Độc đáo quán bia tem phiếu

Độc đáo quán bia tem phiếu

Thứ 6, 14/06/2013 | 10:44
0
"Uống được cốc bia phải xếp hàng. Uống xong một cốc lại quay lại cuối hàng xếp từ đầu để được uống cốc thứ hai. Xếp hàng xếp nốt như vậy nhưng mà ai uống cũng thấy ngon. Uống bia là để thưởng thức chứ không phải là để ép nhau cho say xỉn như thanh niên bây giờ", một cụ già trong quán tâm sự.

Mua tem phiếu xếp hàng chờ bia

Cửa hàng bia đặc biệt này nằm ở Trung tâm Thể thao quận Ba Đình, Hà Nội. Không giống như những hàng bia khác, "thượng đế" đến đây phải đứng xếp hàng mua tem phiếu (chính xác là phiếu dịch vụ) rồi lại tự mình xếp hàng mua bia. Cửa hàng mở cửa từ 16h đến 19h, sau giờ đó, dù có còn bia thì cửa hàng cũng đóng cửa. Được bạn bè truyền tai nhiều, cuối cùng tôi cũng tìm được nơi đây khi đã hơn 17h. Điều bất ngờ đầu tiên đập vào mắt tôi là thực khách của cửa hàng chủ yếu là những ông già U60, U70, trên tay mang theo dụng cụ thể thao, trên người mồi hôi nhễ nhại. Có lẽ họ vừa chơi thể thao trong trung tâm về xuống uống cốc bia cho đỡ khát.

Lạ & Cười - Độc đáo quán bia tem phiếu

Hình ảnh quen thuộc ở “quán bia tem phiếu” (Ảnh lao động)

Là nữ giới, tuổi còn trẻ nên khi bước chân tới quán, tôi thấy mình quá lạc lõng. Tôi đánh bạo bước vào cửa, lấy cớ đến đây đợi ông chơi thể thao rồi hỏi mua bia. Một ông cụ chừng hơn 70 tuổi tủm tỉm: "Cháu ra mua tem phiếu rồi mới tới quầy bia. Người rót bia sẽ nhìn theo số phiếu mà rót. Cháu thì chỉ mua một, hai phiếu thôi, mua cả dây uống không hết thì phí lắm".

Ngơ ngác nhìn ngó khắp nơi, cuối cùng tôi cũng đến được quầy bán tem phiếu. Mỗi phiếu tương ứng với một cốc bia, giá 7.000 đồng. Sau khi có được tấm phiếu dịch vụ, tôi xếp hàng chờ đến lượt mua bia. Tầm này người mua khá đông, mọi người xếp hàng lần lượt không có cảnh chen chúc nhau như ở bên ngoài. Trong lúc chờ đến lượt, tôi được dịp quan sát quán bia "bao cấp" độc đáo này.

Trên cao là một bom bia Hà Nội, ở dưới là hàng cốc thủy tinh, loại thường dùng để rót bia và một hàng ca nhựa. Bia từ trong bom lớn không được rót ngay vào cốc mà xả ra một chậu nhôm khá lớn, người phụ nữ trực ở quầy bia nhìn số phiếu mà múc từng cốc cho khách. Người nào có từ 3 vé trở lên, cô dùng chiếc ca nhựa đổ thật đầy. Theo ước tính bia ở trong ca nhựa được đổ vừa cho ba cốc. Được cái bia ở đây không có tình trạng "bia ít bọt nhiều" như nhiều cửa hàng khác. Thấy cốc nào còn vơi, cô bán bia lại đổ thêm cho thật đầy. Nhiều người để tránh phải chạy đi chạy lại xếp hàng mua phiếu dịch vụ rồi xếp hàng mua bia nên đã mua cả hai ca nhựa bia để uống dần.

Lạ & Cười - Độc đáo quán bia tem phiếu (Hình 2).

Hình ảnh quen thuộc ở “quán bia tem phiếu”

Uống bia... hoài cổ

Tôi cũng cầm cốc bia đi loanh quanh rồi thấy bàn gần cuối có một cụ ông ngồi, trên bàn chỉ có cốc bia và một gói lạc bóc dở. Cụ ngồi trầm tư, đôi mắt mờ đục nhìn ra ngoài cửa. Tôi khẽ chào, xin phép được ngồi cùng bàn. Cụ thoáng giật mình rồi cười, khóe mắt nhăn nheo, cụ dịch cốc bia và gói lạc gọn lại dành chỗ cho người mới tới. Dường như sự xuất hiện của tôi làm ngắc ngứ dòng suy tưởng của cụ. Tôi mạnh dạn: "Cụ uống bia ở đây lâu chưa ạ?". "Cũng chừng hơn chục năm naỵ", cụ nhấm nháp hạt lạc rồi quay sang tôi tiếp chuyện.

Quầy phục vụ "đồ nhắm" được bán bên cạnh quầy tem phiếu, ai mua gì thì trả tiền thức đó. Đồ nhắm cũng chỉ có những thức đơn giản như lạc luộc, nem chua, phồng tôm, mực khô…  Sau khi mua xong thì ai nấy tự tìm bàn cho mình. Ở quán bia đặc biệt này, dù là người có hàm tướng tá hay dân thường đều phải tự mình phục vụ như vậy, tuyệt nhiên không có phục vụ bàn.

Được biết, trước cụ là nhân viên của công ty Bách hóa cấp 2. Có dạo công ty được phân phối bia, lãnh đạo gọi tất cả đàn ông trong công ty ra chia nhau uống. Nghĩ rằng không uống cũng phí nên cụ thử uống, thử rồi mê. Thỉnh thoảng, mấy anh em trong công ty rủ nhau đi xếp hàng mua bia. "Để uống được cốc bia phải xếp hàng. Uống xong một cốc lại quay lại cuối hàng xếp từ đầu để được uống cốc thứ hai. Xếp hàng xếp nốt như vậy nhưng mà ai uống cũng thấy ngon. Uống bia là để thưởng thức chứ không phải là để ép nhau cho say xỉn như thanh niên bây giờ. Ngày xưa, cũng vì chuyện lấy tiền đi mua bia mà tôi bị bà ấy giận cả tuần. Bây giờ thỉnh thoảng nhớ bà ấy, nhớ cái thời khó khăn ấy tôi lại đi bộ ra đây uống cốc bia rồi về", ánh mắt mờ đục của cụ ông xa xăm về một miền quá khứ...

Cụ kể, mỗi lần đến đây, nhìn cảnh bán phiếu dịch vụ ở quầy bia cụ lại nhớ đến kỉ niệm ngày cụ được phân phối vải: "Khổ vải hồi đó thường là 1m, nhưng đôi khi rộng hoặc hẹp hơn, lần ấy mảnh vải của tôi chỉ được 80cm. Tôi thương bà ấy hiếm khi có quần áo mới nên đem về tặng bà ấy. Bà nhà tôi lại cao hơn người khác một chút nên may quần cũn cỡn như thanh niên bây giờ mặc quần lửng, nhìn rất buồn cười. Ngày ấy nghèo khó, bà ấy có bao giờ dám ăn bát phở, bây giờ đủ đầy thì người chẳng còn nữa"… Cụ ngồi lặng một lúc lâu. Nhìn đồng hồ, cụ uống nốt ngụm bia và chào tôi rồi lững thững bước ra cửa. Dáng người nhỏ bé cùng chiếc gậy khuất dần trong đám người vào gửi xe.

Cụ cho biết, từ khi nghỉ hưu, chiều nào cụ và các bạn cũng đến câu lạc bộ cầu lông thuộc Trung tâm Thể thao Ba Đình luyện tập. Sau giờ chơi thể thao, cụ nghỉ ngơi một chút, đi lòng vòng mua phiếu, mua bia rồi chọn bàn. Cụ bảo, đi lòng vòng như vậy cũng là cách thể dục, khỏe người. Thế nhưng điều phiền nhất là lúc mua được bia, mua được đồ nhắm rồi mà không tìm được bàn, đành phải ôm bia đứng đợi… Nhưng cái bất tiện này chỉ bằng một phần nhỏ so với thời bao cấp. Nói thì các cháu bảo người già cứ hay "ôn nghèo kể khổ" chứ nếu sống ở thời ấy thì mới biết cốc bia thời ấy ngon như thế nào.

Đến đây, cụ đã gặp lại được nhiều bạn cũ. Mấy ông già ngồi nói chuyện ngày xưa cũng là một cái thú. Cụ cho biết, bao năm nay, cửa hàng bia này vẫn duy trì hình thức phục vụ và thanh toán từ thời bao cấp. Tuy có những bất tiện nhất định nhưng bia rẻ và không ồn ào xô bồ như quán khác nên vẫn hấp dẫn được nhiều người, đặc biệt là những cụ già đã trải qua thời bao cấp, một thời kỳ khó khăn của dân tộc.                       

"Đã góp ý, nhưng không thay đổi"

Tôi chén sạch gói phồng tôm rồi cũng mân mê cốc bia. Chắc hẳn nhiều cụ ở đây thắc mắc vì sao một con bé lại vào đây xếp hàng mua bia uống một mình. Tôi cầm cốc bia uống một ngụm, mặt nhăn lại. "Để lâu uống đắng hả cháu", một cụ đeo túi vợt, tay bưng hai cốc bia tiến lại hỏi tôi. Tôi mời cụ ngồi cùng bàn, vậy là lại được dịp tìm hiểu thêm về quán bia bao cấp này. Cụ tiếp lời: "Mấy chị này cứ đổ bia ra chậu rồi mới múc vào cốc, hả hết cả bia, uống mất tươi. Tôi đã góp ý bao lần rồi mà không thấy họ thay đổi". 

Bảo Ngọc

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Những chuyện khóc cười chỉ có ở Việt Nam thời bao cấp

Thứ 3, 28/05/2013 | 15:45
Tại sao một số người sống qua thời bao cấp vẫn có cảm giác hạnh phúc khi nhắc lại thời kỳ này, dù họ thừa hiểu những thiếu thốn của nó?

Giới trẻ 'săn' đồ thời bao cấp giữa phố

Thứ 3, 22/01/2013 | 09:17
Với không ít người trẻ hiện nay, những chiếc balo con cóc, đôi dép cao su... mang hơi hướng thời bao cấp được họ "săn" tìm. Đặc biệt, không ít món đồ dù có tiền, người mua cũng khó có thể sở hữu với số lượng nhiều hơn 1.

Sống lại Hà Nội thời bao cấp trong “Cửa hàng mậu dịch số 37”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Ở nơi ấy, treo trên tường là chiếc xe đạp cùng chiếc mũ cói, mũ lá, đôi guốc mộc, bình tông nước...

“Chợ Trời” - Hiện vật sót lại của thời bao cấp

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
"Chợ Trời" (hay "chợ Giời") là tên gọi khác của chợ Hòa Bình, là khu chợ tạm lâu nhất và có quy mô lớn nhất ở Hà Nội, được mệnh danh là "tiêu bản sống" của thời bao cấp.