Đừng làm lệch lạc tình thương

Đỗ Chang

Vì tình thương mà phải giải thoát cho những đứa trẻ sinh ra kém may mắn. Hành vi ấy liệu có được cảm thông?

Những ngày qua, câu chuyện đau lòng về nữ bác sĩ sản khoa Chử Thị Mỹ Lệ tại Thái Bình đầu độc cháu nội bằng thuốc diệt chuột vẫn gây xôn xao dư luận. Tại cơ quan điều tra, bà Lệ khai nhận do thấy cháu bị bệnh tình bẩm sinh hành hạ nên bà muốn giải thoát cho cháu. Tất cả xuất phát từ tình thương cháu và bố mẹ cháu…

Trong khi mọi người còn đang tranh cãi trước câu hỏi bà Lệ đáng thương hay độc ác thì một lần nữa dư luận lại bàng hoàng khi hay tin một người mẹ trẻ quê ở Bến Tre đã dùng dây sạc điện thoại siết cổ cô con gái 3 tuổi đến chết vì con mang bệnh hiểm nghèo, không có tiền chữa trị.

Hai câu chuyện, hai số phận khác nhau khiến tôi ám ảnh bởi sự nghịch lý đến trái ngang. Có lẽ, người mẹ trẻ ấy và cả bà Lệ đều nghĩ rằng tất cả những hành vi rợn gáy trên đều xuất phát từ tình thương. Vì tình thương nên muốn giải thoát cho những đứa trẻ sớm phải đối mặt với số phận nghiệt ngã. Cũng vì tình thương mà phải trút bỏ những gánh nặng kéo dài cả cuộc đời trên đôi vai người lớn. Và rồi chẳng còn gì ngoài bế tắc, tất cả đều chọn giải pháp tiêu cực nhất. Trong phút chốc, tình thương mà người bà, người mẹ dành cho con cháu bởi một phút mất lý trí đã biến thành mũi dao của sự độc ác. Mượn danh nghĩa yêu thương phải chăng chỉ là vỏ bọc bao biện cho những vị kỉ cá nhân, làm lệch lạc tình người.

Bà Chử Thị Mỹ Lệ.

Không biết tự bao giờ, người lớn tự cho mình quyền tước đoạt một sinh mệnh chỉ vì bế tắc. “Đời là bể khổ” nên chẳng đong đếm được những nỗi đau đến xé lòng của những gia đình gặp bi kịch như bà Lệ và người mẹ trẻ. Họ cũng có những đứa trẻ sinh ra đã thiếu may mắn, ngày đêm bị bệnh tật dày vò. Nhưng họ đã dùng bản lĩnh và tình thương đúng nghĩa để tuyên chiến cùng số phận. Những vị kỉ cá nhân đã bị dập tắt bằng niềm tin xem trọng sinh mệnh mang huyết thống của chính mình dù cho có khắc nghiệt, có đớn đau.

Tôi đã từng rơi nước mắt chứng kiến cảnh một người mẹ 80 tuổi dùng cả những hơi thở yếu ớt cuối đời nuôi 3 đứa con tuổi 50 vẫn còn khờ dại. Nỗi trăn trở duy nhất của người mẹ ấy là khi bà lìa xa cõi đời, 3 đứa con ấy sẽ ra sao, sẽ sống một cuộc sống như thế nào khi không có mẹ. Nếu được chọn lại có thể họ sẽ mong muốn có cuộc sống yên ấm, bình thường như bao người khác. Nhưng để chọn giải pháp giải thoát cho các sinh mệnh yếu ớt họ sẽ kiên quyết chối từ bằng bản năng của người mẹ dù cho hạnh phúc, tương lai với họ có thể mờ mịt thậm chí chẳng dám hình dung.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh bởi thế vẫn có những đứa trẻ sinh ra khuyết tật, kém may mắn. Nhưng bằng tình yêu thương của người thân, nghị lực của mình mà những đứa trẻ ấy đã vượt qua nghịch cảnh, thậm chí trở nên xuất chúng mà có lẽ nhiều đứa trẻ bình thường không làm được. Hành động của bà Lệ hay người mẹ trẻ đang giải thoát cho những đứa trẻ hay tự giải thoát gánh nặng cho chính mình?. Một khi tình yêu với một người dành cho ai đó không đủ lớn họ sẽ cảm thấy đó là gánh nặng nghiệt ngã của cuộc đời.

Tự bao giờ, người lớn tự cho mình quyền tước đoạt một sinh mệnh chỉ vì bế tắc.

Mai đây, bác sĩ Lệ và người mẹ trẻ tất yếu sẽ phải nhận án nặng tại phiên tòa, sự nghiệp cuộc đời vỡ tan, gia đình rơi vào tấn bi kịch thảm khốc hơn. Sự ích kỉ cá nhân đã khiến họ trở nên mù quáng. Nỗi đau này với họ và sẽ còn dài lâu và hơn thế nữa nó còn là sự đàm tiếu trong bia miệng thế gian.

Đ.C

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.