Biển Đông với vai trò là cửa ngõ của nhiều quốc gia khu vực và là một phần của huyết mạch hàng hải quốc tế, có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với các nước có liên quan đến các yêu sách chủ quyền tại Biển Đông mà cả cộng đồng thế giới. An ninh, thịnh vượng tại Biển Đông gắn liền với vận mệnh chung của an ninh, thịnh vượng của cả Đông Á. Bất kỳ xung đột nào xảy ra ở Biển Đông, dù là quy mô nhỏ, cũng có thể tạo ra những gián đoạn trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu và để lại hệ lụy to lớn đối với hòa bình, ổn định, và thịnh vượng không chỉ của khu vực mà trên cả thế giới.

ông Nguyễn Văn Quyền

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam
Nguyễn Văn Quyền. Ảnh: Thành Long.

Phát huy vị thế là một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp có uy tín trong cộng đồng luật gia quốc tế, Hội Luật gia Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động chính trị - pháp lý góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, lợi ích quốc gia trên Biển Đông và đạt được những kết quả quan trọng.

Với nhìn nhận rằng, giải pháp cho các vấn đề Biển Đông chỉ có thể công bằng và bền vững khi được phát triển và định hình trên các cơ sở pháp lý quốc tế được thừa nhận rộng rãi, cơ sở đảm bảo sự ổn định lâu dài ở Biển Đông cần phải là một cơ sở pháp lý với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, Hội Luật gia Việt Nam đã và đang phối hợp với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước tổ chức các cuộc hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông, tạo diễn đàn pháp lý để giới luật gia quốc tế phân tích, thảo luận kỹ lưỡng các cơ sở lịch sử, pháp lý đối với vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, qua đó tìm ra các giải pháp hòa bình cho tranh chấp ở Biển Đông.

Các hoạt động của Hội đã huy động được sự ủng hộ của giới luật gia tiến bộ trên thế giới đối với quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Ngay sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, với tư cách là thành viên của Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) và Hội luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP), Hội Luật gia Việt Nam đã tích cực tham gia cùng 2 tổ chức này để kịp thời ra tuyên bố công nhận tính hợp pháp của phán quyết, đồng thời kêu gọi các bên có liên quan tôn trọng quyết định của Tòa Trọng tài và kìm chế các hoạt động gây căng thẳng và quân sự hóa tại Biển Đông. Và từ đó đến nay, với sự tham gia tích cực của Hội Luật gia Việt Nam, IADL và COLAP liên tục tổ chức các cuộc hội thảo về Biển Đông theo cơ chế thường niên, trong đó có hội thảo với chủ đề “Giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông” do IADL tổ chức tại Nhật Bản năm 2017, hội thảo về “Tình hình hiện tại ở Biển Đông - Đề xuất giải pháp giải quyết tranh chấp” do IADL tổ chức tại Liên bang Nga năm 2018, hội thảo về “Khu vực hòa bình Tây Thái Bình Dương và vấn đề Biển Đông” do COLAP tổ chức tại Indonesia năm 2018. Là thành viên của IADL và COLAP, Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia tích cực tại các cuộc hội thảo và có các bài tham luận cập nhật tình hình trên Biển Đông và đưa ra đề xuất về các biện pháp giải quyết hòa bình đối với tranh chấp trên Biển Đông.

Hội Luật gia

Hội Luật gia Việt Nam tuyên bố về việc Trung quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam (ngày 09/5/2014). Ảnh Thành Long.

Các bài tham luận của Hội Luật gia Việt Nam tại các hội thảo này đã đóng góp các nguồn thông tin quan trọng để COLAP và IADL ra các tuyên bố hoặc kết luận hội nghị về Biển Đông một cách khách quan nhất. Tuyên bố của COLAP tại hội nghị tại Indonesia có đoạn viết: “Cần thực hiện phi quân sự tại Biển Đông; Cần lập tức rút hết các lực lượng và phương tiện quân sự tại Biển Đông; Tìm kiếm các giải pháp giải quyết tranh chấp một cách hoà bình tại Biển Đông, bao gồm việc soạn thảo và thông qua Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC); Tôn trọng và tuân thủ phán quyết của Toà trọng tài trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về Biển Đông; Công nhận các quyền tự do hàng hải của các nước theo Công ước của Liên hợp quốc về luật biển”. Trong bài kết luận hội thảo ở Liên bang Nga, Chủ tịch IADL đã nêu: “IADL khuyến nghị các bên liên quan sớm chấm dứt các hoạt động quân sự hóa, bồi đắp, gia cố đảo nhân tạo bất hợp pháp để bắt đầu quá trình xây dựng lòng tin nhằm gìn giữ an ninh, môi trường của khu vực. IADL kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nghiêm cấm sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực; tôn trọng và tuân theo một cách đầy đủ, có trách nhiệm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thiện việc xây dựng và đưa vào thực thi Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý và tuân thủ theo luật pháp quốc tế. Đề nghị các thành viên của IADL theo dõi chặt chẽ các diễn biến tại khu vực Biển Đông để kịp thời quan tâm và tham vấn”.

Hội luật gia việt nam

Ngoài ra Hội Luật gia Việt Nam cũng cử các hội viên của mình tham gia các diễn dàn pháp lý quốc tế để cung cấp thông tin, tài liệu khách quan về thực trạng trên Biển Đông cho cộng đồng quốc tế thấy được bức tranh đầy đủ trong khu vực.

Ở trong nước, từ năm 2009 đến nay, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao tổ chức các hội thảo quốc tế thường niên về chủ đề: “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực”.

Mục đích của Hội thảo là đánh giá lại tình hình tại Biển Đông dưới các góc độ khác nhau và đề xuất các biện pháp duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác trong khu vực thông qua các nội dung thảo luận như: tầm quan trọng của Biển Đông trong bối cảnh môi trường chiến lược đang thay đổi; những diễn biến ở Biển Đông hiện tại và hệ lụy đối với an ninh và thịnh vượng ở khu vực; các vấn đề pháp lý quốc tế trong các tranh chấp ở Biển Đông; quá trình giải quyết tranh chấp, xây dựng lòng tin và phương thức thúc đẩy hợp tác khu vực.

Qua một thập kỷ trưởng thành, chuỗi Hội thảo quốc tế “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực” đã hình thành một mạng lưới học giả quốc tế nghiên cứu sâu về Biển Đông, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của giới hoạch định chính sách và công chúng về vấn đề Biển Đông.

Biển đông

Ở góc độ học thuật, vấn đề Biển Đông đã trở thành một chủ đề nghiên cứu với nội dung đa dạng, đa ngành và đa chiều, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của giới học giả. Sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, từ năm 2016, các hội thảo quốc tế “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực” đã có sự chuyển hướng tập trung phân tích kỹ lưỡng và đề xuất những giải pháp toàn diện, lâu dài, bền vững hơn cùng với những cách tiếp cận thiết thực để quản lý tranh chấp, giảm thiểu căng thẳng, tận dụng cơ hội hợp tác và giải quyết vấn đề triệt để hơn, kiến nghị nhiều giải pháp về xây dựng lòng tin, kiểm soát và giải quyết từng bước tranh chấp để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, Hội cũng đã phối hợp với trường đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo quốc tế “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”. Hội thảo đã đánh giá những ảnh hưởng, tác động về chính trị, pháp lý, thương mại và quan hệ quốc tế của phán quyết trọng tài về vụ kiện Philippines - Trung Quốc đối với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới và đặc biệt đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật quốc tế và cơ chế thực thi phán quyết. Hội thảo đã thống nhất, phán quyết của Tòa Trọng tài có tính chất lịch sử, có giá trị pháp lý quan trọng và đóng góp to lớn cho sự phát triển của luật pháp quốc tế về giải quyết tranh chấp trong bối cảnh hiện nay.

Hội luật gia việt nam

Phán quyết này là cơ sở pháp lý quan trọng để các quốc gia trong khu vực điều chỉnh quan điểm, yêu sách và cách thức tiếp cận rõ ràng hơn về mặt pháp lý để giải quyết hòa bình các tranh chấp biển trong tương lai. Đây cũng là kinh nghiệm quý báu cho các quốc gia có tranh chấp biển trong khu vực nghiên cứu, áp dụng để giải quyết hòa bình các tranh chấp biển trong tương lai.

Xác định công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nghĩa vụ chung của tất cả mọi công dân, tổ chức, Hội Luật gia Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục làm hết sức mình để góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, đóng góp cho việc giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực và trên thế giới.