Đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, cuộc xung đột ở châu Âu và lạm phát đang tăng vọt tại nhiều nơi trên thế giới. Trong bối cảnh nhiều biến động như vậy, nhu cầu du lịch của nhiều người vẫn ở mức cao ngay cả khi việc đi du lịch có thể không dễ dàng như trước nữa.
Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) được công bố mới đây, toàn cầu ghi nhận 117 triệu lượt du khách quốc tế trong quý đầu năm 2022, tăng gấp gần 3 lần so với mức 41 triệu lượt khách cùng kỳ năm ngoái. Châu Âu là khu vực phục hồi du lịch mạnh mẽ nhất khi lượng du khách quốc tế trong quý I/2022 tăng gần 4 lần so cùng kỳ năm trước.
Đại dịch Covid-19 kéo dài suốt hơn 2 năm đã tác động đến nhiều khía cạnh của cuộc sống, gây ra những mối quan ngại tiềm ẩn. Ngay khi các hạn chế dần được dỡ bỏ trên khắp châu Âu thì cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu từ ngày 24/2 đã làm gia tăng thêm nhiều quan ngại.
Chi phí bay và khách sạn tăng lên
Nhiều người đang tìm kiếm các chuyến bay vào thời điểm này có thể cảm nhận giá dường như trở nên đắt hơn trong những tháng gần đây. Bà Johanna Tillmann, người phát ngôn của hãng hàng không Đức Condor, chia sẻ với hãng tin DW: "Nhìn chung, chi phí khí đốt đang gia tăng và giá dầu hiện ở mức kỷ lục. Du khách đang cảm nhận điều này từ giá vé máy bay vốn trở nên đắt đỏ hơn".
Chi phí nhiên liệu đang ảnh hưởng tới không chỉ những tài xế mà cả các hãng hàng không phải chi trả nhiều hơn.
Bà Tillmann giải thích: "Chúng tôi hiện đang chứng kiến kết quả của việc nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng bị dồn nén. Điều này ảnh hưởng đến giá vé máy bay và chỗ ở đặc biệt vào mùa cao điểm, bởi giá dựa trên nhu cầu".
Các khách sạn cũng đối mặt với chi phí cao hơn, phải trả nhiều tiền hơn cho nhiên liệu, năng lượng và thực phẩm. Ngoài ra, nhiều khách sạn còn đang thiếu nhân viên lành nghề. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều nhân viên đã phải nghỉ việc tại khách sạn và tìm kiếm công việc khác. Trong một nỗ lực hồi phục, các khách sạn đã nâng lương để giữ chân nhân viên, chi phí tăng thêm này được chuyển cho khách hàng và khiến giá phòng tăng lên.
Tương tự với ngành khách sạn, nhiều sân bay cũng gặp phải tình trạng thiếu nhân sự. Việc thiếu nhân viên tại quầy thủ tục và nhân viên phục vụ mặt đất đã khiến khách hàng phải xếp hàng dài tại điểm kiểm tra an ninh của sân bay.
Tình hình rất nghiêm trọng tại sân bay Schiphol (Hà Lan), một số hành khách đã phải đợi hàng giờ đồng hồ mới được làm thủ tục bay. Để ngăn tình hình trở nên trầm trọng, hãng hàng không quốc gia Hà Lan KLM buộc phải giảm lượng vé bán cho các chuyến bay đến và đi từ thủ đô Amsterdam.
Du khách nên lưu ý đến một số chi phí gia tăng khi xem xét ngân sách dành cho du lịch vào mùa hè này. Nhiều nhà hàng, quán cà phê tại địa điểm nghỉ dưỡng có thể đã tăng giá.
Vào năm 2019, trang web cập nhật giá du lịch Đức Check24 ghi nhận chi phí trung bình để thuê những chiếc xe chỉ hơn 34 Euro (36 USD) mỗi ngày trên 20 quốc gia. Năm nay, giá thuê trung bình mỗi ngày đã tăng lên tới khoảng 74 Euro (79 USD), nghĩa là tăng hơn gấp 2 lần.
Tour du lịch trọn gói
Chi phí cũng ảnh hưởng đến loại hình kỳ nghỉ trọn gói, bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau trong một gói du lịch như máy bay, khách sạn và đưa đón khách sạn...
Theo dữ liệu từ Check24, các tour du lịch trọn gói được đặt đến những nơi phổ biến với khách du lịch Đức đã đắt hơn so với năm ngoái. Vào tháng 5, chi phí trung bình để đặt một kỳ nghỉ trọn gói kéo dài một tuần dành cho 2 người cho các tháng 6, 7, 8 năm nay đến đảo Mallorca (Tây Ban Nha) đã đắt hơn 17% so với năm ngoái.
Giám đốc Martin Zier phụ trách quản lý các chuyến du lịch trọn gói tại Check24, chia sẻ: "Bất chấp những ưu đãi, sự tăng giá rõ rệt nhất là chuyến đi đến Side, Alanya nằm trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Kỳ nghỉ kéo dài một tuần cho 2 người vào mùa hè này đến đó hiện đắt hơn 45% so với mùa hè năm ngoái".
Chi tiêu nhiều hơn cho du lịch
Mọi người đã không giảm chi tiêu cho du lịch bất chấp chi phí cao hơn. Theo Hiệp hội Du lịch Đức (DRV), du khách nước này hiện chi nhiều tiền hơn sau 2 năm ít đi du lịch hoặc thậm chí không thể đi, họ đang đặt các chuyến đi đắt hơn.
Người phát ngôn báo chí Torsten Schafer của Hiệp hội Du lịch Đức giải thích: "Những người trước đây chỉ đặt phòng kèm bữa sáng thì hiện muốn đặt phòng trọn gói, những người từng đặt khách sạn 3 sao nhưng đến hiện tại muốn đặt phòng 4 sao. Nhiều du khách đã chọn nghỉ dưỡng dài ngày hơn bình thường”.
Người phát ngôn báo chí Bettina Rittberger của hãng hàng không Đức của Lufthansa cho biết: "Hiện tại rất khó để có được chỗ ở Hạng Thương gia và Hạng Nhất. Chúng là những vị trí đầu tiên được đặt hết chỗ".
Nhiều người đã không được đi du lịch trong suốt 2 năm do đại dịch, họ tiết kiệm tiền và bây giờ muốn bản thân được tận hưởng. Theo Hiệp hội Du lịch Đức, các chuyến bay tới Địa Trung Hải đặc biệt là đến Tây Ban Nha, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, đang có nhu cầu cao trong mùa hè này.
Phạm Hà Thanh (theo DW, The Guardian)