Động thái triển khai 15 xe bọc thép và xe tải chở đầy vật liệu hậu cần đến thành trì Idlib, Syria đang gây lo ngại về một cuộc tấn công quân sự sắp nổ ra sau nhiều tháng im ắng.
Đoàn xe được báo cáo đã đi vào lãnh thổ Syria từ cửa khẩu biên giới Kafr Losin để tới cung cấp cho các trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ.
HTS bành trướng
Hayat Tahrir Al-Sham (HTS) - nhóm khủng bố đang kiểm soát chính ở Idlib - gần đây đã củng cố dấu chân quân sự ngày càng vững mạnh trong khu vực bằng cách liên tiếp thâu tóm và loại bỏ các nhóm thánh chiến khác.
Bên cạnh đó, HTS cũng chọn cách tiếp cận thực dụng đối với Ankara để đảm bảo sự tồn vong của chính mình.
Gần đây, HTS đã bị các đối thủ chỉ trích vì đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ sau khi ra tay ngăn chặn các hành động quấy phá ở đường cao tốc M4 chiến lược, nơi binh lính Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tiến hành tuần tra thường xuyên.
HTS đang dần loại bỏ các nhóm nhỏ, tăng cường lực lượng và phô trương thanh thế hơn trong những ngày qua. Với việc HTS đang có được một vị thế mạnh mẽ, Aydin Sezer, một chuyên gia về quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng tình hình diễn ra ở Idlib giống như một quả bom nổ chậm.
“Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, trong đó một hành động khiêu khích sẽ kích động quân đội Syria hoặc lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ”, ông nói với Arab News.
Theo thỏa thuận Astana, Sochi và mới đây là thỏa thuận ngừng bắn ngày 5/3 ở Moscow, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết loại bỏ tất cả các nhóm khủng bố trong khu vực bao gồm HTS.
“Trong thỏa thuận hồi tháng 3, Moscow đã đưa ra thời hạn cuối cùng để Ankara xóa sổ các nhóm này là sau 6 tháng nữa. Giờ đây đã đến tháng thứ 4. Tôi nghĩ rằng Nga sẽ ngăn chặn chính quyền Tổng thống Bashar Assad thực hiện bất kỳ cuộc tấn công nào chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong khung thời gian này”, chuyên gia Sezer đánh giá.
Tuy nhiên, cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không thể loại bỏ HTS, thậm chí còn đứng ngoài chứng kiến nhóm này ngày càng lớn mạnh hơn. Gần đây, HTS và các nhóm liên quan đã nối lại các cuộc tấn công và căn cứ của Nga như một nỗ lực khiêu khích chống lại Điện Kremlin.
Trong thời điểm hiện tại, ưu tiên của Ankara là ngăn chặn nguy cơ làn sóng tị nạn từ Idlib đổ về biên giới nên đang cố tránh làm mích lòng các nhóm cực đoan tại đây, thay vì dằn mặt giúp Moscow.
Orwa Ajjoub, nhà nghiên cứu trực từ Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Lund, nói rằng HTS đã phát triển một loại quan hệ phụ thuộc lẫn nhau với Ankara.
“Ví dụ, vào tháng 1/2019, để đáp lại sự làm thinh của Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc tấn công của HTS chống Mặt trận Giải phóng Quốc gia do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, lãnh đạo HTS Abu Muhammad Al-Jolani cũng thể hiện sự ủng hộ đối với hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ ở đông bắc Syria nhằm loại bỏ PKK (đảng Công nhân người Kurd)”, ông nói với Arab News.
Thế khó của Thổ Nhĩ Kỳ
Sự bành trướng ngày càng lớn của HTS có hai mặt tốt xấu đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Là nhóm mạnh nhất ở Idlib, HTS cung cấp an ninh, sự ổn định và quản trị trong Idlib. Ngoài ra, nhóm này có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thành cam kết Sochi và Astana bằng cách loại bỏ các nhóm thánh chiến cực đoan nhỏ hơn.
Tuy nhiên, điều đó cũng khiến cho Ankara bị phụ thuộc và khó có thể một ngày nào đó tự tay loại bỏ “trợ thủ” đắc lực.
Theo Navar Saban, nhà phân tích quân sự từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Omran ở Istanbul, nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành bất kỳ hoạt động nào chống lại HTS thì nước này cần phải có những giải pháp an ninh thay thế những gì mà HTS đang làm ở thời điểm hiện tại.
“Thổ Nhĩ Kỳ hiện không có khả năng cung cấp những điều này ở Idlib”, ông nói với Arab News. “Đây là lý do chính khiến Thổ Nhĩ Kỳ không tiến hành một chiến dịch quy mô lớn chống lại HTS. Họ buộc phải quan sát từ xa vì mặc dù HTS không được chấp nhận nhưng nó lại có khả năng điều phối, quản lý tình hình ở Idlib bằng sức mạnh vượt trội của mình”.
Về phần mình, Nga cũng đang cân nhắc phản ứng với sự hiện diện quân sự mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib và các động lực phụ thuộc với HTS.
“Đối với Nga, việc quân tiếp viện của Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện ở Idlib không thể không khiến họ nghi ngờ”, chuyên gia Ajjoub cho biết. “Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng Ankara sẽ phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn”.
Ông cho rằng, sự hiện diện quân sự tăng cường của Thổ Nhĩ Kỳ gần đây sẽ cung cấp cho nước này một vị thế tốt hơn cho các vòng đàm phán sắp tới.
“Chúng ta cũng không nên quên rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có một mặt trận mở khác, đó là Libya. Những gì xảy ra ở Syria có thể được cảm nhận ở Libya và ngược lại”, Ajjoub nhấn mạnh.