Động đất do nhân tạo?

Động đất do nhân tạo?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Các chuyên gia đầu ngành khẳng định, người dân hoàn toàn có thể yên tâm và tin tưởng vào trách nhiệm của các cơ quan hữu quan về vấn đề đập thủy điện Sông Tranh 2.

Động đất do bị thủy điện... kích thích

Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu (Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam), chỉ trong 3 ngày (từ 3/9 - 6/9) đã xảy ra 9 trận động đất liên tiếp tại khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) khiến người dân nơi đây thực sự rơi vào tình trạng hoảng loạn. Đến ngày 7/9 lại có thêm trận động đất thứ 10 với cường độ khá mạnh xảy ra tại đây.

Trao đổi với PV, PGS. TS Nguyễn Hồng Phương, Phó GĐ Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, trận động đất ngày 7/9 có cường độ 4,2 độ richter có tọa độ 15.299 độ vĩ Bắc, 108.165 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km. Sở dĩ người dân địa phương nghe thấy tiếng nổ to, rõ với rung chấn khá mạnh chứng tỏ động đất xảy ra ngay tại nơi người dân sinh sống.

Cũng theo TS Phương, đây là trận động đất mạnh nhất khu vực này kể từ 2 năm trở lại đây. Thực tế, năm 2011 từng xảy ra 2 trận với cường độ 3,5 độ richter, tiếp đó, tháng 3/2012 một trận khác có cường độ 3,1 độ richter.

Những thống kê này là minh chứng cho thấy, tần suất các trận động đất xảy ra khá thường xuyên, tập trung ở phía Bắc huyện Trà My với cường độ ngày càng cao hơn.

Qua phân tích tình hình, TS Phương dự đoán, nguyên nhân gây ra hàng loạt những trận động đất này có thể do kích thích của thủy điện sông Tranh vào nền đất khu vực này. Đập thủy điện với trữ lượng nước khổng lồ đè xuống làm bất ổn định địa tầng dưới đáy hồ ảnh hưởng lan truyền đến toàn khu vực.

Thế giới cũng từng xảy ra những trường hợp tương tự, sau mỗi lần xây dựng đập thủy điện thường xảy ra những trận động đất với cường độ khác nhau.

Xã hội - Động đất do nhân tạo?

Hồ chưa nước công trình thủy điện Sông Tranh 2.

Dưới sự phán đoán của TS Nguyễn Hồng Phương, ngoài tác nhân là hồ chứa đập thủy điện, cũng cần xem xét nền kiến tạo của khu vực này tiềm ẩn khả năng phát sinh động đất.

Theo nghiên cứu của các nhà địa chấn, khu vực này có hai đới đứt gãy dài (đứt gãy cấp 1) là Tam Kỳ - Phước Sơn và Trường Sơn. Ngoài ra còn có các đứt gãy khác chạy song song theo hướng Đông Tây. Vùng Bắc Trà My có đới đứt gãy chạy rất gần đập thủy điện, cũng là nhân tố gây ra động đất.

"Động đất thường kéo dài thành chuỗi, sau mỗi trận động đất chính sẽ kèm theo các đợt dư chấn. Như tại Nhật Bản, sau một trận động đất lớn còn diễn chuỗi cả trăm đợt dư chấn khác. Do đó, việc liên tiếp xảy ra động đất và dư chấn những ngày qua tại huyện Trà My là chuyện bình thường.

Theo đánh giá của tôi, trận động mạnh nhất đo được trong đợt này mới chỉ đạt là 4,2 độ richter ở mức độ không nguy hiểm đến con người. Không loại trừ khả năng nếu chuỗi động đất còn tiếp tục, có thể sẽ diễn những trận động đất với cường độ mạnh hơn trong những ngày tới", TS Phương khẳng định.

Liên quan đến sự cố thủy điện sông Tranh, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nhận định, dạng động đất ghi nhận được tại thủy điện Sông Tranh 2 hoàn toàn đã được chuẩn đoán và cảnh báo từ trước. Nguyên nhân là do quá trình ngăn sông xây đập, tạo ra những hồ chứa với lượng nước khổng lồ tác động vào nền địa chất nơi đây. Chính lượng nước khổng lồ này tạo thành áp lực gây ra sự xáo trộn sắp xếp trở lại dưới lòng đất. Những sắp xếp đó tích tụ theo thời gian tạo ra chấn động, gây các dư chấn nhất định. Nói một cách khác đó chính là động đất kích thích chứ không phải là động đất tự nhiên.

"Thông thường, những động đất này xuất hiện khi bắt đầu có tải trọng lớn. Dư chấn ấy sẽ giảm bớt và ổn định trở lại theo thời gian cùng sự ổn định của lượng nước tích trong lòng hồ", ông Chủng nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Chủng cũng dẫn chứng hiện tượng xảy ra tại công trình thủy điện Hòa Bình mấy năm trước. Thời điểm đó, từng gây ra rất nhiều dư chấn mạnh, thậm chí cả Hà Nội cũng bị ảnh hưởng. Đây là động đất kích thích do quá trình xây dựng công trình thủy điện tạo thành chứ hoàn toàn không phải động đất tự nhiên nên người người dân có thể yên tâm.

Xã hội - Động đất do nhân tạo? (Hình 2).

TS Nguyễn Hồng Phương.

Chủ đầu tư chưa tính toán hết "phản ứng phụ"?

TS Nguyễn Hồng Phương phân tích, khi chọn địa điểm xây dựng đập thủy điện đơn vị thực hiện bao giờ cũng phải khảo sát, đánh giá độ nguy hiểm sau đó đề ra tham số cho phù hợp. Tuy nhiên, đơn vị khảo sát lại thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), những thông số đưa ra đều do bản thân họ tính toán.

"Thực tế, chủ đầu tư không xin tư vấn chuyên môn từ phía các nhà khoa học về động đất của Viện Vật lý địa cầu. Thậm chí bán kính cách nơi xây dựng thủy điện được tính toán bao nhiêu để đảm bảo an toàn cho khu dân cư cũng chưa được xem xét đầy đủ.

Dường như, chủ đầu tư mới chỉ quan tâm đến việc xây dựng thủy điện, chứ chưa lưu ý đến việc di dời dân, cũng như những "phản ứng phụ" khác. Khi xảy ra sự cố các bên đều rất lúng túng", ông Phương nói.

Chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu cũng cho biết, theo công bố của chủ đầu tư, đập thủy điện Sông Tranh 2 có thể chịu được sức kháng chấn cấp 8, tuy nhiên trên thực tế rất khó dự đoán.

"Cách khôn ngoan lúc này không phải là ngồi chờ dự báo bao giờ xảy ra mà phòng tránh trước, sẵn sàng ứng phó. Theo quan sát, hiện nhiều người dân địa phương chưa được trang bị kiến thức về ứng phó khi có động đất xảy ra, đã dẫn đến tâm lý hoảng loạn, thậm chí thành tin đồn thất thiệt. Do đó, việc trang bị kiến thức để người dân ở khu vực có nguy cơ xảy ra động đất rất quan trọng", ông Phương nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến giải pháp cho vấn đề này, PGS. TS Trần Chủng khẳng định, cần theo dõi sát sao sự phát triển của các dư chấn để có biện pháp ứng phó. Việc khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn là hoàn toàn có cơ sở. Bởi hiện nay, dư chấn mạnh nhất đo được là 4,2 độ richter, trong khi đó, thiết kế xây dựng đập thủy điện này có thể chịu đựng động đất tới 5,5 độ richter.

"Bên cạnh đó, địa phương cần sớm giải thích và rõ ràng cho bà con nhân dân hiểu. Đây là hiện tượng bình thường xuất hiện khi xây dựng nhà máy thủy điện. Khi hàng triệu thậm chí hàng tỷ mét khối nước bị chứa trong các hồ thì không một thủy điện nào khi xây dựng mà không có dư chấn xảy ra. Chúng ta nên tin tưởng rằng đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn đang được an toàn. Tất nhiên là chúng ta phải cắt cử các chuyên gia theo dõi liên tục cẩn thận để không có những hậu quả đáng tiếc", PGS.TS Trần Chủng khẳng định.

PV cũng đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên GĐ NXB Giao thông Vận tải, TS. Thủy cho rằng: Bất kỳ công trình nào khi xây dựng đều phải có hệ số an toàn. Ngoài hệ số an toàn người ta còn phải tính đến nhiều yếu tố tác động khách quan khác, ví dụ như bão lụt, động đất, sóng thần...

Bởi vậy, chúng ta có thể yên tâm và đặt niềm tin vào những người có trách nhiệm. Tất nhiên là có nhiều luồng dư luận quan ngại cho độ an toàn của thủy điện Sông Tranh 2, thế nhưng về mặt khoa học kỹ thuật mà nói thì công nghệ hiện nay cũng rất phát triển.

Một khi các nhà chức trách chưa lên tiếng về nguy cơ vỡ đập thì người dân hoàn toàn có thể yên tâm. Những chấn động đó chưa đến mức gây ra những rạn nứt nguy hiểm đáng lo ngại hay hư hỏng nặng đối với công trình thủy điện.

Tuy nhiên, theo quan điểm của TS Thủy, chúng ta cũng không thể chủ quan trước những biến động tại khu vực hồ thủy điện. Cần chủ động xem xét mức độ hư hỏng do các dư chấn trước gây ra và tìm biện pháp khắc phục. Song song với việc làm này là sự cần thiết phải có những dự báo, và lường trước những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra để hạn chế tối đa thiệt hại.

Nếu cần thiết có thể tính đến phương án di dân. Các cơ quan chức năng cũng nên lưu ý đến việc thông báo rõ ràng những chỉ số cảnh báo để người dân chủ động phòng tránh.

Các chuyên gia bắt đầu khảo sát thực địa

Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My khẳng định: "Những đợt động đất xảy ra liên tiếp làm cho nhân dân huyện nhà vô cùng hoang mang, lo lắng. Huyện sẽ kiến nghị không cho thủy điện Sông Tranh 2 tích nước khi chưa an toàn, khi còn rò rỉ nước qua thân đập. Tất cả vì an dân là trên hết, không thể để càng ngày dân càng lo lắng vì động đất mãi được".

Ngày 8/9, đoàn công tác của Bộ Khoa học & Công nghệ gồm những chuyên gia hàng đầu về "động đất học" đã có mặt ở Bắc Trà My (Quảng Nam) để khảo sát và tìm tâm chấn của các trận động đất quanh đập thủy điện Sông Tranh 2 theo công văn yêu cầu giúp đỡ của tỉnh Quảng Nam. Đoàn chia làm 2 mũi, một theo đường hàng không, một đi ô tô dọc tuyến xảy ra động đất để khảo sát thực địa. TS. Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết: "Theo kết quả quan trắc, từ ngày 3/9 đến nay địa phận huyện Bắc Trà My đã xảy ra tổng cộng 11 trận động đất. Mức độ động đất ngày càng tăng, nhưng khó vượt ngưỡng 5,5 richter".

Được biết, từ 8/9-12/9, đoàn sẽ tiến hành khảo sát vùng cực động, thu thập số liệu từ các máy đo gia tốc của đập Sông Tranh 2, từ đó đánh giá và định vị chính xác vị trí, điều khiện phát sinh các trận động đất vừa qua.

Anh Đức - Dương Thu