Gia đình múa rối

sutit

Làng Tế Tiêu nằm ở thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, Hà Nội (địa phận Hà Tây cũ), nổi tiếng với nghệ thuật múa rối truyền thống. Những ngày này, về Tế Tiêu hỏi nghệ nhân “Bằng rối” thì ai cũng biết, bởi anh Phạm Công Bằng (sinh năm 1976) vừa trở thành nghệ nhân ưu tú trẻ nhất Việt Nam hiện nay.

Phạm Công Bằng

Tiếp chúng tôi tại một căn nhà là nơi phường rối gia đình hoạt động, anh Bằng không giấu được vẻ tự hào bởi sau bao nhiêu năm cùng cha anh giữ gìn, trao truyền thứ di sản văn hóa dân gian này cho hậu thế, mới đây anh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

Tôi nhìn quanh căn nhà mái bằng khang trang nhìn ra khoảng sân gạch có nhà thủy đình rộng chừng 200m2, tất cả đều ngăn nắp và đẹp đẽ. Cảm giác ấm áp lan tỏa như vừa tìm lại được những xúc cảm chộn rộn của tuổi thơ nơi làng quê Bắc Bộ năm nào.

Còn trong ký ức của những người già ở làng Tế Tiêu thì nghề rối (gọi là chơi rối) nơi đây có tuổi đời hơn 100 năm, được khởi xướng bởi một người mang tên “ông Cao” có tài năng làm trò rối, leo dây trong những gánh xiếc.

Sau này, nghề rối Tế Tiêu phát triển mạnh vào những năm 1956, 1957 và thường được biểu diễn các dịp hội làng, trung thu, tiễn bộ đội lên đường..., trở thành một nét văn hóa dân gian không thể thiếu của người dân bên bờ sông Đáy.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Phạm Công Bằng – Trưởng phường rối Tế Tiêu - dần nhớ lại những ngày ấu thơ đi theo cha – cố nghệ nhân Phạm Văn Bể - học nghề và biểu diễn.

Rối cạn

Sinh thời, cụ Phạm Văn Bể (học trò của nghệ nhân Lê Đăng Nhượng) là người “giữ lửa” cho nghề rối Tế Tiêu và gây dựng nên phường rối gia đình mình, gồm 9 người con ruột cùng nhiều anh chị em họ hàng. Hiện tại, phường rối gia đình cụ Bể là phường rối gia đình cuối cùng ở Tế Tiêu, đại diện cho loại hình văn hóa dân gian phi vật thể nổi tiếng của mảnh đất này.

rối nước Tế Tiêu

Theo lời kể của anh Bằng thì cụ Bể bắt đầu gắn bó với nghề vào khoảng những năm 1957. Và trước nguy cơ mai một thứ nghề cổ truyền này của quê hương những năm sau đó, cụ Bể quyết tâm vực dậy nghề rối vào những năm 1990 và rối Tế Tiêu đã thực sự được hồi sinh sau 25 năm gián đoạn, mở ra một giai đoạn phát triển mới.

Phạm Công Bằng là con trai thứ 9, đồng thời là truyền nhân của cụ Bể, tiếp bước cha trên con đường duy trì nghề cổ. Năm 2001, anh Bằng cùng với cụ Phạm Văn Bể đã xây dựng Thủy đình để biểu diễn phục vụ bà con trong làng cũng như thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến thưởng thức. Nhà thủy đình được xây dựng nhờ nguồn tiền của Quỹ Ford Việt Nam, trên mảnh đất do chính quyền địa phương hỗ trợ.

Đến năm 2016, cụ Bể qua đời ở tuổi 92, mang theo nhiều tâm huyết chưa tròn vẹn với nghề rối cổ truyền. Thực hiện nốt nguyện vọng của cha, anh Phạm Công Bằng vẫn ngày đêm cặm cụi đẽo gọt những con rối gỗ, truyền dạy cho những em thiếu nhi hoặc thanh niên trong làng có nhu cầu học nghề, và chủ trì những tiết mục biễu diễn rối nước, rối cạn mỗi khi nhận được lời mời.

SUTIT

Những năm qua, rối Tế Tiêu - với gần 100 trò diễn, hàng nghìn chú rối - đã vượt khỏi làng xã, đến với những hội diễn lớn ở Hà Nội, dự liên hoan quốc tế tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc, các triển lãm du lịch làng nghề, các kì Festival Huế… và giành được cả giải thưởng lẫn sự yêu mến của khán giả trong và ngoài nước.

Sau khi được công nhận là nghệ nhân ưu tú, anh Phạm Công Bằng chia sẻ: "Tôi là con trai út của nghệ nhân Phạm Văn Bể, người đã dành cả đời mình gìn giữ, phát huy di sản múa rối nước Tế Tiêu. Chính vì vậy, danh hiệu Nhà nước vừa trao tặng không chỉ là động lực để tiếp tục hoạt động, cống hiến mà còn giúp tôi hoàn thành tâm nguyện mà cha tôi hằng mong mỏi khi còn sống".

sutit

Những năm gần đây, đáp lại chính sách bảo tồn, gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc của Đảng và Nhà nước, một số lĩnh vực văn hóa vật thể, phi vật thể đang trên đà mất khán giả đã dần dần được hồi sinh, khởi sắc.

Múa rối

Nằm trong xu hướng chung đó, các tiết mục múa rối Việt Nam xuất hiện nhiều hơn tại các sân khấu lớn nhỏ như các kỳ Festival Huế, những hội diễn toàn quốc, hoạt động thường kỳ tại Bảo tàng Dân tộc học, phố đi bộ Hà Nội… và được nhiều công ty du lịch bổ sung vào chương trình du lịch phố cổ Hà Nội.

Nhưng có một điều đáng buồn là trong khi hầu hết khách du lịch nước ngoài tỏ ra thích thú với rối cạn, rối nước của Việt Nam thì bộ môn này vẫn rất yếu ớt trong những nỗ lực kéo khán giả trong nước đến sân khấu. Vào các dịp nghỉ lễ, trong khi rạp chiếu phim, các trung tâm thương mại luôn đông đúc thì những sân khấu rối vẫn… vắng hoe hoặc chỉ lác đác khán giả Việt Nam.

Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó một vấn đề sống còn mà đến giờ loại hình này chưa giải quyết được đó là: Nên giữ lấy cái hồn cốt làng quê của rối Việt Nam hay là đổi mới theo hướng hiện đại hóa để gần gũi hơn với khán giả? Trên thực tế, một số đoàn múa rối bên cạnh các vở diễn cổ truyền có chú Tễu, Sơn Tinh - Thủy Tinh…, đã bắt đầu xây dựng những vở diễn có công chúa Elsa, vịt Donald, người nhện… và coi đây là cứu cánh giúp rối Việt Nam thoát khỏi cái tiếng là “ăn mày dĩ vãng” về kịch bản, nhân vật.

Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa đem lại hiệu quả như mong muốn về khán giả. Khi tấm màn nhung sân khấu khép lại, một câu hỏi lớn vẫn treo lơ lửng: “Những tiết mục, vở diễn sau liên hoan sẽ có đời sống như thế nào? Những con rối đi về đâu?”, mặc dù ai cũng biết chúng sẽ được… cất kho là chính(!!)

“Đấy là điều vừa đáng tiếc vừa lãng phí đối với nghệ thuật múa rối nước nhà” - họa sĩ Ngô Quỳnh Giao, người cả đời gắn liền với rối, nói.

Múa rối tế tiêu

quote 3

Tôi đem câu hỏi này hỏi nghệ nhân Phạm Công Bằng, anh Bằng cho biết: Phường rối Tế Tiêu hoạt động trên danh nghĩa phường rối gia đình. Chính quyền chỉ tạo điều kiện về cơ sở vật chất còn mọi chi phí hoạt động, trao truyền di sản đều do cá nhân anh và thành viên đóng góp. Bởi vậy không ai coi múa rối là một nghề, mà chỉ là một thú tiêu khiển, hoạt động vì truyền thống gia đình và quê hương sau những phút mưu sinh vất vả. Đi biểu diễn được chút tiền ít ỏi, không nghệ sĩ nào nhận mà lại để đầu tư mua gỗ làm rối, sắm trang phục phụ kiện cho con rối.   

Trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Một năm phường rối Tế Tiêu nhận được bao nhiêu lời mời biểu diễn?”, anh Bằng ngập ngừng nói: “Khoảng 10 đến 20, tùy năm”. Tính trung bình 15 lần biểu diễn một năm, nghĩa là gần 1 tháng 1 lần. Còn nếu tính mỗi suất diễn là một ngày làm việc thì phường rối đình đám một thời này chỉ làm nửa tháng còn 11 tháng rưỡi còn lại đem… cất kho là chính (!!)

sutit

Hiện nay, nhu cầu khán giả đến với múa rối chỉ để thỏa mãn tò mò là chính, ít người bị thuyết phục hoàn toàn bởi giá trị văn hóa nghệ thuật của nó. Nhiều nơi ở Việt Nam, thiếu nhi chưa hề biết đến nghệ thuật múa rối của dân tộc.

Lựa chọn quan điểm bảo tồn - phát triển phù hợp với điều kiện thực tế giai đoạn hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu nhận định, bảo tồn và phát huy múa rối thích hợp nhất là để nó tồn tại trong cộng đồng, tại các làng quê, nông thôn, với phương châm: Vận động và phát triển, có chú ý đến kế thừa, tạo thành “truyền thống”.

Chính vì thế mà những phường rối gia đình như ở Tế Tiêu ngày càng được tôn vinh để bảo tồn.

Chia tay chúng tôi, mắt anh Phạm Công Bằng ánh lên tia hi vọng khi chia sẻ: “Là người cả đời gắn bó với múa rối Tế Tiêu, tôi rất mừng vì những năm gần đây được Nhà nước quan tâm bằng các ghi nhận bằng vật chất và tinh thần cũng như tạo điều kiện tiếp cận sự hỗ trợ của các quỹ bảo tồn văn hóa của nước ngoài. Giá bố tôi còn sống, hẳn là ông sẽ rất hạnh phúc vì điều này”.

Phạm Công Bằng