Vụ cháy rừng tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã thiêu rụi hơn 50ha rừng, cả nghìn lượt người đã được huy động dập lửa, trong đó lực lượng PCCC đóng vai trò quan trọng. Sau gần 3 ngày, các lực lượng chức năng địa phương đã khống chế đám cháy.

Những thời khắc sinh tử

Vụ cháy kinh hoàng bắt đầu xảy ra vào khoảng 12h ngày 28/6, tại khu vực rừng thông tiểu khu 92, thuộc địa bàn thôn 7, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Sau đó, ngọn lửa tiếp tục bùng phát lan rộng sang các khu vực rừng thuộc địa bàn thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân.

Nhận được tin báo, lực lượng chức năng huy động hơn 1.000 người gồm kiểm lâm, công an, bộ đội, cùng các tổ chức đoàn thể, nhân dân địa phương và các phương tiện tham gia chữa cháy. Tuy nhiên, do địa hình đồi núi dốc, xa nguồn nước kèm với gió phơn Tây Nam thổi mạnh khiến việc dập lửa gặp nhiều khó khăn. Ngọn lửa vẫn tiếp tục lan nhanh ra những diện tích rừng còn lại và có xu hướng lan xuống khu dân cư.

Đặc biệt, lửa cháy gần với 2 trạm xăng bên Quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Xuân An. Ngay sau khi có mặt kiểm tra tình hình, ông Phan Tấn Linh, Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân đã kiến nghị tỉnh Nghệ An chi viện cứu rừng Hồng Lĩnh khẩn cấp. “Trước tình hình cháy lớn, chúng tôi đã kiến nghị Công an tỉnh Nghệ An chi viện thêm xe cứu hỏa và lực lượng sang cùng lực lượng ở tỉnh Hà Tĩnh sớm dập tắt vụ cháy rừng. Công tác chữa cháy được diễn ra khẩn trương và không được để xảy ra sai sót”, ông Linh nói.

Đến 22h50 cùng ngày, đám cháy cơ bản được khống chế. Tuy nhiên đến 3h ngày 29/6, ngọn lửa bùng phát trở lại và dữ dội hơn, thiêu rụi hàng chục ha rừng thông, keo, bạch đàn trên địa bàn huyện Nghi Xuân. Trước diễn biến phức tạp của “giặc lửa”, Hà Tĩnh đã tổ chức cấm đường để phục vụ công tác chữa cháy. Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng tiếp tục huy động lực lượng và hàng chục phương tiện cứu hỏa tham gia dập lửa sang hỗ trợ tỉnh bạn Hà Tĩnh.

Về việc này, Đại tá Nguyễn Đức Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, theo đề nghị từ Hà Tĩnh, Nghệ An đã cử 3 xe chữa cháy đến chữa cháy ngay trong đêm. Đến sáng 29/6, nhận thấy tình hình phức tạp, phía bạn đề nghị hỗ trợ, Nghệ An lại điều tiếp 3 xe cứu hỏa sang chữa cháy giúp tỉnh bạn. Tổng cộng cả cán bộ và chiến sỹ sang chữa cháy gần 30 người.

Đến ngày 30/6, ngọn lửa vẫn còn cháy âm ỉ. Tuy nhiên, các vị trí quan trọng, khu vực dân cư, điểm kinh doanh xăng dầu tại Nghi Xuân đã được các lực lượng chức năng tạo đường băng cản lửa, đảm bảo an toàn. Nhưng phải đến ngày 1/7, các lực lượng chức năng địa phương mới khống chế được đám cháy rừng tại xã Xuân Hồng và thị trấn Xuân An.

Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết: “Chiều 30/6 và sáng 1/7, hơn 1.000 chiếc can hoặc xô nhựa được huy động, dàn hàng đi vào rừng truy tìm, nếu phát hiện thì tưới nước vào. Vì diện tích rộng như thế, bây giờ nói điều gì đó thì cũng rất khó, nhưng có thể khẳng định rằng, cơ bản đã khống chế được đám cháy”.

Ăn bánh mỳ chiến đấu với “giặc lửa”

Theo thống kê, trong vòng 3 ngày, đã có hơn 7.000 lượt người gồm chiến sỹ công an, bộ đội, dân quân tự vệ, lực lượng PCCC, công ty vệ sinh môi trường tập trung khống chế và làm việc không ngừng, ngăn đám lửa lan rộng xuống khu dân cư. Đặc biệt, 13 xe cứu hỏa của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh liên tục phun nước tạo đường băng cản lửa.

cháy rừng Hà Tĩnh

Tuy nhiên, vụ cháy diễn ra trong thời tiết nắng nóng, gió Lào mạnh, ngọn lửa bén rất nhanh khiến cho việc dập lửa vô cùng khó khăn. Để chủ động khống chế đám cháy, lực lượng PCCC Hà Tĩnh đã huy động phương tiện, thiết bị lớn đến hiện trường, chủ động phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC Công an tỉnh Nghệ An vào ứng cứu.

Song song với các biện pháp dập lửa thông thường, các chiến sĩ PCCC cũng chủ động triển khai phương án “dùng lửa cứu lửa”. Theo đó, các đội chữa cháy tiến hành phát cây tạo đường “băng trắng” trước khoảng cách đám cháy sắp tới, sau đó dùng lửa đốt trước, từ đó hạn chế được thiệt hại khi lửa bùng phát trong những vùng mà lực lượng chức năng không thể kiểm soát.

Trung tá Nguyễn Văn Lộc, Phòng Cảnh sát PCCC & CHCN, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Nhận được lệnh từ cấp trên, tôi cùng hơn 60 chiến sĩ khẩn cấp di chuyển về khu vực cháy, 10 xe chữa cháy và 4 máy bơm công suất lớn. Mấy ngày đêm qua, dù vất vả, anh em vẫn giữ vững được bản lĩnh, thể lực và nắm rõ chiến thuật nên mọi công việc và mệnh lệnh được giao đều tổ chức thực hiện nghiêm, đạt kết quả tốt”.

box

Trận chiến chống lại “giặc lửa” của những người lính cứu hỏa tại khu vực rừng thông huyện Nghi Xuân diễn ra gần 3 ngày qua đã có những chiến sĩ kiệt sức vì nắng, lửa bỏng rát nhưng họ vẫn kiên cường căng mình ra cùng đồng đội để khống chế đám cháy lan rộng. Nhiều chiến sĩ làm việc từ sáng đến tối, khi mệt họ nằm xoài xuống nền đất rừng, chợp mắt một lúc để có sức chống chọi với đám lửa.

“Chúng tôi chia nhau ổ bánh mỳ, suất cơm hộp giữa đám cháy lẫn mùi khói khét rẹt và mồ hôi mặn chát nhưng vẫn cảm thấy ngon đến lạ. Hầu hết chiến sĩ bị thương, bị bỏng, song không ai kêu ca, mà tiếp tục nghiến răng, giữ chặt vòi nước khống chế đám cháy”, Trung úy Trần Nhân Tứ, Phòng Cảnh sát PCCC & CHCN Công an tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ.

Bằng ý chí, bằng kinh nghiệm và những giải pháp táo bạo, khoa học, các chiến sĩ PCCC đã nỗ lực chứng minh một điều, sức người tuy bé nhỏ nhưng không hề sợ hãi trước giặc lửa. Một cốc nước mát, cái bánh quy nhỏ, chiếc gậy chặt vội, một nụ cười được trao cho nhau xóa tan mệt mỏi, trở thành động lực để mọi người tiếp tục chiến đấu ngăn lửa, giữ rừng, bảo vệ tài sản của nhân dân…

Những hình ảnh người lính cứu hỏa trẻ tuổi trong bộ dạng nhem nhuốc vì khói bụi, ăn uống tạm bợ ngay tại chỗ rồi ngủ vạ vật trên nền đất để canh cháy rừng khiến nhiều người không khỏi rưng rưng xúc động. Trước việc này, đoàn thanh niên, hội phụ nữ và nhiều tổ chức, cá nhân đã cùng đoàn kết tham gia công tác dập lửa cứu rừng.

Ông Phan Xuân Sanh, sống tại tổ dân phố 1, thị trấn Xuân An cho biết: “Đây lần đầu tiên trong đời tôi và người dân địa phương chứng kiến một vụ cháy rừng khủng khiếp như vậy. Thấy những người lính trẻ vì nhiệm vụ quên mình, chẳng màng khó khăn, gian khổ vậy chúng tôi không khỏi cảm động thương các anh vô cùng. Vì vậy, dân làng chúng tôi huy động già, trẻ, gái trai tiếp ứng lương thực, nước uống cho những người tham gia chữa cháy. Chúng tôi cảm ơn các anh thật nhiều, mong các anh có thật nhiều sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo vệ bình yên cho người dân”.

Ông Nguyễn Công Tố, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: Thời tiết nắng nóng kéo dài từ gần một tháng nay kết hợp gió phơn thổi mạnh khiến việc cứu hộ hết sức khó khăn. Cùng với thảm thực bì tại khu vực rừng phòng hộ huyện Nghi Xuân khá dày sẽ khiến cho đám cháy lan rộng và lửa âm ỉ lớn nên diễn biến tiếp theo là vô cùng khó lường.