Đừng để tin tức về Covid-19 khiến chúng ta căng thẳng thêm!

Một nghiên cứu mới ở Trung Quốc cho thấy, càng nhiều tin tức về Covid-19 xuất hiện trên mạng xã hội sẽ càng khiến người dân trở nên lo lắng, trầm cảm.

Theo tờ SCMP, đại dịch Covid-19 không chỉ gây tử vong, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và mọi lĩnh vực xã hội, mà bên cạnh đó, nó còn gián tiếp ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý của chính những người khỏe mạnh.

Nghiên cứu của viện Báo chí và Truyền thông từ học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) hôm 22/7 chỉ ra rằng, đọc tin tức về Covid-19 trên các phương tiện thông tin đại chúng có thể dẫn đến trầm cảm, lo lắng và căng thẳng. Kết luận được dựa trên cuộc khảo sát đối với 3.070 người dùng các phương tiện truyền thông xã hội ở Trung Quốc.

Các chuyên gia kết luận người dùng càng chìm đắm trong những câu chuyện về Covid-19 trên mạng xã hội thì tình trạng căng thẳng và lo âu của họ càng trở nên trầm trọng hơn.

Nghiên cứu cho thấy, người dân Trung Quốc đang dành rất nhiều thời gian trong ngày để đọc các tin tức về Covid-19. Hơn 81% số người được hỏi cho biết họ đã dành từ 1-4 giờ để theo dõi các thông tin về đại dịch. Hơn 2% xác nhận đã dành tới 9 giờ để tìm hiểu về dịch bệnh. Nhiều người thậm chí ngay khi vừa thức dậy buổi sáng đã phải đọc tin về đại dịch Covid-19.

Mặc dù giai đoạn lây bệnh tồi tệ nhất ở Trung Quốc đã qua đi, Catherine Zheng vẫn còn nhớ khoảng thời gian đã khiến cô sợ hãi đến mức nào. Cô lo lắng mỗi khi đi tàu điện ngầm đông đúc tới Thượng Hải để làm việc. Các đồng nghiệp của cô thậm chí không dám uống nước tại chỗ làm để không phải sử dụng nhà vệ sinh. Zheng cũng lo ngại về sức khỏe của cha mẹ và rủi ro về tài chính nếu bản thân nhiễm bệnh.

Chia sẻ với tờ SCMP, Zheng không nhớ mình đã dành bao nhiêu thời gian mỗi ngày để đọc tin tức về đại dịch, nhưng nó đã trở thành thói quen của cô mỗi khi sử dụng mạng xã hội WeChat. "Truyền thông xã hội có sức mạnh rất to lớn trong việc kiểm soát tâm trí con người. Sự lan tỏa của nó vô cùng mạnh mẽ", cô nói.

Tin tức bình thường tràn ngập đã đủ khiến nhiều người căng thẳng, vậy nếu tin giả bị trộn lẫn vào mớ tin hỗn độn đó thì hậu quả đến sức khỏe tinh thần còn nghiêm trọng đến mức nào?

Ngay khi có ca nhiễm Covid-19 mới ở Đà Nẵng, các kênh thông tin chính thống đã hoạt động hiệu quả, cập nhật, giúp người dân nắm bắt được tin tức chính xác để có những phản ứng phù hợp nhằm chung tay chống dịch bệnh, ngăn ngừa nguồn lây nhiễm.

Nhưng cũng ngay lúc đó, tin tức giả lại một lẫn nữa len lỏi trong hàng trăm nghìn dòng thông tin chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Hôm 27/7, vụ Truyền thông- Bộ Y tế đã phải phát đi thông báo kêu gọi người dân không chia sẻ những thông tin giả về phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Mặc dù lời chia sẻ không có thật nói trên cũng chỉ mang ý nghĩa kêu gọi người dân cảnh giác trước dịch bệnh, tuy nhiên dù thông điệp tốt đến mấy thì điều đó cũng sẽ gây ảnh hưởng đến những thông tin và định hướng chuẩn xác của các cơ quan chức năng.

Hôm 29/7, nữ ca sĩ Hòa Minzy cũng đã nộp phạt 7,5 triệu đồng cho sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM do đăng tin giả về dịch Covid-19. Nữ ca sĩ chia sẻ thông tin giả phát ngôn của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trên trang Facebook cá nhân. Ngay sau đó, nữ ca sĩ đã gỡ bài đăng và gửi lời xin lỗi trên trang cá nhân. Cô cũng tỏ ra thành khẩn và nhận ra sai lầm của mình khi chủ động liên hệ với cơ quan chức năng để đóng phạt.

Với những ca lây nhiễm Covid-19 mới ở Đà Nẵng, Hà Nội và một số tỉnh thành khác, chúng ta lại đang tiếp tục đương đầu với dịch bệnh trên mặt trận mới. Sự chung sức của bất kỳ ai, từ người nổi tiếng đến dân thường cũng đều đáng trân trọng, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là sự tỉnh táo.

Đừng để những dòng tin tức vô trách nhiệm về Covid-19 khiến sự lo âu càng thêm trĩu nặng và vô tình khiến chúng ta đuối sức hơn trong cuộc chiến trường kỳ chống dịch bệnh.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

Kỹ năng nhận diện tin tức giả mạo trên Facebook

Chủ nhật, 22/03/2020 | 20:55
Lợi dụng mạng xã hội, nhiều kẻ gian đã tung tin giả mạo hòng đánh lừa dư luận và tung hỏa mù với giới truyền thông.