ĐT Ma Rốc đối đầu Pháp: Hai quốc gia căng thẳng ngoài sân cỏ ra sao?

Thứ 4, 14/12/2022 15:22

Pháp được cho là đang nỗ lực "tìm kiếm những cử chỉ hàn gắn" trong nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao với Ma Rốc.

img

Quốc vương Ma Rốc Mohammed VI (phải) gặp ông Macron vào năm 2018.

Đội tuyển Ma Rốc đang nối tiếp kỳ tích tại Wordl Cup 2022 ở Qatar với chiến thắng 1-0 trước Bồ Đào Nha để lọt vào bán kết. Đối thủ tiếp theo của đội tuyển Ma Rốc là đội tuyển Pháp.  Trận đấu bán kết giữa hai đội sẽ diễn ra lúc 2 giờ sáng ngày 15/12 (giờ Việt Nam).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được cho là sẽ tới Qatar xem trận đấu bán kết. Ông Macron là người cổ vũ cho ngôi sao Kylian Mbappe và mong muốn Pháp có thể bảo vệ thành công ngôi vô địch.

Ở bên ngoài sân cỏ, Ma Rốc và Pháp hiện đang là hai quốc gia có mối quan hệ căng thẳng. Trong một động thái nhằm hàn gắn quan hệ, Ngoại trưởng Pháp Catherin Colonna dự kiến sẽ có chuyến thăm Ma Rốc vào khoảng giữa tháng 12.

Chuyến thăm cũng nhằm chuẩn bị cho khả năng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới vương quốc Bắc Phi vào tháng 1/2023, theo tờ Morocco World News.

"Mọi thứ vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, chưa có gì đảm bảo chuyến thăm chắc chắn sẽ diễn ra", nguồn tin trong chính phủ Pháp cho biết.

Trước đó, tình báo châu Phi cũng nhận định về chuyến thăm của bà Colonna tới thủ đô Rabat, Ma Rốc trong tháng 12. Tình báo châu Phi cũng đề cập đến cuộc điện đàm giữa quốc vương Ma Rốc Mohammed VI và ông Macron với mục đích "xoa dịu mối quan hệ căng thẳng giữa Paris và Rabat".

Căng thẳng giữa Pháp và Ma Rốc leo thang sau khi chính phủ Pháp áp đặt quy định hạn chế cấp visa nhập cảnh cho người Ma Rốc.

Tháng 9/2021, Pháp thông báo cắt giảm số lượng visa cấp cho người Ma Rốc xuống mức 50% vì vương quốc Bắc Phi "không hợp tác" trong vấn đề người nhập cư trái phép vào Pháp.

Ma Rốc bác bỏ cáo buộc của Pháp, nhấn mạnh rằng "vấn đề người nhập cư trái phép được xử lý một cách có trách nhiệm và cân bằng".

Ngoại trưởng Ma Rốc Nasser Bourita mô tả chính sách của Pháp là “không chính đáng”, nhấn mạnh rằng Ma Rốc muốn tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên và doanh nhân của nước này, trong khi vẫn "đối phó với tình trạng người nhập cư trái phép".

Ngoài ra, lập trường mơ hồ của Pháp trong vấn đề tranh chấp chủ quyền vùng Tây Sahara được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng chính trị hiện nay giữa hai nước. 

Vùng Tây Sahara là khu vực Ma Rốc tuyên bố chủ quyền, nhưng Cộng hòa Dân chủ Ả Rập Sahrawi vẫn đang đấu tranh đòi độc lập ở vùng này.

Pháp cũng gây căng thẳng với Ma Rốc khi ngày càng công khai ủng hộ Algeria, quốc gia đối thủ của Ma Rốc ở châu Phi.

Hồi tháng 8, quốc vương Ma Rốc Mohammed VI đã gửi một thông điệp rõ ràng tới tất cả các nước đối tác của Ma Rốc, nhấn mạnh rằng vương quốc không chấp nhận lập trường mơ hồ từ các đối tác liên quan đến tranh chấp ở vùng Tây Sahara.

Đăng Nguyễn - Morocco World News

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.