Học phí nhiều trường đột ngột tăng... gấp đôi
Thời gian qua, nhiều trường đại học đã công bố cụ thể đề án tuyển sinh năm học mới 2021-2022, một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm chính là học phí.
Theo đề án tuyển sinh trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.Hồ Chí Minh) vừa công bố, mức học phí dự kiến năm học 2021-2022 cho ngành Y khoa, Dược học, Răng hàm mặt là 32 triệu đồng/năm; các ngành khác là 28 triệu đồng/năm...
Trường đại học Kinh tế - Luật (đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) đề xuất mức học phí dự kiến năm 2021 là 20,5 triệu đồng; năm 2022 là 22,6 triệu đồng; năm 2023 là 24,8 triệu đồng; năm 2024 là 27,3 triệu đồng và năm 2025 là 30 triệu đồng. Trong giai đoạn 2026 - 2030, trường dự kiến mỗi năm điều chỉnh mức thu tăng 10-15%. Đáng nói, trường này chỉ thu học phí 9,8 triệu đồng/năm học với chương trình đại trà trong năm 2020.
Trường đại học Bách khoa (đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cũng xác định một mức học phí mới, dự kiến tăng với tất cả các ngành. Theo đó, so với học phí hiện tại (khoảng 12 triệu đồng/năm), học phí mới chương trình đào tạo đại trà sẽ tăng cao gấp đôi (mức 25 triệu đồng/năm). Chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật ở mức 50 triệu đồng/năm; chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Anh (66 triệu đồng/năm); hai chương trình đào tạo chất lượng cao sẽ tăng 10% so với hiện nay.
Lý giải về điều này, đại diện các cơ sở giáo dục đại học đều đưa ra những lập luận chung: “Từ năm học tới, trường thực hiện cơ chế tự chủ. Với đề án đổi mới cơ chế hoạt động, sự tác động lớn nhất với người học là chính sách học phí cho sinh viên trúng tuyển năm 2021”; hay “Học phí dự kiến áp dụng trong năm tới nhằm đáp ứng nhu cầu cao về chất lượng nhân lực khi tốt nghiệp đại học. Trường tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường các chương trình hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực thực hành tại các cơ sở y tế, năng lực ngoại ngữ phục vụ sự phát triển nghề nghiệp cho người học”.
Theo một số chuyên gia, khi các trường đại học thực hiện tự chủ thì tăng học phí là việc tất yếu, nhưng nếu tăng mãi và tăng quá đột ngột thì sẽ tạo nhiều rào cản cho người học, không đủ điều kiện tiếp cận kiến thức.
Phải minh bạch và đảm bảo chất lượng tương xứng
Trước tình hình nhiều trường đại học muốn áp dụng mức thu học phí mới, vượt quá khả năng tài chính của nhiều gia đình, bộ GD&ĐT đã yêu cầu giữ ổn định mức học phí. Cụ thể, đại diện vụ Kế hoạch - Tài chính (bộ GD&ĐT) cho biết: “Tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP, Bộ đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021, nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh”.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, GS.TS Trần Hồng Quân (nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT) cho rằng, vấn đề học phí đại học hiện nay cần nhìn nhận từ nhiều phía, xã hội cũng phải chung lưng và có trách nhiệm cùng giáo dục. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế người người khó khăn, nhà nhà khó khăn như hiẹn nay, cần có sự cân nhắc, tính toán phù hợp. Đặc biệt, việc tăng học phí như thế nào cũng phải được các trường đại học công khai minh bạch.
“Trong điều kiện khó khăn hiện nay, cần có lộ trình phù hợp để tăng mức thu học phí, có thể chấp nhận lộ trình chậm hơn, năm nay tăng ít, năm sau tăng nhiều để tiến tới làm sao đạt chi phí đào tạo tối thiểu. Từng bước nâng học phí lên cũng là từng bước nâng cao chất lượng, tạo sự dễ dàng hơn cho người học chứ không phải tăng cao lập tức sẽ có chất lượng tốt ngay” - nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT phân tích.
Theo ông, lộ trình tăng học phí sẽ phụ thuộc từng ngành, từng trường và cần sự hướng dẫn của cơ quan quản lý: “Quan trọng nhất là trách nhiệm giải trình xã hội và sự minh bạch trong việc tăng học phí, vì xét cho cùng, giáo dục là đào tạo con người chứ không phải chạy theo lợi nhuận tối đa để tạo sự dễ dàng cho cơ sở đào tạo mà gây khó cho xã hội. Các trường phải giải trình rõ cho cơ quan quản lý, cho xã hội thấy được tại sao phải tăng lên mức thu học phí như vậy, kể cả minh bạch về lộ trình”.
“Đồng thời, các cơ sở giáo dục khi đã tăng học phí, phải đảm bảo chất lượng đào tạo tương xứng. Không thể có chuyện tăng học phí mà trang thiết bị, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy... không có sự cải tạo, nâng cấp về chất lượng. Mức thu học phí và chất lượng đào tạo luôn phải đi song song với nhau, một cái là yêu cầu, một cái là điều kiện của nhau” - GS.TS Trần Hồng Quân nhấn mạnh.
Nhà nước vẫn cần hỗ trợ để học phí không tăng quá đột ngột
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng trường đại học Nam Cần Thơ), việc tăng học phí dù theo lộ trình nào đi chăng nữa hoặc có đưa ra một “mức trần” nào, cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến người học. “Không phải sinh viên nào cũng có đủ điều kiện để chạy theo mức học phí tăng liên tục. Những thí sinh dám thi vào các trường công lập thì ít nhiều cũng có tài, cần nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo điều kiện học tập. Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục cần có sự cân nhắc, tính toán thật kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi học tập của người học. Bên cạnh việc giao quyền tự chủ, Nhà nước vẫn nên có những hỗ trợ nhất định, để đảm bảo học phí các trường đại học không phải tăng quá cao, khiến sinh không có cơ hội tiếp tục học tập”.
Còn theo GS.TS Trần Hồng Quân, Nhà nước có thể dùng tín dụng giáo dục để có chính sách cho người học vay với lộ trình, lãi suất phù hợp. Đồng thời, Nhà nước cũng có thể hỗ trợ nhà trường theo cách đặt hàng các trường đào tạo, đầu tư cho một vài ngành trọng điểm mà Nhà nước muốn trường đó vươn lên trong khu vực và thế giới.
Cẩm Mịch