Cô dâu là TiTi Ngọc Chu – Trưởng nữ của doanh nhân Chu Thị Hồng Anh, chú rể là Vignesh Venugopal, con trai của một dòng tộc gia thế ở Malaysia. Là một người rất yêu những giá trị truyền thống văn hóa, đặc biệt miền Bắc luôn gợi lên trong chị tình cảm sâu sắc về nguồn cội khi ba chị là người Nam Định, mẹ là người Hà Nội nên doanh nhân Chu Thị Hồng Anh muốn đưa con gái trở về với nguồn cội quê hương trong dịp trọng đại của đời người. Đồng thời đây cũng là dịp để chị được giới thiệu đến gia đình họ nhà trai và bạn bè quốc tế những di sản văn hóa độc đáo của đất nước Việt Nam.
Đến với tiệc cưới, gần 200 người gồm gia đình, họ hàng hai bên gia đình và những vị khách quý thân thiết đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đã được đón tiếp chu đáo tại Emeralda resort, là khu nghỉ dưỡng sang trọng tại Bắc Trung Bộ. Song song là lịch trình tham dự tiệc cưới gần giống như một tour du lịch ngắm quần thể danh lam thắng cảnh Tràng An và tham dự lễ hội văn hóa, trình diễn nghệ thuật cổ truyền, thưởng thức ẩm thực trăm năm xưa vô cùng độc đáo, thú vị!
Lần đầu tiên trong không gian khu du lịch sinh thái Tràng An, Doanh nhân Chu Thị Hồng Anh đã tổ chức cho đoàn thuyền rước dâu với hơn 50 chiếc thuyền, thuyền cô dâu chú rể thì được kết bằng hoa tươi và có những liền anh liền chị từ xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh, Bắc Giang góp những làn điệu Quan Họ duyên dáng để đưa cô dâu, chú rể cùng đoàn người rước dâu dạo quanh, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của núi non, hang động, sông nước và viếng thăm đền các vua hùng đã có công dựng nước giữ nước. Chú rể là người nước ngoài cũng nhân đây được hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa, lịch sử dân tộc, vẻ đẹp thắng cảnh của quê hương cô dâu.
Từ khung cảnh thiên nhiên non nước hữu tình, đến hình ảnh những tà áo dài truyền thống bay thướt tha của tất cả đoàn người tham dự, trong đó có không ít khách quý là người nước ngoài, và âm thanh mê hoặc lòng người của những làn điệu Quan Họ đã làm nên một sự kiện đám cưới đặc biệt, gây ấn tượng mạnh sâu sắc trong lòng người.
Bên cạnh đó, Lễ hằng thuận được tổ chức tại chùa cổ Non Nước tọa lạc dưới chân núi Non Nước, nằm bên bờ sông Đáy và cửa sông Vân, thuộc phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình cũng gây nên ấn tượng sâu sắc trong lòng người tham dự. Lễ hằng thuận đã được tổ chức bài bản, công phu, trang nghiêm thanh tịnh dưới sự chứng minh của nhiều khách mời quan trọng.
Đặc biệt là chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc do nhạc sĩ Nguyễn Quang làm tổng đạo diễn, Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long chịu trách nhiệm với sự tham gia của gần 30 nghệ sĩ, nghệ nhân, nghệ sĩ nhân dân đến từ các tỉnh/thành phía Bắc trực thuộc các đơn vị: Nhà hát Tuồng Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy Âm nhạc dân tộc Việt Nam, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nam Định. Đoàn khách tham dự đã được thưởng ngoạn những tiết mục nghệ thuật cổ truyền đặc sắc, thuộc vào các thể loại đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể như: Nhã nhạc cung đình Huế, Hát Xẩm, Hát Văn, Tuồng Cổ… trong không gian sân khấu được thiết kế hoàn toàn thủ công đậm đà bản sắc văn hóa.
Bà Joy - Giám đốc Điều hành Resort Amanoi chia sẻ: “Đây là một đám cưới tuyệt vời nhất mà tôi từng tham dự, mọi thứ đều thật hoàn hảo, chỉn chu”.
Kết thúc 2 ngày đêm của “lễ hội” đám cưới, vẫn còn đâu đây âm vang di sản văn hóa dân tộc trong lòng người chứ không chỉ riêng gì niềm vui hạnh phúc trong ngày đẹp của đôi uyên ương: nàng Việt Nam – chàng Malaysia. Khoảng cách địa lý, văn hóa dường như đã bị xóa sạch, hòa chung làm một con tim.
(Ảnh: Huỳnh Anh)