Nga đã rút lực lượng hùng hậu khỏi vùng sát biên giới Ukraine, động thái giúp giảm leo thang và xoa dịu nỗ lo về nguy cơ xung đột vũ trang trực diện với người hàng xóm.
Tuy nhiên, người ta sẽ còn nhớ nhiều đến sự can dự công khai của Thổ Nhĩ Kỳ vào vùng ảnh hưởng của Nga. Rõ ràng, Moscow đã nhanh tay trong việc loại Ankara khỏi cuộc chơi ngay từ đầu. Nếu không, kết cục có thể đã rất khác.
Sự tự tin của Thổ Nhĩ Kỳ
Với vị trí địa lý ở giáp ranh giữa Trung Đông, châu Âu và châu Á, sự kiện ở tất cả các khu vực này đều ảnh hưởng đến lợi ích, tính toán địa chính trị và cam kết liên minh của Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên phải điều chỉnh các mục tiêu và hành động, theo Asia Times.
Cuộc khủng hoảng ở Biển Đen giữa Nga và Ukraine là một sự minh họa rõ rệt cho đặc điểm trên. Nhưng với Thổ Nhĩ Kỳ, không may khi đây không phải một cuộc tranh cãi đơn thuần giữa hai nước láng giềng. Tình cờ thay, một trong số này lại là Nga - một siêu cường mà người Thổ Nhĩ Kỳ đang có mối quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh đầy phức tạp.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từng ở phe đối nghịch ở Syria, Libya và bây giờ là Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ rõ sự không hài lòng với các hành động của Nga, trước đó cũng phản đối việc sáp nhập Crimea của Tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên, người Thổ Nhĩ Kỳ và người Nga cũng đã có những khoảnh khắc tương trợ cho nhau.
Trên thực tế, hai nước đã từng hợp tác ở Syria, chia sẻ công nghệ quân sự qua thương vụ S-400; và cuối cùng, Nga-Thổ đều có chung quan điểm rằng một trật tự do Mỹ lãnh đạo trong khu vực không phải là lợi ích tốt nhất cho họ.
Tuy nhiên, với tư cách là đối thủ và đối tác, người Nga đã xoay sở điều chỉnh chiến thuật để đạt được mục tiêu xa hơn và giỏi hơn người Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga đã rất giỏi trong việc tạo ra mối bất hòa giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Dư vị còn sót lại từ S-400 là một trong những lý do khiến mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Joe Biden có một khởi đầu tồi tệ. Rõ ràng đó là điều mà ông Putin không thể không hài lòng.
Xu hướng địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ cũng trở nên mạo hiểm hơn khi được dẫn dắt bởi một lãnh đạo cá tính như Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Ngay từ khi mới nhậm chức, ông Erdogan đã bắt tay vào thực hiện sứ mệnh đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một cường quốc mới. Trong suy nghĩ của mình, ông sẽ là nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi cục diện chính trị toàn cầu.
Những thành công ở Libya và ở Nagorno-Karabakh, nơi máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đóng vai trò quyết định trong việc lật ngược tình thế có lợi cho các đồng minh đã mang lại cho Tổng thống Erdogan sự tự tin và lý do để phô diễn.
Với vị thế lớn, Ankara thực sự có vai trò thực sự trong việc kiến tạo hòa bình ở khu vực lân cận. Tuy nhiên, có những giới hạn đối với quyền tự do hành động của Thổ Nhĩ Kỳ trong căng thẳng giữa Ukraine và Nga – đặc biệt khi ông Putin đã tìm ra cách để vô hiệu hóa Thổ Nhĩ Kỳ.
Dấn bước
Ban đầu, Tổng thống Erdogan muốn bước vào căng thẳng giữa Ukraine và Nga vì coi đây là một ván bài có tỷ lệ cược cao. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ lặng lẽ chào bán máy bay không người lái cho Ukraine. Tuy nhiên, ván bài đó nhanh chóng trật khỏi quỹ đạo của Ankara khi Tổng thống Putin tung ra đòn trừng phạt bằng cách cấm các chuyến bay từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà lãnh đạo Nga đã chơi lại ván bài vào năm 2015, khi người Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga ở Syria. Sau khi tự hào coi vụ bắn hạ là một biểu trưng cho sức mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc phải lùi bước và xin lỗi Moscow khi không chịu được áp lực trừng phạt.
Với diễn biến mới nhất, Tổng thống Erdogan đã không được coi là một nhà trung gian hòa giải thực sự. Ngược lại, Tổng thống Nga lại đang cho thấy ông làm tốt vai trò của mình hết lần này đến lần khác.
Việc bán S-400 là một bước đi sáng giá, vì Nga đã nhanh chóng tận dụng tính toán sai lầm của chính quyền Erdogan. Khi làm vậy, ông Putin đã tạo ra một cuộc cãi vã sâu sắc giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, điều mà rõ ràng bất lợi sẽ chỉ thiên về Ankara nhiều hơn.
Tổng thống Putin thậm chí còn có nhiều quân bài khác trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ dấn bước. Ông có thể nhẹ nhàng gây áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ trong một số lĩnh vực: từ mặt trận Armenia-Azerbaijan, đến việc lặng lẽ phản đối kênh đào Istanbul, hay đảo ngược chính sách đối với người Kurd ở Syria. Không điều nào trong số này mang tính chất quyết định nghiêm trọng nhưng đủ cũng đủ gây lo lắng cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Và vì vậy, bất cứ điều gì xảy ra tiếp theo giữa Ukraine và Nga, dấu ấn của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là mờ nhạt. Mặc dù Tổng thống Erdogan rất muốn ghi dấu ấn của Thổ Nhĩ Kỳ trên khu vực Biển Đen, nhưng ông lại có nguy cơ bị loại khỏi đấu trường và trở thành khán giả.