img img

Nhân dịp Tết Quý Mão 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chia sẻ với Người Đưa Tin (NĐT) về những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế nước nhà.

img

NĐT: Trong bối cảnh bất ổn của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, yếu tố nào đã giúp ngành Tài chính sớm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Năm 2022, thế giới tiếp tục đối mặt với những biến động khó lường, tác động không thuận đến nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu. Ở trong nước, lạm phát gia tăng, một số vụ việc tiêu cực trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động của hệ thống ngân hàng, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, bất ổn cho nền kinh tế.

img

Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, Bộ Tài chính đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường, qua đó đã góp phần giảm giá bán xăng dầu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và kiểm soát áp lực tăng giá cả, lạm phát, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân.

Đồng thời, điều hành quyết liệt thu, chi NSNN, phấn đấu tăng thu NSNN, quản lý chi NSNN chặt chẽ. Chủ động tham mưu gói chính sách thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô khoảng 347.000 tỷ đồng.

Để đảm bảo nguồn lực, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung 6.840 tỷ đồng thực hiện Chương trình phục hồi từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.

Về bội chi NSNN, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ một cách hiệu quả, đảm bảo nguồn thanh toán kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công.

img

NĐT: Đâu là những khó khăn, thách thức đối với ngành tài chính trong thời gian tới và các giải pháp để hoàn thành dự toán thu, chi NSNN năm 2023, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Trước những khó khăn được dự báo, ngành Tài chính đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN cho cả năm 2023 và giai đoạn 2023 - 2025.

Để đạt được kết quả này thì trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt một nhóm giải pháp như bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chính sách tài khóa. Ngoài ra, Bộ cũng chủ động rà soát lại nhu cầu chi NSNN. Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, cơ cấu nợ công trong giới hạn; sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước; tăng cường quản lý hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá; điều hành linh hoạt giá cả trên cơ sở dự báo cung - cầu thị trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả, thị trường, nhất là đối với các nhóm hàng năng lượng, vật liệu xây dựng, sắt thép....

Cuối cùng, ổn định và phát triển thị trường vốn công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển, tập trung hoàn thiện khung pháp lý và thể chế; đẩy mạnh công tác giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tăng cường công tác truyền thông, tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư.

img
img

NĐT: Những năm gần đây, tỉ lệ giải ngân cho đầu tư phát triển (đầu tư công) thường không hoàn thành mục tiêu đề ra này, Bộ Tài chính đã có những giải pháp để năm 2023 hoàn thành kế hoạch đầu tư công?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong những năm gần đây thường thấp, đặc biệt sau tác động lớn của dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, song tỉ lệ giải ngân những tháng đầu năm 2022 vẫn còn thấp.

Hiện nay, kế hoạch đầu tư nguồn NSNN năm 2023 đã được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 70 với số vốn kỷ lục 726.684 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1513 ngày 3/12/2022 giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023. Như vậy, áp lực giải ngân các dự án trong năm 2023 là rất lớn.

img

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, chúng tôi đề nghị các bộ, cơ quan trung ương cần quyết liệt triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Về tổ chức thực hiện, triệt để phát huy trách nhiệm của người đứng đầu. Chú trọng khâu xây dựng kế hoạch sát với khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án.

Chỉ đạo các chủ đầu tư chủ động chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị đầu tư, sẵn sàng phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và triển khai các công việc thực hiện và giải ngân dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2023. Không để sau khi giao vốn mới bắt đầu triển khai các công việc.

Về phía Bộ Tài chính với chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là về quy trình thủ tục thanh toán đã thực hiện đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi tại cơ quan thanh toán xuống chỉ từ 1-3 ngày làm việc.

img

NĐT: Năm 2022, các chính sách hỗ trợ về thuế đã trở thành “cánh tay” hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, sang năm 2023, những chính sách này sẽ hết hiệu lưc, xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính có kế hoạch gì để tham mưu trình Chính phủ nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh còn nhiều khó khăn?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Trước diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng nhanh, gây áp lực lên lạm phát, tác động lên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường về mức sàn đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2023 và đề xuất tiếp tục giảm trong năm 2023.

Cùng với đó, các chính sách giảm thuế VAT áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện sức ép lạm phát, chi phí tăng cao.

Cùng với việc triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp áp dụng cho năm 2023 như: Gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; giảm thuế ưu đãi đối với một số nhóm hàng hóa là nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất; giảm thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn; giảm tiền thuê đất...

img

NĐT: Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tuy phát triển và là một kênh huy động vốn hiệu quả song vẫn còn tồn tại quá nhiều rủi ro. Xin Bộ trưởng cho biết các giải pháp để chấn chỉnh và củng cố chất lượng thị trường TPDN?

img

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Với quy mô huy động vốn ngày càng tăng, thị trường TPDN phát triển đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp, góp phần cân đối cơ cấu thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vốn trung, dài hạn quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng.

Trong năm 2022, dù có sự tăng trưởng, thị trường TPDN vẫn còn tồn nhiều khó khăn, một trong những nguyên nhân chính là niềm tin cũng như tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn về tình hình kinh tế - chính trị thế giới và trong nước.

Để khôi phục niềm tin, đảm bảo quyền và lợi ích của nhà đầu tư, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển thị trường an toàn, minh bạch, bền vững, trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, rà soát tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành TPDN, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông với thông điệp rõ ràng, ổn định tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư. Tập trung công tác quản lý giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật của các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán.

Về tổ chức điều hành thị trường, cần rà soát, cải cách quy trình cấp phép chào bán chứng khoán ra công chúng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đủ điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng.

Cuối cùng, phải đảm bảo thanh khoản thị trường tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế. Bộ Tài chính đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước tập trung triển khai các biện pháp điều hành đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại, điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình phát triển của nền kinh tế.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

img

NGUOIDUATIN.VN |