Du lịch tuần trăng mật thành ...

Du lịch tuần trăng mật thành ... "nát" mật

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Để được bằng bạn, nhiều đôi uyên ương đã vắt óc suy nghĩ xem du lịch trăng mật như thế nào cho vừa rẻ, vừa thơ mộng lại không bị mang tiếng là quê. Nhiều đôi vợ chồng trẻ đã lục đục và mâu thuẫn với nhau ngay sau tuần trăng mật vì chuyện tiền.

Trăng mật thành... "nát" mật

Nguyễn Thành An và Trần Thanh Hằng (cùng quê ở Hà Nam) đang là nhân viên của công ty tư nhân. Cưới nhau xong, họ vẫn phải thuê nhà để ở, trong khi lương tháng của cả 2 cộng lại chưa vượt qua con số 10 triệu đồng. Thu nhập có hạn nhưng An lại mắc bệnh con nhà giàu, đặt cỗ hay lễ dẫn đến nhà gái... đều muốn hoành tráng. An mơ ước, cưới xong, 2 vợ chồng sẽ đi du lịch tuần trăng mật ở nước ngoài, nếu là các nước châu Âu thì càng tốt.

Thế nhưng, gọi điện hỏi tour, thì công ty du lịch nào báo giá cũng cao, nằm ngoài khả năng chi trả của đôi vợ chồng trẻ. Chỉ có đi Thái Lan, Lào là giá rẻ hơn một số tour du lịch trong nước. An hỏi các tour trong nước như: Nha Trang, Mũi Né, Côn Đảo... thì giá cao hơn đi Thái Lan, Lào. Nghe lời vợ, An chấp nhận hỏi tour đi Sapa nhưng thỏa thuận với vợ là ai hỏi thì nói đi du lịch trăng mật nước ngoài.

Cưới xong, sau khi trừ chi phí, An và Hằng chỉ dư được 5 triệu đồng. Thế là tuần trăng mật thành... "nát" mật. Cả 2 mặt ỉu xìu, đi trăng mật mà cứ như đi dự đám hiếu, An nói: "Không đi thì tiếc tiền đặt cọc, tiền vé mà đi thì chắc chắn tiêu hết tiền thừa đám cưới. Về thì lấy tiền đâu mà lo liệu các việc khác, trong khi, đời sống vợ chồng, cần nhiều thứ hơn là cuộc sống độc thân".

Xã hội - Du lịch tuần trăng mật thành ... 'nát' mật

Sapa mù sương là địa điểm lý tưởng cho các đôi uyên ương hạn hẹp về kinh phí đi du lịch tuần trăng mật

Đôi Nguyễn Xuân Huy (ở Bắc Giang) và Hoàng Thanh Hà (ở Nam Định) lại khác. Họ được gia đình 2 bên ủng hộ về mặt tinh thần nhưng vật chất cho đám cưới, tự phải lo. Huy làm ở công ty nước ngoài, lương tháng cố định 500 USD nhưng đi làm từ 7h sáng đến 17h tối mới được về. Hà làm kế toán cho một công ty xây dựng, lương cũng được vài triệu/tháng. Cả 2 dành dụm được gần 60 triệu để lo đám cưới nhưng cũng chẳng thấm vào đâu, vì phải đi lại giữa 2 bên gia đình.

Hơn nữa, vì sĩ diện với bạn bè, Huy tổ chức cưới ở 3 nơi (quê vợ, quê chồng và ở Hà Nội). Huy giải thích: "Cả đời chỉ có 1 lần, cứ mái thoải đi". Nơi nào Huy cũng yêu cầu làm cỗ dềnh dang khiến cho số tiền 2 đứa để dành chẳng thấm vào đâu. Huy và Hà thống nhất, cưới xong, bỏ lại tất cả, đi tuần trăng mật một lần cho biết. Nơi họ thích là Thượng Hải (Trung Quốc). Đặt tour đi Thượng Hải 7 ngày, trung bình mỗi ngày hết 4 triệu đồng, Huy không tính toán, gật đầu đồng ý.

Cưới xong, chưa biết chuyện tiền nong thế nào, Huy và Hà đi du lịch, bỏ lại đằng sau những lo toan của cuộc sống. Vừa đặt chân xuống sân bay, Huy nhận được 1 tá cuộc điện thoại, nào là nhà hàng yêu cầu đến thanh toán, rồi cha mẹ vợ, cha mẹ mình gọi thanh toán tiền cỗ, tiền thuê này, thuê kia... Cả buổi tối, 2 vợ chồng trẻ ngồi soạn tiền phong bì, tính toán đến toát mồ hôi mà vẫn không thấy dư ra đồng nào, dù rằng, họ cũng được cha mẹ, anh chị 2 bên hỗ trợ.

Theo tính toán của Huy, tiền làm cỗ thì vừa đủ nhưng tiền đi lại, mua sắm đồ đạc ở nhà cô dâu, chú rể, tiền du lịch trăng mật thì thiếu. Ngoài tiền 2 vợ chồng để dành được, còn lạm vào 20 triệu đồng. Thế là cưới xong, không những hết sạch tiền tích lũy mà vợ chồng Huy còn nợ nần... Huy và Hà bắt đầu trách móc nhau. Cả 2 đổ tội cho tuần trăng mật ở Thượng Hải. Thế nhưng, họ đâu biết, lúc vui vẻ, sĩ diện thì ai bằng.

Du lịch trăng mật không là sành điệu?!

Nguyễn Huy Hòa và Hoàng Thanh Trúc (Từ Liêm, Hà Nội) tổ chức đám cưới nhưng không đi du lịch tuần trăng mật. Hòa và Trúc ở nhà nghỉ ngơi. Cả Hòa và Trúc đều có điều kiện kinh tế. Trúc lý giải: Đi du lịch vào ngày hè là tiện nhất. Cưới xong rất mệt nên thời gian được nghỉ làm để 2 vợ chồng nghỉ ngơi, xả hơi, thăm nội ngoại.

Trúc cho rằng, đi tuần trăng mật hết thời gian được nghỉ làm, về đi làm ngay, mệt muốn chết, vợ chồng không cáu nhau chuyện tiền bạc thì gắt nhau chuyện mệt mỏi. "Không đi du lịch tuần trăng mật thì không phải là vợ chồng trẻ sành điệu, không hiện đại, thiếu năng động, kém cỏi, không kiếm được tiền?" - nhiều bạn trẻ quan niệm như thế. Hòa cười: "Hiện đại hay không do mình, cứ chạy theo mốt, trào lưu thì khó lắm chị ạ! Làm thế nào, để nghỉ ngơi, chơi, du lịch đều phù hợp với hoàn cảnh của vợ chồng trẻ là tốt nhất. Tôi thấy, nhiều đôi cũng bất đồng trong chuyện đi du lịch trăng mật. Chồng muốn đi nhưng vợ thì không.

Hơn nữa, kinh tế quyết định chuyện có đi du lịch hay không và đi thì đến địa điểm nào? Thực tế, nhiều đôi vợ chồng trẻ, không đi du lịch thì không sao, đi chơi về lại cãi nhau, thiếu thốn, vá víu nợ nần thì khổ hơn".

Theo tìm hiểu của PV, thì gần 50% vợ chồng trẻ không nặng nề chuyện du lịch tuần trăng mật. Số đôi cùng chung ý kiến như vợ chồng Hòa - Trúc rất nhiều. Còn như An - Hằng, Huy - Hà trùng với suy nghĩ của những người chồng gia trưởng, thích thể hiện. Du lịch tuần trăng mật thành kỷ niệm đáng nhớ trong đời sống vợ chồng, không liên quan đến chuyện cơm áo, gạo tiền thì thú vị thật. Nếu đã eo hẹp về kinh tế, thì vợ chồng trẻ đừng vì sĩ diện mà đẩy cuộc sống của mình vào khó khăn không đáng có.

Hãy biết cân bằng cuộc sống

Tiến sỹ tâm lý học Đinh Đoàn phân tích: Giới trẻ bây giờ chia ra nhiều loại. Những bạn trẻ sống theo cảm xúc, ít bị chi phối bởi trào lưu, mốt... hành xử khác. Những bạn trẻ không xác định được mình như thế nào, rất dễ bị ảnh hưởng bởi trào lưu. Họ tự quyết định mọi chuyện, có thể sau đó ân hận nhưng họ vẫn bảo thủ đến mức không thay đổi. Những bạn trẻ như vậy, thường thích thể hiện mình, sĩ diện với người xung quanh... Du lịch trăng mật là trào lưu của vợ chồng trẻ châu Âu, du nhập vào nước ta. Các bạn trẻ học tập cái hay của trào lưu này là tốt nhưng đừng vì nó mà làm cho những ngày đầu tiên của vợ chồng thành "địa ngục". Hãy cân bằng cuộc sống để du lịch trăng mật là khoảng khắc đáng nhớ trong đời chứ không phải là nỗi ân hận, tiếc nuối...

Nguyễn Thanh Hòa