên võ sau ca phẫu thuật nối dây chằng và can thiệp vào xương bánh chè lại có thể trở về vẻ dũng mãnh, thậm chí còn kiên cường hơn ngày chưa giải  phẫu.

Xã hội - Hành trình thành công của 'độc cô cầu bại' Taekwondo (Hình 2).

VĐV Taekwondo Nguyễn Văn Hùng trong vai trò người mẫu

Bay bổng bỏ lớp phong trần

Nhớ lại những ngày tháng biệt lập với thể thao, Nguyễn Văn Hùng tâm sự: "Gần 2 năm kể từ sau ca phẫu thuật đầu gối tại Singapore là quãng thời gian khá nặng nề với tôi. Khi ấy, trong giấc ngủ của mình, tôi luôn ao ước ngày trở lại thảm đấu. Trong thời gian này, để đốt thời gian  tôi đi học thêm Anh văn để trau dồi ngoại ngữ và làm săn sóc viên cho các võ sĩ đàn em tại các giải đấu quốc tế để đỡ nhớ nghề và học hỏi thêm những miếng đánh hiện đại nhất.

Có lẽ đó là cách Nguyễn Văn Hùng quên đi những nỗi đau trong mình. Anh không trốn tránh mà nhìn thẳng vào sự thật như một cách chấp nhận khôn ngoan nhất. Sau lần hồi phục, Nguyễn Văn Hùng được chọn tham gia ở một giải đấu cao hơn đó là tham dự thế vận hội mùa hè năm 2008. Mặc dù, không có được những thành tích cao nhưng nó minh chứng cho một khao khát mãnh liệt dành cho tình yêu mang tên Taekwondo.

Bên cạnh niềm khao khác này, Nguyễn Văn Hùng còn thử sức với lĩnh vực giải trí. Trong đêm hội Không ngừng bước tới khán giả rất bất ngờ khi bắt gặp hình ảnh một chàng võ sĩ khá điển trai trên sàn catwalk. Anh hoàn thành khá xuất sắc trong vai trò người mẫu diễn tại bộ sưu tập Alone của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường. Đêm hội Không ngừng bước tới cũng nhằm tôn vinh những người đàn ông tài năng, không ngừng đam mê và sáng tạo trong nhiều lĩnh vực.

Kể về lần thử sức với lĩnh vực giải trí, Hùng chia sẻ: "Tôi có một người anh kết nghĩa thấy hình thể của tôi đẹp nên gợi ý, bảo tôi thử sức làm người mẫu xem sao. Và tôi đã bước vào con đường thời trang rất tình cờ, khi có cơ hội tôi đã thử sức. Nhưng đó không phải là đam mê lớn nhất của tôi. Tôi là vận động viên thể thao mà, ai cũng vậy, một nghề thì sẽ tốt nhất".

Là một người luôn lăn lóc trên sàn tập, lại lạc vào thế giới phù hoa của showbiz nên Hùng vẫn cho đó là một cuộc dạo chơi tìm chút thi vị trong cuộc đời đầy những bon chen này. So sánh sự khác biệt giữa hai thế giới Hùng nhận định: "Việc xuất hiện trên sàn thời trang đơn giản hơn rất nhiều trên sàn thi đấu. Với sàn thời trang, tôi chỉ cần tập luyện đi đứng theo yêu cầu của đạo diễn còn với sàn đấu, là cả máu, mồ hôi và nước mắt với rất nhiều áp lực.

Có nhiều đêm áp lực thi đấu không ngủ được, có khi những trận đấu diễn ra liên tục trong ngày. Nhưng cuối cùng mọi thứ cũng qua, khi tôi có cho mình những giây phút thăng hoa trên sân khấu và mang thành tích về cho nước nhà. Và kết lại cuộc dạo chơi trong thế giới nghệ thuật là một quyết định: "Tôi rất vui khi đã được thử sức ở vai trò người mẫu, và khi ở vai trò này tôi diễn cũng đã rất hết mình. Tuy nhiên tôi thấy mình hợp với thể thao hơn tất cả. Tôi yêu nó bằng một tình yêu thật sự nên chẳng thể nào thay lòng đổi dạ””.

Với vai trò là một huấn luyện viên giàu kinh nghiệm, chắc chắn Nguyễn Văn Hùng sẽ cho ra đời nhiều lứa vận động viên tài năng như anh. Và chúng ta hãy nín thở và chờ xem: Hùng sẽ làm được.     

 Hợp Phố

Tiến sĩ 1 đô la từ chối lương hơn trăm triệu

Thứ 2, 14/01/2013 | 15:05
Tiến sĩ trẻ Nguyễn Bá Hải đang mở lớp dạy học chỉ với 1 USD, vừa được vinh danh là Công dân trẻ tiêu biểu TP HCM 2012.

Nhật kí 'cầm cưa' của 'cọc đi tìm trâu'

Thứ 2, 14/01/2013 | 09:41
Nhìn bí kíp có được trong tay, nàng cười mãn nguyện: “Phen này đố chàng tuột được khỏi tay mình!”

Chàng trai mang 200USD sang châu Phi lập nghiệp

Thứ 2, 14/01/2013 | 08:49
Ngoại ngữ hay sự khác biệt giữa hai nền văn hóa hoặc những thiếu thốn không thể ngăn nổi bước chân của chàng trai dũng cảm. Hoa trái từ sự dấn thân đã nảy lộc trên mảnh đất xa lạ.