Mới đây, Công an tỉnh Thái Bình thông tin về việc đơn vị này kiểm tra cơ sở sản xuất tại số 437 Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình, phát hiện ôtô do tài xế Đỗ Xuân Trường điều khiển đang chở 14 thùng cactông, mỗi thùng chứa 30 chai dung dịch màu trắng ghi nhãn hiệu Rencide III - nước xịt tay sạch khuẩn do Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Y Việt sản xuất.
Tất cả sản phẩm trên xe đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm.
Cơ quan công an phối hợp với Sở Y tế tỉnh lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm nước rửa tay nói trên. Đến ngày 8/2, Sở Y tế tỉnh Thái Bình có công văn trả lời việc sản xuất các sản phẩm nước rửa tay trên của Công ty Thiên Y Việt là không đúng quy định của pháp luật.
Chiều 8/2, Đội Quản lý thị trường số 26 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cơ sở sản xuất của bà Quách Thị Hà Vân (ở tòa CT2 khu nhà ở cán bộ Viện Quân y 103 ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) phát hiện nhiều chai lọ, cồn... trên nền nhà. Bà Vân khai đã mua cồn 90 độ để pha với nước tinh khiết và dung dịch glycerin để làm nước sát khuẩn, dung dịch rửa tay khô bán ra thị trường.
Thời điểm kiểm tra, bà Vân không xuất trình được giấy chứng nhận chất lượng và giấy đăng ký kinh doanh. Lực lượng chức năng đã tạm giữ số hàng hóa tại cơ sở sản xuất để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước tình hình trục lợi trong mùa dịch bệnh như trên, trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết: Hành vi mua cồn 90 độ để pha với nước tinh khiết và dung dịch glycerin để làm nước sát khuẩn, dung dịch rửa tay khô bán ra thị trường để trục lợi trong hoàn cảnh cả xã hội đang phòng chống dịch đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng nên cần xử lý nghiêm.
Hành vi của đối tượng đã xâm phạm các quy định của Nhà nước trong quản lý thị trường, xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng, quyền được bảo hộ về sở hữu trí tuệ, kinh doanh đúng đắn của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất.
Đối tượng đã mua cồn 90 độ để pha với nước tinh khiết và dung dịch glycerin để làm nước sát khuẩn, dung dịch rửa tay khô bán ra thị trường là hành vi làm giả hàng hóa, sản phẩm nước rửa tay khô. Để kết luận nước rửa tay khô của đối tượng làm giả có công dụng sát khuẩn hay không thì cần kết luận giám định của Cơ quan chuyên môn.
Tuy nhiên, đối tượng không có đăng ký kinh doanh, đăng ký chất lượng nên hàng hóa làm ra sẽ không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa.
Theo luật sư Thơm: Tùy theo tính chất mức độ, hành vi của đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự hoặc xử phạt hành chính theo Điều 10 Nghị định 185/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng.
“Đối với việc xử lý hình sự, Cơ quan điều tra cần xác định trị giá hàng hóa làm giả theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 30.000.000 đồng trở lên thì đối tượng có thể bị xử lý tương ứng theo quy định tại Điều 192 BLHS”, luật sư Thơm nói.