Độc đáo gạo Nàng Thơm chỉ có ở Việt Nam

Độc đáo gạo Nàng Thơm chỉ có ở Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Chỉ khi trồng được ở đất Long An, gạo mới cho chất lượng tuyệt hảo. Do vậy, gạo Nàng Thơm trở thành loại gạo quý giá bậc nhất ở Việt Nam.

Trên thị trường gạo trong nước có nhiều loại gạo thơm như: Thơm lài, thơm Thái, thơm Đài Loan, Tài Nguyên đặc biệt, Châu Long, Thơm Mỹ nhưng đặc sản thơm ngon nhất phải kể đến là gạo Nàng Thơm chợ Đào (thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An).

Giống gạo Nàng Thơm này cũng là một trong 7 kỷ lục Việt Nam trao cho Long An, được Nhà nước công nhận với chất lượng thơm ngon, độc đáo hàng đầu trong nước.

Xã hội - Độc đáo gạo Nàng Thơm chỉ có ở Việt Nam

Lúa Nàng Thơm vào mùa gần thu hoạch

Sự sáng tạo không tưởng của người dân

Từ TP.HCM, chúng tôi dọc theo Quốc lộ 50 rồi men theo tỉnh lộ 833 đến chợ Đào (xã Mỹ Lệ). Nơi đây được mệnh danh là nơi sản sinh ra giống gạo Nàng Thơm chợ Đào thơm ngon bậc nhất tại Việt Nam. Khi chúng tôi đến, phiên chợ sáng đã tan, chợ Đào trở nên vắng vẻ. Tuy có vẻ ảm đạm nhưng những người buôn bán quanh chợ đều nhiệt tình hướng dẫn cho chúng tôi gặp người có thâm niên trong nghề trồng giống lúa tại đây.

Men theo con đường bê tông nhỏ, vào ấp Cầu Chùa (xã Mỹ Lệ) chúng tôi diện kiến một lão nông là một trong những người đầu tàu gieo trồng giống lúa Nàng Thơm. Đó là ông Võ Văn Chuẩn (thường gọi ông Tư Bền), 93 tuổi, ông là người gắn liền với mảnh đất Cầu Chùa đã mấy chục năm nay và ông cũng là một trong những người sản sinh ra cây lúa Nàng Thơm nổi tiếng miền sông nước.

Sức khỏe ông Tư Bền không được tốt do tuổi tác đã cao, nhưng chất giọng ông vẫn còn khỏe khoắn. Ông kể với chúng tôi về giống gạo Nàng Thơm trong niềm hân hoan, tự hào khôn xiết: "Đó là vào khoảng những năm 1940, khi đó làng chúng tôi trồng giống lúa bình thường như bao vùng khác. Nhưng vào thời điểm này, cây lúa bình thường không đạt được chất lượng như mong muốn, gạo thường hay bị mốc do mưa gió, lũ lụt.

Vì thế nhiều người đã manh nha ý tưởng tìm ra một loại lúa mới có chất lượng hơn, trong số những người đi tìm cây giống mới có tôi và ông Hai (một người địa phương). Sau khi phân loại thí điểm các loại hạt lúa, chúng tôi phát hiện ra những hạt lúa nhỏ, hạt dài, ăn có mùi thơm và rất dẻo. Chúng tôi quyết định lựa ra thứ lúa này làm giống và ông Hai gọi là Nàng Thơm.

Mới đầu chúng tôi chỉ lựa trồng trong ruộng của mình, sau vài vụ giống lúa càng ngày càng tươi tốt cao quá đầu người. Khi giã lúa thành gạo thì có mùi thơm nức, nhiều người thưởng thức và mua giống về trồng rộng rãi ở ấp Cầu Chùa. Ước tính vào thời điểm ấy, ấp chúng tôi trồng cả thảy khoảng 40 ha".

Tuy nhiên, giống lúa Nàng Thơm mỗi năm chỉ trồng được một vụ Đông Xuân, sản lượng lại không cao. Vì thế người nông dân mặc dù rất thích ăn loại gạo này nhưng cũng đành bấm bụng bán ra hoặc đổi cho những người có tiền thưởng thức. Ông Tư Bền chỉ đám lúa Nàng Thơm non xanh mơn mởn, phân trần: "Do giống lúa này rất kén đất, chỉ cần mang giống qua mảng đất khác dù chỉ cách một bờ ruộng là chất lượng đã giảm rất nhiều.

Đặc biệt chỉ có đất Cầu Chùa là mới trồng được và cho gạo đúng chất, nên diện tích đất trồng ít, thu hoạch không được nhiều. Vì thế tôi và bà con sử dụng gạo để ăn luôn, còn những gia đình đông con thì ăn một cách rất hà tiện hoặc đổi lấy gạo tròn thông dụng để ăn. Cũng vào thời điểm ấy nhiều người đi đóng thuế ở thôn, thôn không chịu nhận lúa Nàng Thơm, họ chỉ nhận giống lúa tròn, để khỏi lẫn lộn vì đa số người ta vẫn trồng lúa tròn cho năng suất cao hơn".

Theo ông Tư Bền, lúc mới gieo trồng lúa Nàng Thơm, mỗi khi gặt về đều chế biến gia công. Vào thời điểm ấy, máy xay xát lúa còn khan hiếm, mọi người đa số giã bằng tay sau đó sàng sảy thành gạo. Về sau này, tức khoảng năm 1976 sau khi giải phóng đất nước, ở chợ Đào đã có cơ sở xay xát lúa. Từ đó nhiều người đem lúa Nàng Thơm ra xay xát và được các chủ buôn mua lại gạo để bán kiếm lời.

Sau vài năm buôn bán, khách nhiều nơi từ các tỉnh lân cận đến các tỉnh xa như TP.HCM ghé thăm mua gạo Nàng Thơm về ăn và làm quà biếu, dần dần người ta quen với gạo Nàng Thơm thơm ngon bậc nhất bày bán ở chợ Đào, nên mới có tên gọi Nàng Thơm chợ Đào.

Nhiều người dân nơi đây truyền tai nhau câu vè ca ngợi đặc sản quê nhà rằng: "Nàng Thơm Chợ Đào/Có cá kèo kho tiêu/Đúng vị dân dã/Không đâu sánh bằng" như là niềm tự hào về giống lúa có một không hai của miền sông nước.

Xã hội - Độc đáo gạo Nàng Thơm chỉ có ở Việt Nam (Hình 2).

Gạo Nàng Thơm thành phẩm

Thương hiệu độc đáo nổi tiếng

Đất Long An vào mỗi đợt xuân về, ba ngày tết nhất định trong mỗi gia đình phải có vài ba ký gạo ngon. Cơm gạo thơm, ngon là tấm lòng thành kính dâng hương cúng bái tổ tiên, cũng là lòng mến khách của các gia chủ khi có người tới chúc tụng. Và điều dĩ nhiên, đặc sản độc đáo mang một chất riêng của Long An đó là gạo Nàng Thơm chợ Đào mà theo nhiều người dân nó còn thơm ngon hơn nhiều so với gạo nếp thường dùng trong ngày tết, là lựa chọn của dân địa phương. Vì thế thương hiệu gạo Nàng Thơm càng ngày càng được nhiều người ở xa biết đến và tin dùng bởi chất lượng siêu Việt mà không loại gạo nào sánh bằng.

Trải qua mấy chục năm phát triển giống lúa Nàng Thơm, đất Mỹ Lệ đã tiếp đón nhiều lượt người tham quan mua giống về trồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An cho biết, hàng năm dân các tỉnh lân cận như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre thường qua mua giống lúa Nàng Thơm về trồng.

Tuy nhiên chất lượng thì chỉ có gạo Nàng Thơm của Long An mới đạt yêu cầu với độ mềm dẻo, thơm ngon độc đáo khác hẳn các vùng khác, cơm gạo nấu ra ăn cứng và khô lại không có mùi thơm đặc trưng. Còn lý giải vì sao lại có hiện tượng này, hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa có kết quả cụ thể, chỉ biết rằng chất đất nơi đây mang một nét gì đó rất đặc trưng không nơi nào có được.

Giữ cho mình nét đặc trưng, nên thương hiệu gạo Nàng Thơm dần được nhiều nơi trong nước và bạn bè quốc tế biết đến. Ông Trịnh Hoàng Việt, Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Long An cho biết: Mấy năm trước đây gạo Nàng Thơm chợ Đào được các công ty như công ty Lương thực Long An và Tiền Giang mua hết.

Trong năm nay Trung tâm chúng tôi đã mời doanh nghiệp ECOFARM bao tiêu tới cuối vụ với 70% vốn đầu tư, số còn lại 30% Nhà nước đầu tư cho người nông dân. Vì thế, người nông dân không mất bất cứ chi phí nào trên diện tích thí điểm cánh đồng mẫu lớn 86 ha trong tổng số 350 ha tại địa phương.

Ngoài ra, rất nhiều công ty đến đề nghị xin bao trọn gói như công ty Phi Hàng không ở TP.HCM nhận bao tiêu toàn bộ 100% trên diện tích 500 ha. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước đều rất tốt, lúa vừa gặt xong đã được đặt hàng mua trọn.

Chia sẻ với PV, ông Trịnh Hoàng Việt, Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Long An cho biết: "Phó chủ tịch huyện làm trưởng ban chỉ đạo phối hợp với Giám đốc Trung tâm khuyến nông của tỉnh làm phó ban, cùng HTX tiến hành mở lớp đào tạo cho nông dân triển khai trồng giống lúa Nàng Thơm theo quy mô lớn nhằm giữ được chất lượng cũng như giá cả, đầu ra cho loại đặc sản này. Để làm được điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa người nông dân và cơ quan chức năng vì phần lớn lực lượng trực tiếp sản xuất là người nông dân, nên rất khó đưa vào bài bản và kiểm soát”.

Nam Long