Đồn thổi để thu phí dịch vụ cắt cổ?

Đồn thổi để thu phí dịch vụ cắt cổ?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Xuất hiện những đối tượng chuyên bịa chuyện và tổ chức thu tiền lễ, dịch vụ.

“Cây vải biết khóc” mọc bên cạnh giếng nước sinh hoạt của chủ nhà và ở trong một mảnh vườn ẩm thấp. Phía trên thân cây người ta đóng một ống cắm hương, phía dưới gốc cây, cạnh mép giếng có một chiếc bàn nhựa làm bàn thờ, trên có vài chiếc đĩa, mỗi người đến thăm cây đều phải thắp hương và đặt lộc, coi như là ra mắt “thần cây”. Những người đến đây xem và làm lễ đều có những “ong ve” khích lệ “tiền lễ càng nhiều lộc càng lớn”.

Bên gốc cây luôn có 1 - 2 người đàn ông xăm trổ đầy mình túc trực. Hễ thấy có người nào tò mò, dò hỏi hoặc có biểu hiện “nghi vấn là phóng viên, nhà báo” thì các đối tượng này liền tiếp cận, khống chế và đuổi ra khỏi nhà. Đã có một số phóng viên đến đó tác nghiệp bị các đối tượng này thu máy ảnh, điện thoại và bắt phải thề trước “thần cây” là không viết bài về cây. Phần lớn khách đến xem cây khóc là học sinh, sinh viên, tranh thủ dịp nghỉ hè đã tìm về tận nơi để thỏa mãn sự hiếu kỳ, còn lại là một bộ phận phụ nữ cuồng tín.

Xã hội - Đồn thổi để thu phí dịch vụ cắt cổ?

Nơi trông giữ xe vào xem “cây khóc”.

Cũng vì số lượng người đổ về khá đông nên một bãi đất trống phía đầu ngõ, cách nhà anh Dũng chừng 100m, được một số đối tượng bặm trợn huy động làm bãi để trông giữ xe và hàng loạt các dịch vụ ăn theo khác như: Đồ ăn, nước uống, lễ vật... Tại bãi trông giữ xe, lúc chúng tôi đến có gần 100 chiếc xe máy và gần chục chiếc xe ô tô. Giá gửi mỗi chiếc xe máy là 5.000 đồng; ô tô là 20.000 đồng. Đối với những người khách không biết đường đến xem “cây vải khóc” còn được một số người chạy xe ôm cò mồi chở đến tận nơi với giá 20.000 đồng/người, dù quãng đường chỉ khoảng 100 m. Như vậy, mỗi ngày chủ của bãi trông giữ xe tự phát trên cũng kiếm được tiền triệu.

Thấy một người ngồi khuất ở một góc trong khuôn viên chúng tôi lân la tìm hiểu. Hóa ra đó là bà Thiệm (quê ở Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh) - mẹ vợ của anh Dũng. Bà buồn rầu nói: “Thằng Dũng mới ở trại về, chưa có công ăn việc làm nên hàng ngày vẫn ở nhà. Vợ nó làm công nhân giày da. Mẹ đẻ Dũng năm nay đã ngoài 80 tuổi, bị tai biến mạch máu não nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Mấy ngày gần đây, cây vải có hiện tượng chảy nước, rất nhiều người kéo đến xem làm cuộc sống sinh hoạt của vợ chồng con tôi Dũng bị xáo trộn rất nhiều”.

Cũng theo bà Thiệm, lúc đầu, anh Dũng cũng để mọi người đến xem tự nhiên nhưng người ta cứ thêu dệt thêm nhiều chuyện kỳ bí nên nhiều lúc anh phải nổi “khùng”. Nhà không có cổng nên mọi người cứ kéo vào xem, không cản được. Một vài kẻ cơ hội còn mở hẳn bãi trông xe, bán hàng, chạy xe ôm ngay đầu ngõ… cũng thu được khá tiền. “Nhiều người cứ tưởng gia đình tôi lợi dụng cây vải có hiện tượng như vậy để kiếm lời” - bà Thiêm phân trần. Bà Thiêm cũng cho biết thêm: “Cách đấy chưa đầy 500m, nhà ông Viện cũng có một cây vải chảy nước tương tự như thế mà sao người dân không đến xem, cứ kéo đến nhà tôi làm gì…”.

Mặc dù chính quyền địa phương khẳng định là đã sớm vào cuộc nhưng cho đến thời điểm này, người đến Cẩm Phú xem “cây khóc” vẫn nhộn nhịp. Các hoạt động ăn theo vẫn diễn ra sôi động, thậm chí còn quy mô hơn. Để giữ gìn an ninh trật tự, các cơ quan chức năng của phường Cẩm Phú cần tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng sự việc trên để kiếm lợi.

Bằng Huyền


Tag: Trà Cổ