Ngôi miếu thờ những nhà giáo quá cố

Ngôi miếu thờ những nhà giáo quá cố

Thứ 5, 21/02/2013 | 10:52
0
Chẳng biết ngôi miếu có từ khi nào và ban đầu thờ ai nhưng sau này, một số giáo viên đã hàng ngày thắp hương để tưởng nhớ về những nhà giáo đã qua đời.

Ngôi miếu đã trở thành một phần không thể thiếu trong ngôi trường THCS Xuân Diệu (tọa lạc tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Ngày nay, bằng những cách khác nhau, họ đã lập nên một phòng Tiền Vãng nghiêm trang và ấm cúng. Đó là nơi thờ cúng hơn 400 giáo viên quá cố qua các thời kỳ.

Ngôi miếu có một không hai

Nghe nói đến đường hoa Hùng Vương ở TP.Mỹ Tho, chúng tôi tò mò tìm về để thưởng lãm nét đẹp ngày đầu xuân của vùng đất bên dòng sông Tiền chở nặng phù sa. Đang dạo đường hoa, thấy một số người tạt vào một ngôi trường nằm ngay bên cạnh để thắp nhang. Quan sát kỹ thì thấy đó là một căn nhà có một tầng trệt và một lầu nằm trong khuôn viên của trường THCS Xuân Diệu. Nhìn bề ngoài, căn phòng được thiết kế và xây dựng khá lạ. Hỏi ra mới hay đó là phòng thờ những giáo viên quá cố của trường và sau này là những giáo viên trên địa bàn TP.Mỹ Tho. Cô Nguyễn Thị Thúy, hiệu trưởng trường THCS Xuân Diệu cho biết, trường được thành lập từ năm 1926 và hiện là một trong những đơn vị điểm của Tiền Giang.

Xã hội - Ngôi miếu thờ những nhà giáo quá cố

Ông Nguyễn Ngọc Trưng, người trông coi ngôi miếu

Cô Nguyễn Thị Khánh Hưng, nguyên hiệu trưởng trường THCS Xuân Diệu giai đoạn 1980 - 1989 cho biết: "Trường có ngôi miếu này từ khi nào tôi cũng không rõ. Khi tôi đến nhận công tác thì đã thấy có miếu và do ông Nguyễn Ngọc Trưng trong nom, quét dọn. Ngôi miếu đó nằm trong góc khuất, phía sau ngôi trường".

Ông Nguyễn Ngọc Trưng là bảo vệ trường THCS Xuân Diệu cho biết: "Tôi có gần 30 năm làm công tác bảo vệ tại ngôi trường này. Ngày tôi đến, đã thấy có ngôi miếu nằm trong ngôi trường này rồi. Ngôi miếu được xây dựng khá đẹp nhưng hơi nhỏ, bên trong miếu chỉ có một tủ thờ cùng lư hương. Tôi nghe kể là miếu là nơi thờ những cô giáo của trường đã mất, chứ cũng không biết đích danh cô nào, vì sao chết…".

Theo một vài người cố cựu sống gần trường THCS Xuân Diệu thì họ cũng không rõ ngôi miếu có từ khi nào. Thời ấy, khu vực này còn chưa phát triển sầm uất như bây giờ nên chuyện có miếu thờ cũng bình thường. Thông thường thì người ta lập miếu thờ ai đó hoặc tưởng nhớ vụ tai nạn nào đó. Chẳng hạn như có người chết oan, người ta lập miếu để tưởng nhớ và cầu cho linh hồn họ được bình yên khi về thế giới bên kia, đồng thời không quấy phá nhân gian. Đó cũng là cách để những người xa lạ đi ngang qua thắp nén nhang cầu bình an cho mình và người thân. Cũng có thể, đã có ngôi miếu trước đó nhưng khi xây dựng trường học, khu đất được duyệt đã bao luôn một ngôi miếu hoang.

Cô Hưng cho biết: "Khi về nhận nhiệm vụ ở trường, tôi đã nghe các cô, các thầy ở đây kể rằng, ngôi miếu có từ khi ngôi trường hình thành. Trải qua nhiều lần di dời, sửa chữa cho đến hôm nay, ngôi miếu đã được xây dựng kiên cố, khang trang, thực sự là nơi trang nghiêm cho các thầy cô giáo tri ân những người đồng nghiệp quá cố. Từ đó, thầy cô, học sinh qua các thế hệ cứ thắp nhang, tạo thành một truyền thống tốt đẹp của trường THCS Xuân Diệu".

Bà Trần Thị Quý Mão, trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo TP.Mỹ Tho cho biết, những năm gần đây, lễ giỗ những nhà giáo quá cố vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm tại căn phòng này đã trở thành thông lệ và niềm mong mỏi của học sinh để bày tỏ lòng tri ân các thầy, cô giáo đã khuất. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để các giáo viên chia sẻ với nhau những vui, buồn về chuyện nghề, chuyện đời. Đồng thời, họ cũng trao đổi, cùng nhau thực hiện ý nguyện còn dang dở của đồng nghiệp đã khuất.

Xã hội - Ngôi miếu thờ những nhà giáo quá cố (Hình 2).

Phòng Tiền Vãng ấm cúng và trang nghiêm

Truyền thống tốt đẹp

Khi đặt chân tới trường THCS Xuân Diệu, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng với khuôn viên bề thế. Ba dãy nhà lầu tạo thành hình chữ U khiến cho ngôi trường càng đẹp và lộng lẫy bên con đường Hùng Vương. Dẫn chúng tôi đi tham quan quang cảnh trường, ông Trưng cho biết, nơi đầu tiên ngôi miếu được dựng lên là một nơi nằm sâu phía sau dãy nhà chính của trường THCS Xuân Diệu hiện nay. Trải qua nhiều năm xây dựng ngôi trường thì ngôi miếu cũng thay đổi, di dời nhiều lần. Khi thì đưa ra khu vực giữa sân trường, khi lại đem lên phía góc phải của trường (nhìn từ ngoài vào), lúc lại quay về chỗ cũ. Tuy nhiên, do học sinh của trường đông, các cháu lại hiếu động, thường xuyên chạy nhảy, nên không có không gian yên tĩnh. Cách đây 2 năm, khi có nguồn tài trợ, trường đã chọn được chỗ đất thích hợp và xây dựng căn phòng Lương sư hưng quốc mà mọi người vẫn quen gọi là phòng Tiền Vãng để tưởng nhớ về những người cô, người thầy quá cố.

Nói về chặng đường làm ngôi nhà Lương sư hưng quốc cũng hết sức gian nan, trong đó, vai trò của cô Thúy là rất lớn. Trước đây ngôi miếu chưa được khang trang, chưa được tôn nghiêm để là mái nhà chung cho rất nhiều giáo viên quá cố lưu trú. Trước tình hình đó, cô Thúy đã ngược xuôi tìm nhà hảo tâm, mạnh thường quân góp tiền để xây dựng một căn nhà mới cho các cô, các thầy đã khuất. Được sự hỗ trợ nhiệt tình của hội Cựu giáo chức (có nhà làm việc ngay trong khuôn viên trường THCS Xuân Diệu) trong việc cho mặt bằng để xây dựng nơi thờ cúng những người đã khuất. Có được mặt bằng, cô Thúy lại tìm đến kiến trúc sư Trần Anh Minh của công ty TNHH Kiến Trúc Mới để nhờ thiết kế căn nhà, đồng thời lên bản vẽ chi tiết. Sau khi có những kết quả ban đầu, cô Thúy lại loay hoay với kinh phí xây dựng. Theo thiết kế ban đầu, dự kiến, căn nhà có giá khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, khi chuẩn bị đưa vào thực hiện thì kinh phí lại đội lên rất nhiều: 600 triệu đồng. Chưa tìm được nguồn, công trình lại phải đắp chiếu.

Dù công trình chưa thể thực hiện được nhưng ý tưởng vẫn còn đó và nguyện vọng của nhiều người thì ngày càng cao. Không chỉ cô Thúy mà nhiều giáo viên khác cùng chung tâm huyết, đi đâu họ cũng kể về một căn nhà cho những giáo viên đã khuất, là nơi để giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Và những ước nguyện đó đã dần trở thành hiện thực khi cô Thúy gặp được một "quý nhân" đó là cô Đồng Thị Bạch Tuyết, nguyên Giám đốc sở Giáo dục - Đào tạo Tiền Giang, hiện là Chủ tịch hội khuyến học tỉnh Tiền Giang. Khi biết được ý tưởng của trường THCS Xuân Diệu, cô Tuyết hết sức hoan nghênh và ủng hộ nhiệt tình. Thêm vào đó, biết chuyện, PGS.TS. Trương Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Cán bộ TP.HCM cũng đã tham gia ủng hộ. Bên cạnh đó, bà Hiền đã vận động công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại TP.HCM tài trợ 600 triệu đồng.

Có được kinh phí, công trình khởi công vào giữa năm 2010. Sau ba tháng miệt mài, tổ thợ thực hiện công trình đã hoàn tất và bàn giao cho trường THCS Xuân Diệu. Sau khi hoàn tất các công đoạn trang trí, tháng 4/2011, phòng Tiền Vãng chính thức khánh thành. Cô Thúy cho biết, trong dịp đó, ai cũng mừng vui khôn xiết. Ước mong có một nơi thờ tự, để những người giáo viên có dịp gặp gỡ, tưởng nhớ những đồng nghiệp đã khuất của trường THCS Xuân Diệu đã trở thành hiện thực. Và bây giờ, căn phòng đang là ngôi nhà chung của rất nhiều giáo viên quá cố trên địa bàn TP. Mỹ Tho. Cô Thúy cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, căn phòng là nơi ghi lại 427 thầy cô giáo quá cố. Trong đó có cả những thầy, cô người Pháp làm công tác giảng dạy tại trường và các đơn vị trên địa bàn TP. Mỹ Tho trước đây. 

Trọn đời vì ngôi miếu, vì trường

Đó là ông Nguyễn Ngọc Trưng, bảo vệ trường THCS Xuân Diệu. Ông Trưng làm công tác bảo vệ từ năm 1986. Cũng từ đây, ông là người duy nhất thường xuyên quét dọn, chăm nom, nhang đèn cho ngôi miếu thờ cúng các thầy cô giáo quá cố. Đến thời điểm này, có được căn phòng Tiền Vãng kiên cố, khang trang và ấm cúng, ông Trưng hết sức vui mừng. Ngoài ngày giỗ cố định vào 23 tháng Chạp hàng năm thì chỉ có mình ông nhang khói hàng ngày trên bàn thờ. Và công việc này sẽ theo ông cho tới khi ông không còn sức lực nữa.                     

Trung Nghĩa

Độc đáo câu hát lượn chỉ dành cho khách lạ

Thứ 2, 04/02/2013 | 13:58
Những ngày này, đến thăm các bản làng thuộc phía Đông tỉnh Cao Bằng mọi người sẽ cảm thấy vô cùng thú vị khi được tham gia những buổi hát lượn hát then của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đây là loại hình dân ca của dân tộc Tày phổ biến nhất ở các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Uyên, Phục Hòa, Hòa An, Thạch An, trong đó có những làn điệu chỉ khách lạ mới được nghe.

Độc đáo phiên chợ chỉ dành cho đàn ông

Thứ 2, 11/02/2013 | 08:48
Chợ Bắc Hà (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) là một trong những chợ phiên lớn nhất của các tỉnh miền núi phía Bắc. Chợ họp một phiên vào ngày chủ nhật. Điều khác lạ nhất cả người mua, người bán hay khách vãn chợ đều là cánh mày râu. Những người đến với phiên chợ này đều xuất phát từ niềm đam mê ngắm và nghe tiếng hót của các loài chim, tận hưởng không khí đón xuân của vùng rừng núi.

Khu nhà gỗ có một không hai giữa Sài thành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Tuy đã có từ hơn chục năm về trước nhưng ít ai biết đến một khu nhà gỗ cổ kính nằm dọc bờ sông Sài Gòn. Sự giao thoa của những kiến trúc của ba miền như nhà Mường Bắc Bộ, kiến trúc gỗ Huế, nhà mồ Tây Nguyên...đã tạo nên những nét đặc sắc riêng của một ngôi làng nhỏ bé nhưng độc đáo...

Độc đáo vũ khí bắt trộm có một không hai

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
Gần đây một số phương tiện truyền thông của Australia đã đưa thông tin về một thiết bị bắt trộm độc đáo mới được sử dụng tại nước này. Theo đó, khi tên trộm đột nhập vào bất kỳ cánh cửa nào của các cửa hàng hoặc ngân hàng, lập tức thiết bị này sẽ phun một hợp chất hơi xương có tên là DNA mà kẻ trộm không thể phát hiện ra.