img

ĐTQG Việt Nam thiếu trung phong cắm chất lượng: Nỗi lo luôn hiện hữu !

Uông Đàm Linh

Kể từ khi Anh Đức từ giã ĐTQG Việt Nam, chúng ta đang thực sự thiếu vắng đi những trung phong cắm thực sự chất lượng và có thể gánh vác hàng công ở những giải đấu gần đây. Vì thế, vấn đề này cần được HLV Park Hang-seo và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sớm thực hiện và cải thiện.

Bóng đá Việt Nam đang thiếu đi những Huỳnh Đức, Văn Quyến hay Công Vinh đệ nhị!

img

Kể từ sau khi huyền thoại của Bóng đá Việt Nam Lê Công Vinh giải nghệ, ĐTQG Việt Nam thiếu hẳn đi một trung phong cắm thực thụ trên hàng công.

Sau đó, vấn đề này được giải quyết một cách tạm thời khi lão tướng Anh Đức là người được HLV Park Hang-seo tín nhiệm và giao cho vị trí trung phong cắm ở Asiad 2018, AFF Suzuki Cup 2018 hay Asian Cup 2019.

Những gì mà Anh Đức thể hiện đã giúp ích rất nhiều cho những thành công của các cấp độ ĐTQG. Với chiều cao tốt, khả năng tranh chấp, đánh đầu, làm tường và ghi bàn đa dạng, anh trở thành sự lựa chọn số 1 trên hàng công của các cấp độ ĐTQG.

Tuy nhiên, cuối năm 2019, với lý do tuổi tác đã cao và cũng đã đến lúc nhường lại vị trí cho những cầu thủ trẻ hơn, Anh Đức đã chính thức nói lời từ giã ĐTQG.

Cũng chính từ khi ĐTQG không còn có sự phục vụ của trung phong Anh Đức, HLV Park Hang-seo phải đối mặt với một thực tế là sự thiếu hụt trung phong cắm chất lượng.

img

Nếu như trước đây, ĐTQG Việt Nam không bao giờ thiếu đi những tiền đạo cắm giỏi như Huỳnh Đức, Văn Quyến, Thanh Bình, Việt Thắng, Công Vinh rồi Anh Đức thì giờ đây lại hoàn toàn ngược lại. Nếu Huỳnh Đức thi đấu với điểm mạnh là thể hình, sự càn lướt cùng bản năng săn bàn nhạy bén thì những Văn Quyến, Công Vinh lại thi đấu bằng kỹ thuật cá nhân cũng như chiến thuật cá nhân tốt.

Hiện tại, trong tay HLV Park chỉ có hai tiền đạo cắm đúng nghĩa là Tiến Linh và Đức Chinh. Thế nhưng, hai cầu thủ này vẫn chưa đáp ứng được hết những kỳ vọng của ông thầy người Hàn Quốc cũng như NHM Việt Nam.

Còn Văn Toàn, Công Phượng, Quang Hải hay Văn Đức dù thi đấu rất hay, năng nổ và có kỹ thuật khéo léo nên họ không phù hợp với vị trí trung phong cắm.

Lạm dụng ngoại binh ở CLB là nguyên nhân khiến ĐTQG khan hiếm trung phong cắm?

Kể từ khi bóng đá Việt Nam mang cơ chế chuyên nghiệp (mùa bóng 2000-2001) các đội bóng tham dự các giải đấu chuyên nghiệp quốc gia bao gồm V.League, hạng Nhất quốc gia đều được sử dụng các cầu thủ nước ngoài.

Việc các Câu lạc bộ (CLB) sử dụng cầu thủ nước ngoài giúp V.League cũng như hạng Nhất quốc gia trở nên hấp dẫn hơn, sôi nổi hơn.

Hầu hết mọi đội bóng đều sự dụng tối đa nhân sự ngoại binh của mình (3 cầu thủ). Điều này giúp đội bóng của họ trở nên mạnh mẽ hơn, nguy hiểm hơn trong những tình huống tấn công cũng như phòng ngự.

img

Vị trí mà các cầu thủ ngoại binh được sắp xếp thường là trung phong cắm, tiền vệ hoặc trung vệ. Chính vì thế, cơ hội ra sân của các tiền đạo nội trở nên ít hơn.

Các tiền đạo ngoại thường sở hữu sức mạnh, tốc độ, chiều cao và sự càn lướt tốt nên họ luôn được ưu tiên để ra sân từ đầu. Bởi lẽ, so với các đồng nghiệp nội, họ dù chưa hẳn đã giỏi hơn về mặt kỹ thuật, sự khéo léo nhưng có sức mạnh, sự càn lướt là đủ để họ đáp ứng được yêu cầu của đại đa số các HLV.

Có thời điểm, việc lạm dụng các cầu thủ ngoại khiến thành tích của các cấp độ ĐTQG Việt Nam không thực sự như ý khi chúng ta liên tục bị loại ở nhiều giải đấu. Nguyên nhân được nêu ra là bởi các cầu thủ nội không được thi đấu thường xuyên vì nhiều CLB quá ưu tiên ngọai binh.

Lúc này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) mới khống chế số lượng ngoại binh từ 3 xuống còn 2. Thế nhưng, việc này cũng không thực sự khả quan.

img

Để có được nguồn lực mạnh hơn, các đội bóng sẵn sàng nhập tịch cho những ngoại binh trong đội đã thi đấu lâu năm ở Việt Nam. Từ đó họ nghiễm nhiên trở thành công dân Việt Nam và không bị tính vào "suất" cầu thủ ngoại. Vì thế, có một thời gian, NHM Việt Nam theo dõi V.League thường thấy một đội bóng ra sân với 4 hoặc 5 cầu thủ da màu.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, ở các CLB, vị trí tiền đạo cắm gần như được mặc định cho các cầu thủ ngoại. Còn những tiền đạo nội nếu được thi đấu thì họ phải đá trái sở trường hoặc đá ngồi trên ghế dự bị. Điển hình như Đức Chinh dù thi đấu ở vị trí tiền đạo cắm nhưng trong màu áo SHB Đà Nẵng anh buộc phải thi đấu dạt biên để nhường vị trí sở trường của mình cho một cầu thủ ngoại.

Vậy nên, việc lạm dụng ngoại binh cho vị trí tiền đạo cắm khiến các cầu thủ nội không được thi đấu thường xuyên dẫn đến việc HLV Park Hang-seo gặp khó trong việc theo dõi, lựa chọn và triệu tập lên tuyển.

Để giải quyết được điều này, các CLB cần phải tạo điều kiện nhiều hơn cho các tiền đạo nội có cơ hội thi đấu, cọ xát và tích lũy thêm kinh nghiệm để trưởng thành.

Đ.L

img