'Đừng đổ tiếng ác cho lễ hội'

'Đừng đổ tiếng ác cho lễ hội'

Thứ 2, 18/03/2013 | 15:37
0
Đó là nhận định của TS. Nguyễn Tùng Lâm - chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội xung quanh những ý kiến trái chiều về hình thức tế thần có tính chất man rợ tại các lễ hội ảnh hưởng đến tâm lý giới trẻ hay không?. TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: "Đâu phải đứa trẻ nào phạm tội cũng quan tâm đến lễ hội và có phải gia đình nào làm nghề giết mổ thì con cũng vướng vào vòng lao lý".

Quan điểm của ông ra sao khi có ý kiến cho rằng, những hình ảnh đâm chém con vật trong một số lễ hội dân gian Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ nuôi dưỡng "máu lạnh" trong lớp trẻ và là nguyên nhân khiến trẻ em thực hiện những hành vi bạo lực?

Theo tôi, những lễ hội có hình ảnh đâm chém như lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên hay chém lợn ở Bắc Ninh không phải là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng trên. Đó là những lễ hội truyền thống có lịch sử hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm thế nên không thể quy kết tùy tiện rằng nó "làm hỏng - làm xấu" lớp trẻ. Những lễ hội như thế không phải khi nào cũng tổ chức. Nó diễn ra thưa thớt, tần suất xuất hiện thấp bởi một vài năm mới tổ chức một lần. Đó là chưa kể đến việc không phải thanh niên nào cũng không quan tâm đến lễ hội, đi chơi, đi xem những phần đâm chém ấy. Vậy nên, tôi nghĩ những hình ảnh đó hầu như không ảnh hưởng gì đến tâm lý lớp trẻ.

Xã hội - 'Đừng đổ tiếng ác cho lễ hội'

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng.   

Có một số ý kiến đã dẫn chứng rằng, Lê Văn Luyện có hành vi gây án dã man trong vụ cướp tiệm vàng ở Bắc Giang là do trước đây nhà Luyện làm nghề giết mổ. Luyện bị ám ảnh bởi những hình ảnh đâm chém nên đã nuôi dưỡng dòng máu lạnh trong người. Ông có đồng tình với lập luận này không?

Tôi thấy lập luận này không xác đáng. Trên thực tế có bao nhiêu gia đình giết mổ nhưng con cái người ta có thế đâu. Luyện do thiếu tiền nên mới sinh ra ý định đi cướp của. Điều khiến người ta giật mình nhất là Luyện giết người không ghê tay. Do đã lao vào cuộc rồi nên Luyện không có thời gian để tính toán thiệt hơn cho hành động của mình.

Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng "máu lạnh" và những hành vi bạo lực của thanh thiếu niên hiện nay?

Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn đến hành vi bạo lực giới trẻ đó là trẻ em ngày nay bị ảnh hưởng quá lớn từ các trò chơi bạo lực, phim ảnh hành động... Trên mạng internet, truyền hình lúc nào cũng tràn lan các trò chơi có tính chiến đấu, các bộ phim dàn dựng cảnh đánh nhau đẫm máu... Hàng ngày, các em thường xuyên tiếp xúc với những hình ảnh tiêu cực như thế thì thử hỏi làm sao những hành vi bạo lực không ăn sâu vào tâm trí chúng được. Công nghệ vi tính ngày càng tinh vi nên những hành vi "ảo" càng giống thật và nhanh chóng được bọn trẻ tiếp thu và "mô phỏng" lại trong thực tế. Ngoài ra, cũng phải kể đến yếu tố môi trường, hoàn cảnh sống của gia đình. Những đứa trẻ thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ "thượng cẳng tay, hạ cẳng chân" thì ít nhiều bị ảnh hưởng. Một số đối tượng khác, đặc biệt là các bé trai thường có xu hướng thích trò chơi bạo lực, như: Bắn súng, đấm, đá... Thiết nghĩ, các bậc cha mẹ phải thường xuyên theo sát, uốn nắn các em ngay từ nhỏ. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần dành thời gian quan tâm, vui đùa, làm bạn cùng con, góp phần ngăn chặn, sớm phát hiện hành vi bạo lực ở trẻ. Cần hướng trẻ đến chân, thiện, mỹ, không nên cho trẻ đọc truyện, xem phim ảnh hay chơi những trò chơi mang tính sát phạt, bạo lực.

Có ý kiến cho rằng, nên dẹp bỏ những lễ hội có tính "man rợ" như thế. Ông nghĩ sao?

Chúng ta muốn phục dựng lại được những lễ hội truyền thống để bảo tồn và phát triển nó thì cũng cần phải giữ lại những điểm cơ bản...Tôi nghĩ, điều đáng lo ngại của lễ hội hiện nay là ở tình trạng xâm lấn của các hiện tượng mê tín dị đoan, hiện tượng buôn bán, lừa lọc bát nháo... Chúng ta nên chú trọng xây dựng văn hóa lễ hội chứ đừng chăm chăm làm lụi bại nó và đổ lỗi cho các giá trị truyền thống ấy.

Trong nhà trường, khi giới thiệu về lễ hội, theo ông cần nhấn mạnh vào điều gì để giáo dục cho trẻ em?

Lễ hội ở nước ta rất phong phú và đa dạng. Đối với mỗi lễ hội, khi có cơ hội giới thiệu đến học sinh, các giáo viên thường nhấn mạnh đến yếu tố lịch sử, tâm linh và những nét đẹp của nó. Ngoài ra, cần giải thích ý nghĩa và mục đích của các nghi lễ đặc trưng trong lễ hội. Chẳng hạn đối với những lễ hội đâm chém, có thể những hình ảnh trong đó sẽ đem lại sự ám ảnh cho học sinh. Tuy nhiên, tôi nghĩ nó chỉ là những hình ảnh thoáng qua mà thôi và học sinh không vì thế mà cảm thấy "ghê sợ" lễ hội. Ở lễ hội này, chúng ta cần nhấn mạnh cho học sinh thấy những cái hay cái đẹp, thấy những giá trị truyền thống lâu đời mà những người sáng tạo ra ghi lễ đó đã gửi gắm chứ đừng xoáy sâu vào hình ảnh đâm chém máu me. Lễ hội nào cũng có tính nhân văn bởi nó đều cầu khấn cho con người có một cuộc sống tốt đẹp, no ấm.

Xin cảm ơn ông!                                  

Phạm Hạnh (thực hiện)

Lễ hội dã man sẽ nuôi dưỡng lớp trẻ 'máu lạnh'

Thứ 2, 04/03/2013 | 14:02
Hình ảnh phóng lao giết trâu, chém lợn... có thể tạo nên một lớp trẻ "máu lạnh"?

Nên bỏ 'lễ hội dã man'?

Thứ 5, 28/02/2013 | 13:53
Những hình ảnh bạo lực trong lễ hội như: “chém lợn tế thần”, “phóng lao giết trâu”... đang tạo ra những cái nhìn trái chiều về lễ hội truyền thống.

Nguy cơ mắc bệnh từ thức ăn bẩn ở lễ hội

Thứ 7, 23/02/2013 | 12:14
Theo thông lệ, vào mỗi dịp tết đến, xuân về, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được các ngành chức năng đặc biệt chú trọng, triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng và hạn chế các dịch bệnh có thể lây lan. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV báo Đời sống & Pháp luật, công tác đảm bảo ATVSTP vẫn đang bị bỏ ngỏ, đặc biệt tình trạng mất vệ sinh tại các quán ăn xung quanh khu vực lễ, hội trên địa bàn Thủ đô...

Phẫn nộ lễ hội nhốt người ăn xin trong lồng sắt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
– Trong khi các du khách vui chơi tại lễ hội thì những người ăn xin bị nhốt trong lồng sắt để tránh quấy rầy người tham quan.