Cựu danh thủ Hà Bôn và “bảo tàng” có một không hai giữa lòng Hà Nội

Uông Đàm Linh

Hàng trăm kỷ vật quý giá mang quá khứ hào hùng một thời của bóng đá Việt Nam và Thế giới được cựu danh thủ bóng đá Hà Bôn lưu giữ một cách cẩn thận. Có thể nói “bảo tàng” của ông là độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Dành trọn nửa đời người để theo đuổi đam mê !

Căn nhà nhỏ của thủ cựu danh thủ Hà Bôn mà nhiều người thường quen gọi là “Bảo tàng bóng đá” nằm trên phố Núi Trúc, gần Đại sứ quán Thụy Điển.

Sau nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng, tôi nhận được cái gật đầu của vị "giám đốc bảo tàng" đặc biệt này. Khi chúng tôi đến, cựu danh thủ Hà Bôn đã chờ sẵn ở cửa kèm một nụ cười đôn hậu.

Đặt chân vào ngôi nhà đặc biệt này, chúng tôi mới thực sự hiểu lý do mọi người gọi đây là “bảo tàng thu nhỏ”.

Căn nhà 3 tầng của ông Bôn dù mỗi tầng chỉ rộng khoảng 20 mét vuông nhưng luôn chật kín áo, bóng, găng tay, ảnh… về những cựu danh thủ một thời vang bóng cũng như về đội tuyển quốc gia qua các thời kỳ như Lê Thụy Hải, Vương Tiến Dũng, Mai Đức Chung, Nguyễn Cao Cường, Ba Đẻn (Nguyễn Thế Anh-PV), đến những Công Vinh, Thành Lương, hay ngôi sao bóng đá nữ Kiều Trinh...

Dù đã bước sang cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng cựu danh thủ Hà Bôn vẫn vô cùng mạnh khỏe, minh mẫn, ánh mắt có thần cùng bước đi nhanh nhẹn như một thanh niên.

Với nụ cười phúc hậu, ông Bôn kể cho chúng tôi nghe về đam mê và hành trình sưu tầm, lưu giữ những kỷ vật bóng đá suốt hơn nửa thập kỷ qua.

Ông tâm sự, tình yêu cháy bỏng với trái bóng tròn hình thành và cháy mãi trong ông kể từ lúc thơ bé cho đến tận bây giờ.

Nhớ lại quãng thời gian thi đấu của mình, cựu danh thủ Hà Bôn tâm sự rằng ông từng thi đấu cho đội Sở thuế vụ ở giải hạng B của miền bắc lúc bấy giờ ( đây là những đội bóng của các ban ngành, do mới thành lập hoặc chuyên môn chưa cao nên gọi là các đội hạng B). Năm 1960 ông thi đấu cho đội Đường sắt. Hai năm sau, ông gia nhập quân đội, làm thủ môn cho đội Quân khu Việt Bắc. Khi ấy Quân khu Việt Bắc đã có 2 thủ môn rất cao to. Tuy nhiên bằng tài năng của mình, ông nhanh chóng chiếm được xuất bắt chính cho đến khi giải nghệ...

Với thể hình không thực sự lý tưởng mà một thủ môn cần có, ông đã khiến tất cả phải choáng ngợp trước những pha bay người cứu thua, những tình huống ra vào, bắt bóng bổng cực tốt.

Thời điểm ấy, mỗi khi nhắc đến Hà Bôn, những người từng theo dõi "chàng thủ môn" có chiều cao khiêm tốn này thi đấu thường ví von rằng: “bay như vượn, lượn như Bôn”.

Rót cho chúng tôi một cốc nước còn mát lạnh, ông Bôn hồ hởi cho biết, việc sưu tập các kỷ vật bóng đá là sở thích và cũng là cơ duyên của ông: “Năm 2000, sau khi nghỉ hưu, tình yêu với bóng đá vẫn rất mãnh liệt. Vì vậy, tôi có suy nghĩ là sao mình không sưu tầm những kỷ vật về bóng đá để cùng anh em, chiến hữu ngồi thưởng trà, bàn luận về môn thể thao vua này?”

Nở một nụ cười đôn hậu, cựu danh thủ Hà Bôn khẳng định sưu tập kỷ vật bóng đá ban đầu chỉ với mục đích đơn giản, không muốn phô trương.

Thế nhưng, tiếng lành đồn xa cùng với cơ duyên đặc biệt, những kỷ vật vô giá lần lượt tìm đến ông một cách đầy ly kỳ và bất ngờ.

“Lúc đầu, những kỷ vật mà tôi có cũng không nhiều. Bạn bè sang chơi, thấy tôi có đam mê nên có gì liên quan đến bóng đá, họ đều mang đến tặng tôi”, ông Hà Bôn hồ hởi kể lại.

Cứ như vậy, những kỷ vật ấy cứ nhiều lên. Ban đầu ông dùng tầng 1 để trưng bày nhưng không đủ.

Bây giờ, theo năm tháng, cả tầng 2 và tầng 3 nhà ông đã chật kín những kỷ vật về những về những cựu danh thủ một thời vang bóng, cũng như về đội tuyển quốc gia qua các thời kỳ.

Điều khiến chúng tôi đặc biệt ấn tượng chính là trong nhà ông Bôn còn có hàng chục quả bóng khác trải dọc cầu thang và đều gắn với những kỷ niệm của người tặng.

Một cách trân trọng, ông Bôn đưa cho chúng tôi xem quả bóng mà tiền đạo Lê Công Vinh đã ghi bàn giúp ĐTQG Việt Nam vô địch AFF Suzuki Cup 2008. Đây là quả bóng có chữ ký của Công Vinh và đích thân cựu tiền đạo này mang đến tặng ông.

Tiếp đến, những tấm huy chương danh giá, đánh dấu những bước ngoặt lịch sử của bóng đá nước nhà cũng được ông giới thiệu. Đó là tấm HCV AFF Suzuki Cup 2008 và 2018; HCV lịch sử của U22 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018…

Hàng trăm cái áo đấu, găng tay của những thủ môn giỏi, cờ lưu niệm có chữ ký của các cầu thủ trong và ngoài nước cũng được ông bảo quản và lưu giữ một cách kỹ lưỡng, trang trọng.

Tất cả đều được ông Bôn bảo quản như báu vật và trưng bày ở những vị trí trang trong nhất. “Đây đều là những kỷ vật vô giá. Mỗi kỷ vật đều gắn liền với một sự kiện, ký ức của bóng đá nước nhà. Không phải ai cũng có và không phải cứ có nhiều tiền là mua được”, cựu danh thủ Hà Bôn tự hào nói.

Ông Bôn và mối lương duyên với huyền thoại Schumacher

Ngoài những kỷ vật bóng đá trong nước, cựu danh thủ Hà Bôn còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật của các cầu thủ nổi tiếng trên thế giới.

Ở ngay tầng 1, ông Bôn dành một góc trang trọng để trưng bày những kỷ vật liên quan đến bóng đá Đức. Chúng tôi nhận thấy, tấm hình có chữ ký của thủ thành Schumacher nổi tiếng của CHLB Đức ký tặng cho ông Bôn.

Cơ duyên này đến với ông từ khi ông Bôn làm việc ở Đại sứ quán Đức. Với vốn ngoại ngữ tốt, tính cách hòa đồng, cách làm việc hiệu quả, cựu danh thủ Hà Bôn nhanh chóng lấy được thiện cảm của mọi người.

“Ngày ấy, tôi làm việc ở Đại sứ quán Đức và vị Đại sứ Đức lúc ấy là bạn của Schumacher. Biết tôi hâm mộ, ông ấy đã giúp tôi làm quen với Schumacher và tôi nhận được bức ảnh quý giá này. Từ đó về sau, tôi và Schumacher cũng thường xuyên gửi thư từ, kỷ vật với nhau”, ông Bôn chỉ tay về tấm hình được ông treo trang trọng trong phòng khách vui vẻ kể lại.

Với ông, tấm hình có chữ ký của thủ thành Schumacher là kỷ vật quý giá nhất và luôn coi nó là điểm nhấn lớn nhất trong “bảo tàng” mà cựu danh thủ Hà Bôn gây dựng suốt bao năm qua.

Hầu hết những kỷ vật của bóng đá thế giới mà ông Bôn đang lưu giữ đều do những người bạn, người anh em thân thiết của ông làm ở Đại sứ quán đi công tác mua về rồi đem tặng.

Theo lời kể của ông Bôn, ngày ấy, có ngài Đại sứ Bulgaria, biết đến ông thông qua một trận giao hữu với Đại sứ quán Mỹ mà lặn lội đến tận nhà tặng quả bóng EURO 2008 và ký tặng.

Bên cạnh đó, ông còn có những kỷ vật như khăn quàng cổ của các CLB nước ngoài, những chiếc áo đấu của các đội bóng, danh thủ nổi tiếng. Ông Bôn cho biết mới đây nhất, ông nhận được chiếc áo của huyền thoại bóng đá Ý P. Maldini nhưng chưa kịp trưng bày.

Sẽ hiến tất cả nếu có bảo tàng !

Đưa chúng tôi đi thăm quan và tận mắt chứng kiến những kỷ vật mà ông lưu giữ trang trọng từ tầng 1 đến tầng 3 rồi chỉ tay vào từng tấm hình, bức ảnh, cựu danh thủ Hà Bôn chia sẻ với chúng tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp.

“Đây toàn là kỷ vật quý giá, không thể đong đếm được bằng tiền. Từng có người hỏi mua nhưng tôi không bán. Tôi sẽ truyền lại cho con cháu”, ông Bôn bộc bạch.

Đối với người đàn ông có niềm đam mê cháy bỏng với bóng đá, việc ông truyền lại những kỷ vật ấy cho con cháu trong nhà là muốn các thế hệ sau này phải luôn nhớ về những thế hệ trước thông qua những kỷ vật vô giá này.

Tâm sự với ông, có thể thấy ông là một người yêu và đam mê bóng đá từ trong huyết quản. Như người ta vẫn nói, ông ăn bóng đá, ngủ bóng đá và yêu bóng đá cả trong những giấc mơ. Ông nhớ như in những cột mốc đáng nhớ của bóng đá nước nhà. Cách mà người đàn ông này lau chùi, sắp xếp những kỷ vật mà ông có được như một báu vật, đủ thấy ông trân trọng đam mê của mình như thế nào.

Nếu không phải là người thực sự có đam mê, nhiệt huyết và trăn trở với bóng đá thì không ai phí sức để tìm kiếm, bảo quản chất đầy nhà những kỷ vật này.

“Khi bóng đá Việt Nam có riêng một bảo tàng về Bóng đá, tôi sẵn sàng hiến tặng tất cả những kỷ vật tôi đã và đang có vì đây là tài sản chung của bóng đá Việt Nam chứ không phải của riêng tôi”. Đây là những lời gan ruột mà cựu danh thủ Hà Bôn chia sẻ với chúng tôi về ấp ủ của mình trong suốt thời gian qua.

Nếu Việt Nam chưa thể có được một bảo tàng bóng đá, những kỷ vật quý giá ấy vẫn sẽ được ông Bôn truyền lại cho con cháu để họ tiếp tục bảo quản, tìm kiếm thêm những "món quà vô giá" ấy.

Tiêu chí đặc biệt của nhà sưu tầm đặc biệt: Dù là người có niềm đam mê cháy bỏng với bóng đá cùng sở thích sưu tầm, lưu giữ những kỷ vật nhưng không phải ai, kỷ vật nào cũng được ông Bôn lưu giữ nếu không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu: Phải có đức. “Những người nào tôi cảm thấy không xứng đáng để hiện vật ở bảo tàng của tôi thì không bao giờ có hình ảnh ở đây và không bao giờ có kỷ vật ở chỗ này. Anh có tài, có đức thì tôi lưu giữ trong bảo tàng của tôi. Còn ai có giỏi đến mấy nhưng không có tư cách đạo đức không bao giờ có một vật gì ở trong bảo tàng của tôi”.

Đ.L