Độc đáo phiên chợ chỉ dành cho đàn ông

Độc đáo phiên chợ chỉ dành cho đàn ông

Thứ 2, 11/02/2013 | 08:48
0
Chợ Bắc Hà (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) là một trong những chợ phiên lớn nhất của các tỉnh miền núi phía Bắc. Chợ họp một phiên vào ngày chủ nhật. Điều khác lạ nhất cả người mua, người bán hay khách vãn chợ đều là cánh mày râu. Những người đến với phiên chợ này đều xuất phát từ niềm đam mê ngắm và nghe tiếng hót của các loài chim, tận hưởng không khí đón xuân của vùng rừng núi.

Phiên chợ đặc biệt

Chợ chỉ họp một lần mỗi tuần, nên từ sáng sớm, khi phố huyện Bắc Hà vẫn chìm trong sương mù dày đặc người dân đã rộn ràng trên đường đến chợ... Toàn bộ các loài chim cảnh được quy tụ về đây tạo nên một khung cảnh thơ mộng chỉ có ở chợ phiên Bắc Hà. Cao nguyên trắng Bắc Hà với những núi đồi trùng điệp, càng toát lên vẻ đẹp lạ thường. Những ngày giáp tết, hoa mận bung nở trắng xóa trên khắp các triền đồi như khoác lên mình một tấm áo choàng tinh khôi đặc trưng của vùng núi Tây Bắc.

Góc chợ độc đáo miền Tây Bắc này là thế giới riêng của những người đam mê chim, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính, giàu nghèo. Có những cụ già người Mông, người Nùng xách chim tận Cao Sơn, La Pán Tẩn, Lùng Khấu Nhin xuống, có những người tận Bản Mế, Sín Chải, Sín Chéng, Lùng Phình (Si Ma Cai) sang, thậm chí nhiều chủ chim tận Sín Mần (Hà Giang) cùng về đây họp chợ. Ngay cả những "đại gia" nuôi chim cảnh ở thành phố Lào Cai, thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác cũng có mặt. Họ bàn tán, trao đổi với nhau về cách chọn chim, chăm sóc chim để học hỏi lẫn nhau, tìm bạn tâm giao.

Lạ & Cười - Độc đáo phiên chợ chỉ dành cho đàn ông

Người mua chọn những con chim mình yêu thích

Không quá náo nhiệt như những phiên chợ khác, ở đây chỉ có tiếng chim hót thánh thót giữa cao nguyên trắng. Mọi người đến đây, đến với chợ chim, đều mang thú vui được tận hưởng và ngắm nhìn, say sưa thưởng thức tiếng chim hót và bình phẩm những chú chim quý cất cao tiếng hót, đặc sắc, muôn hình muôn vẻ. Đến với chợ chim Bắc Hà vào ngày chủ nhật, du khách sẽ được thấy sự khác biệt với các chợ ở đồng bằng. Cuối góc chợ là hàng bán thổ cẩm, thực phẩm thịt, rau, củ, quả, những nồi thắng cố để người đi chợ thưởng thức rượu Bản Phố. Toàn bộ khung cảnh chợ là những chiếc lồng, cùng những chú chim đủ loại như họa mi, khướu, sáo, vẹt…. Từng tốp người tập trung đông đúc xung quanh những chiếc lồng chim được treo đung đưa trên những cành đào, cành mận, càng làm cho người đến với phiên chợ này như lạc vào một thế giới tiên cảnh.

Chợ chim Bắc Hà chủ yếu là họa mi. Trong nhiều loài chim ở vùng cao Tây Bắc thì họa mi là loại chim vừa có vóc dáng đẹp, vừa có giọng hót hay lại thiện chiến, nên được nhiều người ưa thích. Nói chuyện với một cụ già người Mông tên Lử, một người lão luyện trong nghề nuôi chim, cụ cho biết: Đối với chim nuôi hót, nên chọn con có họa dài, dáng thanh thoát, sắc lông vàng mượt, giọng hót trong trẻo, không bị đứt đoạn. Chú chim nào khi hót đứng cầu thật oai vệ, đuôi xòe hoặc cụp chặt vào cầu là chim tốt. Với chim chọi, nên chọn chim hiếu chiến, có vóc dáng to khỏe, chân và mỏ to, tướng chim dữ dằn, gặp đối thủ không biết sợ mà vẫn dám rung cánh hót khiêu khích đối phương thì đánh được...

Gần trưa, chợ chim càng thêm đông đúc, đâu đâu cũng thấy lồng chim, tiếng chim hót trầm bổng, tiếng người cười nói vui vẻ. Hễ có chú chim nào mới xách đến, người ta lại quây thành vòng tròn, hỏi giá cả, bình luận, xem xét tỉ mỉ rồi treo lên, nghe thử giọng hót.

Điều thú vị hơn cả là quanh trung tâm huyện, hầu như nhà nào cũng có một vài lồng chim họa mi treo trước cửa. Tiếng chim hót líu lo vang khắp phố núi buổi sớm mai, vùng cao Bắc Hà cũng vì vậy mà thêm phần độc đáo, vui tươi. Đàn ông Mông ở Bắc Hà thường khoe những chú chim hót hay, chọi giỏi. Chả thế mà, ngày cuối tuần, nhiều chàng trai hay cả những người đàn ông trung tuổi vẫn "phượt" gần 100km từ TP.Lào Cai về Bắc Hà để được tung tăng xách lồng chim đi chợ Bắc Hà.

Lạ & Cười - Độc đáo phiên chợ chỉ dành cho đàn ông (Hình 2).

Chợ phiên Bắc Hà chỉ duy nhất có cánh mày râu đến chơi

Bám chợ mưu sinh

Chợ chim Bắc Hà vừa là sân chơi chung vừa là nơi kiếm sống của nhiều người. Ngồi bên những lồng chim được xếp rất đẹp mắt, anh Ma Ba Zin, giới thiệu với khách về sản phẩm do chính bàn tay mình làm ra. Khi được hỏi đã làm lồng chim bao lâu rồi, anh Zin bảo mới được 4 năm. Chỉ tay sang phía một cụ già gần đó, anh nói: "Sư phụ" tôi đã nửa cuộc đời làm lồng chim rồi đấy.

Ông Thào Văn Sử năm nay 74 tuổi, nhưng chủ nhật nào cũng có mặt ở chợ chim. Ông cho biết: "Ngày trước, tôi cũng làm nhiều, nhưng chủ yếu cho bạn bè thôi, bây giờ già rồi, không lên nương được nữa thì ở nhà làm lồng chim mang đi chợ bán kiếm tiền mua gạo. Trung bình mỗi tuần, tôi bán được 3 đến 4 cái lồng, mỗi cái 120.000 đồng. Như thế cũng đủ ăn, không phải phiền con cháu". Nhìn dáng vẻ trầm lặng, ít nói, khuôn mặt hằn những nếp nhăn của ông, tôi không dám chắc ông đam mê những chú chim nhưng tình yêu lao động và bàn tay tài hoa của ông, người nghệ nhân núi rừng Tây Bắc thì tôi dám khẳng định.

Cạnh khu vực bán lồng chim, Hoàng Văn Sơn, học sinh lớp 7, nhà ở xóm chợ cũng bày ra trên mặt hòm đủ các loại: Cám chim, coóng sứ, coóng nhựa, tay xách, áo lồng... phục vụ cho dân chơi chim. Mỗi tháng, trừ tiền vốn, em cũng kiếm được khoảng một triệu đồng để đưa cho bố mẹ mua sách vở. 

Chim được đem đến chợ này hầu hết đã được ông chủ của nó dày công chăm sóc, có bộ lông óng mượt và có giọng hót hay khỏe. Chúng được chủ nhân thuần hóa nên không còn cảm giác sợ sệt, xa lạ khi có người bên cạnh. Mỗi khi có người ngó nghiêng hay tung hứng, đung đưa chiếc lồng, những chú chim này vẫn vô tư, vẫn hót tự nhiên như khi còn đang ở với núi rừng. Một ông chủ chim cho biết: "Chim được đưa đến chợ đa phần đã được người nuôi huấn luyện, không ít con đã qua nhiều chủ nên chúng rất tự nhiên, không còn cảm giác sợ sệt như lúc mới đầu".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chim được đưa đến chợ phần lớn là chim săn bắt được trên rừng, sau đó được chủ nhân huấn luyện và đưa ra chợ bán. Tùy thuộc vào độ thông minh và vẻ đẹp của từng con chim mà giá cũng có sự chênh lệch lớn. Có những chú chim được chủ nhân rao bán tiền triệu, có những chú chim giá cả chục triệu đồng, còn những con chim đã đến chợ giá bèo nhất cũng từ 200.000 đồng trở lên. Đắt và được ưa chuộng nhiều nhất vẫn là chim họa mi.

Anh Lèo Seo Lìn, một chủ chim đến từ Bảo Thắng cho biết: "Trong rừng, chim họa mi có cách sống rất hay, mỗi quả đồi chỉ có một đôi (một trống, một mái) cát cứ và không bao giờ chúng đi xâm phạm lãnh thổ của những con khác. Khi có con chim lạ đến xâm chiếm lãnh thổ của mình, chúng sẵn sàng chiến đấu giành lại lãnh địa.  Ban đầu chim họa mi cũng thách đố nhau bằng tiếng hót. Chỉ hót với nhau trong khoảng thời gian ngắn, chúng xông vào đánh nhau, con nào thua thì phải chấp nhận ra đi". Các chủ chim thường dựa vào yếu tố này, nắm được điểm yếu của từng loài nên dễ dàng bẫy được chúng.

Sở dĩ chim họa mi có giá đến vài chục triệu đồng vì tiếng hót của chúng rất hay. Một con chim còn tính rừng, chưa được thuần phục người dân bắt được đem đến chợ Bắc Hà cũng có giá từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng. Ngoài ra, chợ chim còn bày bán hàng trăm chiếc lồng chim làm bằng trúc xinh xắn và các loại thức ăn cho chim như sâu và dế mèn...

Sắc xuân đang về trên khắp các bản làng Tây Bắc, chợ chim cũng thêm sôi nổi hoạt động mua bán, trao đổi. Chợ phiên Bắc Hà có cái gì đó vừa nguyên sơ lại vừa có "chất chơi" của những người say mê chim...                  

Len trong dòng người chật ních ở chợ chim, chúng tôi biết thêm về các hoạt động trao đổi hết sức thân thiện giữa các chủ chim. Chỉ cần hai bên đồng ý đổi, ghé sát lồng chim vào nhau, mở cửa dồn chim sang lồng, bắt tay là xong vì ai cũng hài lòng. Muốn kết bạn thì rủ nhau vào hàng thắng cố, làm mấy chén rượu ngô thơm nồng cho đậm đà tình cảm. Chim mang về nếu ưng ý thì giữ lại nuôi, nếu không đến phiên chợ sau lại mang đi đổi cho người khác để lấy chú chim mình thích.   

Nhật Tân

Phiên chợ đồ cổ ngày Tết giữa thủ đô

Thứ 6, 08/02/2013 | 09:12
Chợ họp từ ngày 20 đến 30 tháng Chạp hằng năm, chủ yếu bán đồ cổ, đồ giả cổ và đồ đồng, với giá từ vài trăm nghìn tới cả trăm triệu đồng.

Săn “hàng độc” tại phiên chợ ve chai

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Chợ bán đủ thứ, kể cả những món đồ mà ở ngoài tìm đỏ mắt không thấy, từ bộ sưu tầm bật lửa, đồng hồ cũ các loại cho đến xe gắn máy, ô tô… Tất cả đều là hàng "độc".

Khám phá những phiên chợ Tết đặc sắc nhất

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
Một trong những phong tục vui Xuân của người Việt là đi chợ Tết để cầu duyên, cầu tài lộc, buôn may bán đắt. Hãy cùng khám phá những phiên chợ chỉ họp một lần ở Việt Nam vào dịp Tết đến.

Độc đáo phiên chợ "ngả nghiêng" ở biên giới Việt – Lào

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
Một tháng hai lần, phiên chợ trở thành hoạt động giao thương đáng kể nhất tại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).

Phiên chợ độc đáo trên mạng của nữ sinh Luật

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:40
"Unique market", phiên chợ "lạ lùng" trên được mạng do Hoàng Minh Hằng (K34, đại học Luật Hà Nội tổ chức với mục đích nhân văn: Quyên góp đồ cũ để bán lấy tiền ủng hộ trẻ em nghèo.