sutit

Gặp chàng trai mảnh khảnh với nụ cười ươm trong những câu chuyện hóm hỉnh của độ tuổi ngoài đôi mươi đầy năng động, có lẽ ít ai ngờ, đây lại là một tâm hồn luôn hướng đến những thước phim quá khứ mang đậm giá trị lịch sử.

Đó là chàng trai với cái tên khá đặc biệt, Âu Minh (SN 1994), từng khiến biết bao trái tim mê mẩn với bộ ảnh “Hà Nội - 65 năm rực rỡ máu và hoa” cùng hàng chục bộ ảnh lịch sử được phục chế phiên bản màu trên “Đại Nam phục ảnh”.

Đến từ mảnh đất Bình Dương vốn là vùng đất chiến trường năm xưa với nhiều địa danh đã đi vào lịch sử, Âu Minh có niềm đam mê đặc biệt với lịch sử, dường như mỗi câu chuyện lịch sử đều mang dấu ấn và có một sức hút thật lạ kỳ.

Cái tên “Đại Nam phục ảnh” bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội Facebook từ giữa năm 2019, với những hình ảnh lịch sử được tô màu, đã thu hút hàng chục nghìn lượt theo dõi.

Tốt nghiệp trường cao đẳng Phát thanh - Truyền hình và hiện đang là nhân viên truyền thông tại một công ty du lịch, chàng trai có chút thế mạnh về đồ họa, lại sẵn niềm đam mê với lịch sử nên đã hạ quyết tâm thực hiện một dự án tái tạo những câu chuyện lịch sử qua màu sắc thật sinh động, hấp dẫn.

Sau vài phút ngập ngừng e ngại, Âu Minh mới bắt đầu câu chuyện: “Tôi có ý tưởng và bắt đầu thực hiện dự án này từ hồi tháng 5/2019. Do tôi đam mê cổ phong, lịch sử từ nhỏ... Mà dạo ấy đang rộ lên phong trào cổ phong, tìm về các văn hoá xưa của người Việt mình như dự án “Phượng Khấu”, “Việt Sử Kiêu Hùng”... Mà các dự án đó hầu như đều vẽ lại hoặc dựa trên các tư liệu trắng đen.

Tôi cũng có chút kiến thức về đồ hoạ, xử lý hình ảnh máy tính, kiểu bán chuyên thôi, lại may mắn được một người quen chia sẻ một phần mềm giúp khôi phục lại cơ bản màu từ ảnh trắng đen nên tôi đã quyết định tự thực hiện một dự án, lập trang để đăng tải những bức ảnh được phục chế, cùng chia sẻ đến nhiều người...”.

Lý giải về cái tên của dự án, anh chia sẻ: “Cái tên “Đại Nam phục ảnh” có nghĩa là phục chế lại ảnh của Đại Nam. Bởi, thực ra, ban đầu, tôi chỉ định phục chế những bức hình trong thời kỳ Đại Nam (triều Nguyễn). Sau khi thực hiện được một thời gian, tôi mới dần mở rộng ra khoảng thời gian sau cho tới khi trước 1975, vì sau năm 1975 thì hầu như đã có ảnh màu rồi”.

Mặc dù có sự hỗ trợ của phần mềm khôi phục lại màu cơ bản, tuy nhiên, theo Âu Minh, độ chính xác chỉ khoảng 60%.

“Vì thế, sau khi xử lý xong bằng phần mềm, tôi vẫn phải làm màu lại cho chính xác, từ cân chỉnh ánh sáng, tỷ lệ màu sắc, tô thêm những chỗ mà phần mềm chưa tô,... hầu như những bức ảnh mà tôi thực hiện phục chế màu sẽ có độ chính xác màu tầm 60-70% so với màu thật lúc xưa. Tôi gọi đơn giản “sứ mệnh” của “Đại Nam phục ảnh” là tô màu cho lịch sử...”, anh vui vẻ bật mí.

sutit

Đã thực hiện tô màu cho hơn 30 bộ ảnh theo chủ đề cùng nhiều bức ảnh lẻ, nhưng có lẽ, để lại ấn tượng nhiều nhất trong chàng trai này chính là bức ảnh của Nam Phương hoàng hậu được tô bằng cách thông thường.

Âu Minh nhớ lại: “Tôi thực sự hâm mộ nhan sắc của Nam Phương hoàng hậu. Khi tôi tô màu xong, có nhiều ý kiến tranh cãi về sắc phục của bà, người thì bảo bà mặc áo màu đỏ, người nghĩ là áo màu cam, người lại cho rằng đó là màu vàng... Chính vì vậy, tôi phải “lật tìm”, so sánh với điển chế, phát hiện Nam Phương hoàng hậu đích thực mặc áo màu đỏ.

Mà lúc đó do tô bằng tay, màu sắc do mình tự định nên độ chính xác không cao. Tôi khá buồn và thầm ước mình có một công cụ nào đó có khả năng đổ màu khách quan hơn. Tôi may mắn được người quen chia sẻ phần mềm có tính năng hỗ trợ tương tự, dựa vào tỷ lệ trắng đen của ảnh cũ để chuyển sang hệ màu.

Cũng chính từ lần đó, tôi thấy được, ngày trước, ông bà mình cũng có một cuộc sống đầy sắc màu chứ không phải chỉ quanh quẩn những chiếc áo vải nâu sồng như trong phim”.

Mặc dù rất yêu thích và nặng lòng với những câu chuyện lịch sử, không phải lúc nào Âu Minh cũng thực hiện được một bộ ảnh thật nhanh. Anh chàng cho biết: “Tôi thực hiện dự án này chỉ vì đam mê, mà chỉ có một mình nên khá tốn thời gian.

Thường thì đối với những bộ ảnh có hơn 100 bức, tôi sẽ phải mất tới vài ngày mới phục chế xong. Ngoài ra, sau khi tô màu xong, tôi cũng phải đối chiếu thông tin, tài liệu, tư liệu liên quan đến bức ảnh kèm theo với thực tế cho đúng với lịch sử...”.

Thoáng chút im lặng, chàng trai 26 tuổi cũng tiết lộ khá nhiều trở ngại trong công việc phục chế ảnh hiện nay của mình: “Sử dụng phần mềm này giúp tôi tiết kiệm được khá nhiều thời gian, nhưng tôi cũng chưa thực sự hài lòng lắm, bởi phần mềm vẫn chưa hoàn thiện nên còn nhiều mảng màu chưa thể hiện hết khiến bức ảnh sau khi tô xong khá loang lổ.

Bên cạnh đó, vấn đề lớn nhất đối với tôi chính là nguồn ảnh. Tôi khó tìm được nguồn ảnh gốc có chất lượng cao để phục chế, đa số là ảnh chụp lại hoặc bị rách nát, nhoè, không đủ nét nên ảnh sau khi hồi phục màu nhìn vẫn không đẹp hơn được bao nhiêu. Ảnh thì sưu tập từ các website, blog hay cá nhân nên khó truy tìm tác giả bức ảnh cụ thể,... đó cũng là một phần lỗi với người chụp ảnh”.

“Kỹ thuật khó nhất khi thực hiện phục chế chính là tô màu và căn chỉnh tỷ lệ ánh sáng, đậm nhạt sao cho hài hoà và tự nhiên nhất, để tránh làm cho hình ảnh quá thô như tranh vẽ, làm mất đi tính sống động vốn có. Để có thể tô màu được từng bức ảnh, tôi cũng phải kết hợp nghiên cứu các bộ phim lịch sử, tham khảo các ảnh màu phục chế của người khác để có một tư duy màu cơ bản mà thực hiện”, Âu Minh khẽ đưa tay đẩy nhẹ cặp kính cận và giải thích.

Tính đến thời điểm hiện tại, chàng trai say “màu” lịch sử này đã từng thực hiện hàng chục bộ ảnh, nhưng mới chỉ có hai bộ ảnh chiếm nhiều thời gian nhất. “Đó là bộ ảnh Lễ tang vua Khải Định và bộ Đà Lạt xưa, do màu khá khó chỉnh nên tôi phải “vùi mình” trong phòng suốt 3,4 ngày mới xong.

Tư duy màu là kinh nghiệm cá nhân tích lũy từ lâu, nên màu gốc thì tôi có thể ngẫm ra được do cảnh cây cối hay toà nhà đều còn đến bây giờ; chủ yếu là phải chỉnh từng tấm cho đúng màu với mình biết nên khá tốn thời gian...”, anh kể.

sutit

Để có được những bức ảnh phục chế “thuyết phục” nhất, Âu Minh đã liên hệ, kết nối với một số chuyên gia lịch sử để nhờ cố vấn trong tính chính xác lịch sử của bức ảnh, mỗi khi anh chàng chưa chắc chắn.

Một trong những chuyên gia “gắn bó” với Âu Minh nhiều nhất, có lẽ là TS. Trần Đình Hằng, Phân Viện trưởng - Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế.

Giống như một cơ duyên, sau khi album Đám tang vua Khải Định được chia sẻ trên mạng xã hội, ông đã phát hiện ra chàng trai đầy thú vị này và chủ động bắt chuyện.

Âu Minh nhắc đến TS. Trần Đình Hằng như một bậc tiền bối nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử, mà cũng như một người chú trong gia đình luôn sẵn sàng chia sẻ: “Chú thấy ấn tượng dự án “Đại Nam phục ảnh”, vì sách sử chú viết hầu như chỉ có ảnh trắng đen. Chú có hỏi tôi có sợ bị lệch màu không? Tôi nói có thể lệch khoảng 30-40%...

Sau đó, chú rất vui và ủng hộ tôi tiếp tục theo đuổi đam mê này. Đôi lúc, tôi cũng cần tham khảo ý kiến từ chú Hằng. Chẳng hạn, có những bức ảnh không rõ tên địa danh cụ thể (ở Huế), hoặc vấn đề đi chân đất với mang giày dép của lính triều Nguyễn,... khi tôi hỏi, mặc dù khá bận rộn nhưng chú đều sẵn lòng chỉ ra, để tôi có thể tô màu những bộ ảnh đó thật đúng”.

Nhắc đến đam mê cháy bỏng của mình, chàng “họa sĩ tô màu lịch sử” cũng không quên nhắn nhủ: “Ngay từ khi bắt đầu, tôi đã mong những bức ảnh mà mình tô màu sẽ góp phần nào đó truyền cảm hứng yêu lịch sử đến các bạn trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, ai cũng yêu cái đẹp, một bộ ảnh màu luôn có sức hút hơn những bức ảnh trắng đen.

Chính vì vậy, thông qua những bộ ảnh màu, tôi có thể lồng ghép các thông tin lịch sử vào từng bức ảnh, sẽ vô tình mang người trẻ đến tiếp cận gần hơn với lịch sử mà không phải quá cứng nhắc như những câu chữ trong sách giáo khoa. Lịch sử đến với người trẻ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, khi họ được tạo hứng thú.

Câu chuyện lịch sử được tái hiện qua những khung hình đầy màu sắc, chắc chắn sẽ dễ nhập tâm và trở nên sinh động hơn đối với người trẻ rất nhiều so với những bộ ảnh trắng đen”.

Ngắm những bộ ảnh được phục chế và cập nhật mỗi ngày, TS. Trần Đình Hằng cũng thực sự mến mộ ý tưởng của Âu Minh. Ông bày tỏ: “Hiện nay, để tìm được những người trẻ say mê lịch sử không phải là dễ. Vậy mà, một chàng trai mới ngoài đôi mươi đã có một suy nghĩ vô cùng ý nghĩa.

Những bộ ảnh của Minh nếu được phục chế với tỷ lệ chính xác cao, sẽ không chỉ góp phần tạo cảm hứng cho thế hệ trẻ yêu thích, say mê tìm hiểu lịch sử; mà còn trở thành một trong những tư liệu tham khảo cho các đoàn làm phim, đoàn kịch,... để những sản phẩm có độ chính xác cao hơn.

Tuy nhiên, để đi được chặng đường dài, Minh không thể đi một mình. Tôi hy vọng, chàng trai này sẽ tìm được những người cố vấn, người đồng hành tâm huyết, đáng tin cậy trên chặng đường sắp tới...”.

Bên cạnh vị “cố vấn lịch sử” ấy, Âu Minh cũng nhận được tình cảm kết nối từ một số người có chung niềm đam mê lịch sử khác, chẳng hạn, nghệ nhân Vũ Kim Lộc, người phục chế mũ miện triều Nguyễn; hay những người anh chung đam mê, thích sưu tập nhiều ảnh xưa...

“Có người anh còn gợi giúp tôi ý tưởng câu chuyện ảnh và cho tôi tham khảo lời bình nữa.

Mỗi album ảnh được tô màu là một bông hoa trong vườn hoa lịch sử. Tôi muốn những tấm ảnh thể hiện đúng nhất những gì từng diễn ra. Tương lai, tôi sẽ cố gắng hoàn thiện kỹ năng tô màu cũng như tìm hiểu thêm về lối sử dụng trang phục của người xưa để có những tông màu chuẩn xác nhất”, nụ cười thật rạng rỡ nở trên gương mặt chàng trai Bình Dương như đang ấp ủ thật nhiều “nét hoa” cho dự án “Đại Nam phục ảnh”.