Đóng tàu cảnh sát biển để bảo vệ ngư dân, giữ vững chủ quyền

Đóng tàu cảnh sát biển để bảo vệ ngư dân, giữ vững chủ quyền

Thứ 6, 31/05/2013 | 08:32
0
Trước những lo lắng của đại biểu về tình hình căng thẳng trên Biển Đông, về việc ngư dân bị truy đuổi, chủ quyền bị xâm phạm, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ đã đóng tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư cỡ lớn để bảo vệ ngư dân, biển đảo.

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) đi thẳng vào việc Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam, cho tàu tấn công, đâm vào tàu của ngư dân Việt Nam và thường xuyên xua đuổi, xâm phạm đến chủ quyền Biển Đông của Việt Nam. Hành động xâm phạm chủ quyền khiến cử tri và ngư dân các tỉnh ven biển, trong đó có Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Đà Nẵng… rất bức xúc.

Ông Tuân cho biết, bà con đề nghị Chính phủ có biện pháp can thiệp để người dân an tâm sản xuất. Quân dân trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cũng gửi nguyện vọng nhà nước tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền vững chắc.
Xã hội - Đóng tàu cảnh sát biển để bảo vệ ngư dân, giữ vững chủ quyền
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (giữa) tiếp tục nhận "chất vấn" trong giờ nghỉ.

Đại biểu trực tiếp kiến nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư hỗ trợ vốn cho ngư dân đóng tàu thuyền có công suất lớn, xây dựng các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá ở các đảo, quần đảo Trường Sa, các khu vực ở quần đảo Hoàng Sa; hình thành các trung tâm nghiên cứu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu ngay tại ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa.

Ngoài ra, theo ông Tuân, nhà nước cần tiếp tục có các chính sách đưa dân ra đảo lập nghiệp, hình thành các mô hình làng thanh niên lập nghiệp, mô hình đánh bắt tàu mẹ con, hoàn chỉnh các cơ sở trường lớp, bệnh viện, đảm bảo xây dựng các đảo của chúng ta có cuộc sống ổn định và phát triển.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) khái quát, tình hình Biển Đông và nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc luôn được cử tri quan tâm đặc biệt qua các kỳ tiếp xúc với đại biểu Quốc hội. Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ để giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc, song ông Nam vẫn lo ngại, tình hình trên biển sẽ diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.

Giải pháp thiết thực nhất để bảo vệ chủ quyền, theo ông Nam, là có những hình thức tháo gỡ khó khăn, trợ giúp vốn liếng kỹ thuật để thường xuyên đảm bảo hoạt động đánh bắt hải sản bình thường của hơn 4 triệu ngư dân trên các vùng biển – nơi mưu sinh của người Việt qua rất nhiều thế hệ. Đại biểu bày tỏ e ngại khi ngư dân Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tàu bè, phương tiện nhỏ bé, cách thức khai thác lạc hậu… mà hiệu quả chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa thể hiện nhiều.

Ông Nam nêu mong muốn Chính phủ có những chương trình, có sự quan tâm đặc biệt để tạo điều kiện cho ngư dân bám biển. Song song với việc này, các chương trình, dự án phát triển kinh tế biển, nhất là thăm dò và khai thác dầu khí cũng cần được đẩy mạnh.

Ngoài ra, theo đại biểu, nhà nước cần tiếp tục tăng cường sức mạnh quốc phòng và khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang, dứt khoát không để bị động bất ngờ. Lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, bộ đội biên phòng… đều cần được chăm lo, đầu tư để duy trì được hiệu lực của pháp luật trên biển.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến. Chủ quyền thiêng liêng trên Biển Đông là sự bất biến không thể nhân nhượng, không thể thay đổi” – đại biểu nhấn mạnh.

Đề cập đến vấn đề ở phạm vi cụ thể hơn, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng)  tập trung vào ngư dân đồng bằng sông Cửu Long. Nêu những khó khăn của người dân, bất cập của chính sách, ông Tâm kêu gọi hỗ trợ của nhà nước để ngư dân có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng, ngân hàng xem ngư dân là đối tác chiến lược và cần ưu tiên đầu tư chứ không thể xem ngư dân là đối tác bình thường gắn với các thủ tục nhiêu khê.

“Đầu tư đúng mức cho ngư dân không chỉ cải thiện đời sống cho họ mà chúng ta còn tạo ra một lực lượng vệ tinh đáng tin cậy, khẳng định chủ quyền, góp phần bảo vệ lãnh hải của Việt Nam” – đại biểu phân tích.

Đáp lại những băn khoăn, kiến nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, hiện nay, ngoài các giải pháp như Quyết định 48 hỗ trợ người dân trực tiếp ra khơi để khai thác, nuôi trồng hải sản, thực hiện dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển xa, nhà nước đang triển khai nhiều chính sách khác. Chính phủ đã triển khai thí điểm cho ngư dân vay để mua, thay tàu mới với công suất lớn (400-1.000 mã lực). Mức vay tối đa tới 70 - 80% kinh phí đóng tàu và lãi suất cố định 3%/năm trả trong 10 năm.

Ông Ninh nhận định đây là mức hỗ trợ rất lớn. Tới đây, Chính phủ sẽ tổng kết chương trình thí điểm này để triển khai nhân rộng cho cả nước. Khi đó, mọi ngư dân sẽ được vay vốn để đóng tàu mới cả tàu gỗ và tàu sắt từ 90 mã lực đến trên 1.000 mã lực.

Cùng với chính sách đó, Chính phủ cũng cho đóng tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư để vừa giúp cho bà con sản xuất, kinh doanh bám biển đồng thời giữ chủ quyền trên biển đảo.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ NN&PTNT nghiên cứu phương án tổ chức lại sản xuất nghề cá sao cho hiệu quả nhất.

Theo Dân trí

'Ta bảo vệ ngư dân ở Hoàng Sa chưa tốt'

Thứ 4, 29/05/2013 | 14:56
"Trong bối cảnh Trung Quốc liên tục leo thang trên Biển Đông như hiện nay thì phản ứng của Việt Nam còn mờ nhạt, quá nhẹ khiến cho Trung Quốc cứ được đà, chúng ta càng mềm mỏng thì Trung Quốc càng lấn tới."

Ngư dân kể chuyện bị tàu Trung Quốc đâm trên biển Hoàng Sa

Thứ 2, 27/05/2013 | 14:09
Trên hành hành trình từ Hoàng Sa về Quảng Ngãi, chiếu tàu cá QNg 90917 TS, đã bị tàu sắt phía Trung Quốc cản đường vây hãm và đâm suýt chìm. Tiếp xúc với phóng viên, tất cả ngư dân đi trên chuyến tàu đó điều bàng hoàng và không thể nào quên những giây phút kinh hoàng đó.

Ảnh: Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị húc vỡ toác

Thứ 7, 25/05/2013 | 16:39
Ông Trần Văn Quang ở xã Phổ Thạnh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, tàu của ông trở về bến Sa Cần lúc 21h đêm 21/5 trong tình trạng hư hỏng.

‘Lính TQ có thể cải trang ngư dân chiếm đảo ở Trường Sa’

Thứ 4, 22/05/2013 | 10:49
Sau khi điều 32 tàu cá ra Trường Sa, theo nhận định của ông Dương Danh Dy, rất có khả năng trong thời gian tới Bắc Kinh có thể sẽ phái lính cải trang thành ngư dân xâm nhập, đổ bộ và chiếm đóng thậm chí là xây dựng nhà dàn, công sự trái phép trên các điểm đảo, bãi đá, rặng san hô ở quần đảo Trường Sa