Thổ-Syria đụng độ rát mặt
Cơ hội cho một giải pháp chính trị giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về vấn đề Idlib đang bị thu hẹp lại sau những nỗ lực ngày càng tăng của quân đội Syria trong việc chiếm giữ thành trì cuối cùng của phiến quân.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang cho thấy quyết tâm giữ vững ảnh hưởng trên chiến trường bằng mọi giá, ngay cả sau khi có thêm 5 binh sĩ nước này thiệt mạng vì cuộc tấn công của quân đội Syria hôm 10/2.
Các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad – được hỗ trợ bởi không quân Nga - đang tiếp tục tiến về trung tâm thành phố Idlib sau khi chiếm được thị trấn chiến lược Saraqib tuần trước. Áp lực cũng trỗi dậy ở phía Bắc, khi dân quân thân Iran đang hướng về đây từ Aleppo.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng quân lực đều đặn trên mặt đất. Tính đến ngày 10/2, nước này đã điều động hơn 100 đoàn xe quân sự đến khu vực. Trong nỗ lực củng cố phòng thủ Idlib từ mặt trận phía Nam và phía Đông, đây được coi là sự tập trung quân sự lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực kể từ năm 2011.
Hiện tại, số lượng binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực đã lên tới 9.000, với một lữ đoàn bọc thép, hai lữ đoàn bộ binh cơ giới và một lực lượng đặc biệt được trang bị pháo phản lực và tên lửa vác vai.
Để đối phó với hoạt động ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực, lực lượng Syria đã tấn công một trại quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ gần thị trấn Taftanaz hôm 10/2, gây ra 10 thương vong cho binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ.
Với cuộc tấn công này, thương vong của Thổ Nhĩ Kỳ từ các cuộc tấn công của quân đội Syria đã lên tới 13, bao gồm cả vụ 8 người thiệt mạng trong đợt pháo kích cách đây một tuần.
Số lượng các trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ bị quân đội Syria bao vây cũng tăng lên 7 với sự sụp đổ của Tell Touqan, al-Ais và Saraqib. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập 12 trạm quân sự trong và xung quanh Idlib như một phần của thỏa thuận giảm leo thang giữa Ankara và Moscow năm 2018.
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ liên tục tăng quân?
Bất chấp những cuộc đối đầu tổn hại về nhân lực như vậy, tại sao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khăng khăng giữ quân trong khu vực?
Theo Al-Monitor, chiến lược của Ankara rất đơn giản: Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng sự hiện diện quân sự trong và xung quanh Idlib như một hình thức ngoại giao cưỡng chế để buộc Nga phải hành động chống lại sự tiến công của chính quyền Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn rằng vấn đề Idlib cuối cùng sẽ được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán. Do đó, trong nỗ lực bảo vệ lợi ích của mình ở các khu vực khác của Syria, Ankara đang “tăng tiền cho ván cược” của mình bằng cách tăng quân tại một khu vực mà nước này không kiểm soát không phận.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn đạt được hai mục tiêu với chiến lược đầy rủi ro. Đầu tiên, họ đang cố gắng buộc Moscow phải thiết lập một bàn đàm phán mới cho một thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib.
Thứ hai, một khi bàn đàm phán được thiết lập, họ có kế hoạch yêu cầu Nga đảm bảo rằng chính quyền Syria sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ duy trì sự hiện diện quân sự ở Afrin cũng như ở các điểm nóng Jarablus, al-Rai và al-Bab.
Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào kịch bản ác mộng khi có nguy cơ làm mất các khu vực phía Bắc vốn kiểm soát được thông qua chiến dịch Euphrates Shield năm 2017 và chiến dịch Olive Branch năm 2018. Chính quyền Syria hoàn toàn có thể chuyển hướng sang các khu vực nói trên sau khi chiếm được trung tâm Idlib.
Để thuyết phục Nga ngồi vào bàn đàm phán ngừng bắn, Thổ Nhĩ Kỳ không còn cách nào khác ngoài việc tăng cường sự hiện diện quân sự ở Idlib để gây áp lực với Moscow bằng cái cớ tính mạng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang bị đe dọa.
Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin sẽ phản ứng thế nào với hình thức ngoại giao cưỡng chế của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn là điều chưa rõ ràng.
Liệu ông Putin có sẵn sàng cho một cuộc gặp mặt trực tiếp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ hay không là một câu hỏi mở, một phần vì sự thất vọng của nhà lãnh đạo Nga đối với việc Ankara và Damascus đã không đạt được mối quan hệ hợp tác trong cuộc gặp hiếm hoi vào cuối tháng trước.
Nếu hai nhà lãnh đạo Erdogan và Putin gặp nhau, Tổng thống Erdogan có thể sẽ yêu cầu duy trì sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ đối với khu vực chiếm được từ chiến dịch Euphrates Shield và Afrin ở miền Bắc Syria để đổi lấy việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi đường cao tốc M4 và M5 chiến lược.
Ankara cũng đang tìm cách giữ cho trung tâm Idlib nằm dưới sự kiểm soát phe đối lập, tuy nhiên lực lượng của Tổng thống Assad giờ đây chỉ cách 10 km đến mục tiêu, khoảng cách gần nhất kể từ năm 2012 cho đến nay.
Các bàn đàm phán là khó có khả năng được thiết lập cho đến khi Damascus đạt được mục tiêu, trong khi Moscow sẽ cố gắng câu giờ cho đồng minh.