Đội nghệ thuật cổ vũ đầu tiên ở Hà thành

Đội nghệ thuật cổ vũ đầu tiên ở Hà thành

Thứ 4, 02/01/2013 | 09:15
0
Nhiều người cho rằng, làm "cổ động viên" là dễ nhất, chỉ việc ăn mặc đẹp, cầm dụng cụ biểu diễn hò hét là có thể hoàn thành vai trò của mình. Tuy nhiên, có tận mắt chứng kiến sự luyện tập nghiêm túc của các bạn trẻ trong đội Cheerleading (Nghệ thuật cổ vũ) của trường đại học Ngoại thương mới thấy rằng, nghề gì cũng phải cần chăm chỉ và đam mê.

Mục sở thị "Ngón tay khoẻ mạnh"

Chúng tôi đến trường đại học Ngoại thương vào một buổi chiều  mùa đông lạnh giá, nhưng vẫn thấy sự luyện tập hăng say của các thành viên trong đội Cheerleading. Sắp tới sẽ có một cuộc thi đấu giữa các đội cổ vũ trong các trường đại học ở nhà Thi đấu Hoàng Mai (Hà Nội) nên cả đội quyết tâm luyện tập để "rinh" giải về cho trường.

Nguyễn Hồng Ngọc (sinh viên năm thứ 4, đại học Ngoại thương) cho biết, đội Cheerleading nằm trong câu lạc bộ Dancing của trường, được thành lập năm 2009. Tại thời điểm đó, đại học Ngoại thương là nơi đầu tiên ở Hà Nội có hoạt động cổ vũ, vì thế các thành viên sáng lập và thành viên trong đội đã phải rất cố gắng để học hỏi và duy trì hoạt động cho đến hôm nay. Ngay từ những ngày đầu, những người thành lập đội Cheerleading của trường đã tự lên mạng "mò mẫm" các động tác, vũ điệu để về hướng dẫn các bạn trong đội. Đến nay, đã qua ba năm hoạt động, cùng với sự xuất hiện của đội Cheerleading từ các trường đại học khác, đội Cheer của trường đại học Ngoại thương đã nhiều lần đi thi đấu và đoạt giải cao.

Cheerleading xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 tại Mỹ, khởi phát từ trường đại học Princeton. Với sức hấp dẫn mạnh mẽ, Cheerleading đã len lỏi vào hầu khắp các trường đại học ở Mỹ, trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động thể thao (chủ yếu là bóng đá, bóng bầu dục và bóng rổ). Đây là môn thể thao cạnh tranh, dựa trên sự kết hợp đồng đội. Một bài cổ động thường kéo dài từ một đến ba phút, bao gồm các động tác nhào lộn, bật nhảy, dựng tháp và vũ đạo.

Sự kiện - Đội nghệ thuật cổ vũ đầu tiên ở Hà thành

Đội Cheerleading trường đại học Ngoại thương.

Việt Nam, Cheerleading vẫn còn mới mẻ và còn bị nhầm lẫn với aerobic. Tuy nhiên, đây là môn cổ vũ thể thao, phô diễn những động tác nhanh, mạnh trên nền nhạc sôi động. Vũ đạo nhuần nhuyễn cùng với phần xếp tường người lên cao đặc sắc là điểm khác biệt với aerobic vốn thiên về vũ đạo biểu diễn đồng đội. Hiện nay, đội Cheerleading của trường đại học Ngoại thương có khoảng 30 người, thường xuyên tập luyện, chủ yếu là các thành viên trong câu lạc bộ Dancing. Ngoài ra, cũng có một số sinh viên không phải là thành viên câu lạc bộ Dancing, nhưng có niềm đam mê với "nghệ thuật cổ vũ" nên cũng được tập luyện cùng đội.

Ở trường đại học Ngoại thương, ngoài các tên cheerleading mà các bạn gọi đội cổ vũ của mình thì các thành viên trong đội đặt thêm một cái tên nữa: Pinky Cheer để gọi tên đội mình. Hồng Mai - một thành viên trong đội Pinky Cheer cho biết: "Pinky ở đây không phải là màu hồng mà mang ý nghĩa là ngón tay út. Tuy là ngón tay nhỏ bé nhất bàn tay nhưng nó mang ý nghĩa quan trọng, nếu thiếu ngón tay út ấy, bàn tay sẽ không đẹp nữa. Và cheer chính là ngón tay út khỏe mạnh, năng động của câu lạc bộ Dancing của trường".

Môn nghệ thuật của sự đoàn kết

Các đội cổ vũ thường có đồng phục riêng cho các thành viên nam và nữ, với nhiệm vụ chính là khích lệ khán giả cổ vũ cho đội nhà, là người truyền lửa, giúp mang lại sự nồng nhiệt cho trận đấu, cũng như là biểu diễn đồng bộ các nhịp điệu sôi động đã được tập dượt kỹ càng, hòa với các pha bay nhảy, nhào lộn đẹp mắt trong giờ giải lao để giữ bầu không khí hăng say trong sân vận động. Họ thường được tập hợp thành từng đội, ít nhất là 4 người để cổ vũ cho các trận đấu hay biểu diễn các động tác để thi đấu giữa các đội Cheerleading với nhau.

Nguyễn Lê Diệu Linh (Phó chủ tịch câu lạc bộ Dancing trường đại học Ngoại thương) cho biết: "Cheerleading hấp dẫn sinh viên bởi những động tác vũ đạo nhanh, mạnh cùng với phần xếp từng người lên cao đẹp mắt trên nền nhạc sôi động. Không chỉ đơn giản là nhảy múa, cheer cũng có một loạt các động tác vũ đạo, các kiểu xếp hình chồng tháp tập thể cũng như các kỹ năng trình diễn, nhào lộn từ đơn giản đến phức tạp. Từ năm 2010, đội Cheer của trường đã đi thi đấu trong giải văn - thể - mỹ giữa các trường đại học và cũng đoạt giải cao. Hiện nay, đội Pinky Cheer của nhà trường vẫn đang luyện tập cho các giải thi đấu sắp tới".

Vừa tập xong những động tác nhào lộn, Nguyễn Giang (thành viên đội Pinky Cheerleader đại học Ngoại thương) chia sẻ: "Các thành viên của đội cần phối hợp ăn ý, nhịp nhàng mới có thể tạo ra các động tác đồng đều và chính xác. Chính vì vậy, ngoài niềm đam mê, bạn còn cần phải có tinh thần đoàn kết mới có thể trở thành một Cheer thực thụ. Bởi không giống như các môn nghệ thuật khác, nếu  một bạn bị ốm hay không thể đến đội luyện tập được là hôm đó cả đội phải nghỉ, bởi các vị trí trong Pinky Cheer là cố định".

Nguyễn Hồng Ngọc cho biết thêm, những ngày đầu, đội Cheerleading vẫn phải tập ở sân bê tông ngoài trường, do phải dành phòng tập đa năng cho các  lớp học thể dục, hầu hết thành viên của đội đều đã bị trầy xước và chấn thương nhẹ, vì không có thảm tập đúng quy cách. Tuy nhiên, gần đây, đội đã được nhà trường tạo điều kiện để luyện tập trong nhà nên các thành viên trong đội đã "yên tâm" để sải những vũ điệu thật đẹp mà không lo bị ngã. Bên cạnh việc học văn hóa, những hoạt động rèn luyện thể chất cũng góp phần không nhỏ vào việc hình thành nhân cách và tạo sự tự tin cho các sinh viên trong trường.

Nguyễn Thị Xuân Quỳnh (sinh viên K48 - khoa Tài chính Ngân hàng), cựu đội trưởng đội Pinky Cheer đại học Ngoại thương chia sẻ: "Hoạt động của Cheerleading rất có ích cho các bạn sinh viên, vì nó mang lại sức khỏe và sự dẻo dai cho người trẻ. Sau một thời gian tập luyện, hầu hết các thành viên trong nhóm đều có một quan hệ rất khăng khít với nhau, có tình bạn thân thiết và cùng nhau đưa phong trào của nhà trường tiến lên. Giới trẻ đang bị đánh giá là thiếu năng động, vì ít tham gia các hoạt động văn hoá, xã hội. Nếu có thêm những giải đấu cho Cheer, chúng em sẽ có cơ hội giao lưu với nhau, làm quen với nhiều bạn mới và thể hiện được khả năng của mình".                                             

"Thành tích đáng ghi nhận"

Nguyễn Lê Diệu Linh (Phó chủ tịch hội Sinh viên đại học Ngoại thương) cho biết: "Ở giải thi đấu quốc tế vào tháng 3/2012, đội Cheerleading của trường đại học Ngoại thương là đội duy nhất của Việt Nam được chọn để thi đấu tại Singapore và đoạt huy chương Đồng. So với các đội của nước khác, thành tích của Việt Nam cũng là rất đáng ghi nhận. Bởi ở nước ngoài, Cheerleading được luyện tập như một môn thể thao từ cấp một và được đưa vào chương trình dạy học chính khoá. Trong thời gian tới, bên cạnh việc học văn hóa, các hoạt động mang tính tập thể như thế này sẽ được bọn em chú trọng và tập luyện...". 

 Lạc Thành

Âm nhạc Việt Nam một năm khó quên nhìn lại

Thứ 4, 02/01/2013 | 09:04
Nếu nói cái gì đó khởi sắc bên cạnh những thứ còn lu mờ của làng nghệ thuật Việt suốt một năm qua thì đó chỉ có thể là âm nhạc